Dãy Himalaya, điểm kết nối văn hóa thế giới hàng ngàn năm qua, vẫn đầy những bí ẩn ít ai biết đến.

Bên trong sảnh khách sạn Oberoi hoa lệ tại New Delhi, anh nhân viên vừa đỡ hộ hành lý cho tôi vừa hào hứng hỏi. “Chị đến từ đâu ạ?”. “Ladakh”, tôi đáp lời. Anh chàng nhìn tôi với vẻ hồ nghi, pha chút ngỡ ngàng “Ladakh à? Thật sự chẳng ai đến đấy cả!”

Bất giác tôi nhớ lại đêm đầu tiên ở Ladakh, khi cuộn mình trong chiếc túi ngủ tại căn lều trên dãy Himalaya, gắng gượng hít thở thứ không khí lạnh lẽo, khô khốc. Niềm mơ ước được hít thở thỏa thích nhưng ôxy lại chẳng có. Chúng tôi đang ở độ cao 4.500 m tại vùng cực bắc Ấn Độ, và nhiệt độ bên ngoài dưới 0 độ C. Thật tình thì cũng chẳng ai muốn đến vùng Ladakh này cả.

Ladakh không phải nơi bạn nghĩ mình vẫn hằng biết. Ở đây, không tồn tại khí hậu nhiệt đới hay những chiếc xe tuk-tuk, ngoại trừ những ngọn núi khổng lồ, cao nguyên rậm rạp, hồ nước thinh lặng, trời lạnh cắt da và độ cao chóng mặt. “Ladakh thật độc đáo. Nơi đây giống Đông Á hơn Ấn Độ,” anh hướng dẫn viên Behzad Larry của tôi chia sẻ. Sinh ra tại miền Trung Ấn trong một gia đình có mẹ theo đạo Hồi, còn cha là một tín đồ Hỏa giáo, Larry có vóc dáng cao cùng đôi mắt nâu hạt dẻ và hàng râu rậm. Tốt nghiệp chuyên ngành sử học, Larry tham gia điều hành tour du lịch thám hiểm Voygr Expeditions từ năm 2013 tại khu vực này. “Chúng ta đang ở trên giao lộ của thế giới, nơi con người đã đặt chân từ ngàn xưa”, anh chia sẻ thêm.

Nằm ngay tại giao lộ của con đường giao thương cổ xưa, nơi nối liền Đông và Tây dọc theo con đường Tơ Lụa lừng danh, Ladakh là một nơi lưu giữ những điều bí ẩn. Thuộc về một phần Kashmir, vốn là vùng tranh chấp giữa Ấn Độ, Trung Hoa và Pakistan từ những năm 40 của thế kỷ trước, đây là nơi không dễ tiếp cận. Mãi cho đến những năm 70, Ladakh vẫn chưa mở cửa cho du khách, và thậm chí khi lệnh cấm được dỡ bỏ, những cửa ngõ trên cao của khu vực này chỉ cấp phép thông hành đơn lẻ cho những ai thật sự cần thiết phải vào Ladakh mà thôi. “Người Ladakh có câu nói có thể hiểu nôm na như sau: chỉ bạn bè thân cận nhất hay kẻ thù tai quái nhất mới ghé thăm bạn ở chốn này,” Larry tiếp lời.

Mặc dù đi lại khó khăn nhưng vùng núi Ladakh là nơi cư trú và phát triển của rất nhiều tộc người từ hàng ngàn năm qua. Những cư dân lâu đời nhất phải kể đến nhóm dân du mục Changpa vốn đã hoạt động mua bán trên con đường Tơ Lụa và chăn thả các loại bò Tây Tạng, cừu, ngựa và dê Cashmere trên các cao nguyên từ nhiều thế hệ qua.

Không chỉ duy trì cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc này, người Changpa còn phải đối mặt với những khó khăn hàng ngày khi luôn phải tìm kiếm những địa điểm mới có nguồn cỏ dồi dào cho bầy gia súc. Yếu tố hiện đại chỉ thấp thoáng hiển diện nơi đây thông qua hình ảnh một vài chiếc xe hơi, còn lại vẫn y như nếp cũ từ hàng mấy thế kỷ trước. Cuộc sống thật thách thức với vị trí địa lý hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, sự thay đổi liên tục về nguồn nước và thức ăn, hay những bầy sói và báo tuyết luôn chực chờ săn đuổi đám vật nuôi.

Trong suốt cuộc thám hiểm cùng Larry và 12 cộng sự của anh – vốn có khả năng lèo lái công việc của cả 24 người từ nấu ăn, thông dịch, dựng trại – cả đoàn lúc nào cũng đau đáu một mục tiêu chung là làm thế nào gặp được những người du mục hoặc những chú báo tuyết. Địa điểm cắm trại lại phụ thuộc vào 2 yếu tố: nước sạch và bất cứ đâu gần dân du mục. Mỗi vị khách sẽ ở lều riêng biệt, được trang bị giường gấp, túi ngủ giữ ấm chuyên dụng, thảm lót dày cộm phủ sàn và máy sưởi dùng năng lượng propane. Ngày dần trôi trên dãy Himalaya, đoàn thám hiểm có thể dừng bất cứ khi nào muốn để nhìn ngắm thiên nhiên, con người hay một cảnh tượng đặc biệt. Đó có thể là khi một người du mục dẫn đàn bò hay dê lên đỉnh núi hay những nhà sư lạc bước trong buổi kinh cầu sớm mai. “Đây là một cách du lịch rất khác biệt,” Larry nhấn mạnh. “Bạn sẽ thu lượm được rất nhiều điều tùy thuộc vào cơ hội tiếp cận: tiếp cận với con người, cộng đồng dân cư, phong cảnh…”

Trong số những người du mục, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một bậc cao niên tên Tundup Tsering, tay luôn vân vê chuỗi tràng hạt trong khi vợ ông mải chăm chút pha loại trà bơ độc đáo để mời khách. Ông kể rằng vợ chồng mình phải di chuyển 12 đến 13 lần mỗi năm, ngay cả khi núi non phù dày băng tuyết. Thật khó để tồn tại ở một nơi khắc nghiệt như vậy, nhưng ông vẫn kiên tâm theo đuổi. “Chúng tôi có sự độc lập của riêng mình,” ông bộc bạch rồi tiết lộ thêm việc bản thân đang sở hữu đất đai tại Leh – thủ phủ của Ladakh. Không giống như hầu hết những người du mục khác, ông có quyền tự do lựa chọn. “Chúng tôi sống ở vùng này vì nơi đây chính là nhà.”

Trở lại New Delhi, một trong những hiện thân của Ấn Độ hiện đại, tôi cảm nhận được sự ô nhiễm không khí ở mức độ báo động, như thể che phủ cả mặt trời. Thật là một điều trái ngược với cái chốn khắc nghiệt mà tôi vừa đi qua, nơi ánh dương luôn rạng rỡ, chói lòa, núi non trập trùng và không khí trong lành. Ladakh không phải là đất nước Ấn Độ mà bạn vẫn hằng hình dung. Nhưng có đi qua rồi mới biết, cái phong cảnh ấy, những con người ấy, cả cái không khí băng giá, khô khốc ấy sẽ là một hình ảnh Ấn Độ mãi ngự trị trong tâm trí bạn.