Trong khi đại đa số các nhà mốt vẫn tập trung sản xuất trang phục nữ thì một vài nhân vật đình đám của làng thời trang vẫn miệt mài “công phá” trên địa hạt haute couture cho nam giới.

Tạm quên đi lịch sử hơn 200 năm từ khi trang phục haute couture ra đời nhằm điểm tô cho đẳng cấp thanh lịch của phái nữ, giờ đây các nhà mốt lừng lẫy đang dày công sáng tạo hơn về kiểu dáng, chất liệu lẫn kỹ thuật cùa hình thức may đo cao cấp này nhằm thu hút sự chú ý và cả hầu bao của những quý ông sành điệu, đỏm dáng trên khắp thế giới.

Ngược dòng lịch sử haute couture

Trong tiếng Pháp, “couture” mang ý nghĩa “may quần áo” trong khi “haute” có nghĩa là “cao cấp”. Như vậy, haute couture để chỉ những bộ trang phục tinh xảo, cao cấp được tạo nên theo số đo riêng của các khách hàng thượng lưu hay giới quý tộc.

Charles Frederick Worth, nhà thiết kế người Anh vốn khai trương cửa hiệu may đo thời trang cao cấp cho phái nữ tại số 7, rue de la Paix ở Paris (Pháp) vào năm 1858 được xem là ông tổ ngành haute couture. Từ năm 1945, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của haute couture được thiết lập bởi Fédération de la Haute Couture et de la Mode – FHCM (tiền thân là Chambre Syndicale de la Haute Couture – Nghiệp đoàn may đo cao cấp, ra đời vào năm 1868) của chính phủ Pháp, dành cho các thành viên của mình.

Dior là một trong số thành viên chính thức của FHCM

Cụ thể, các nhà mốt phải sản xuất hàng may đo thủ công cho khách hàng riêng, với hơn một lần thử, tại xưởng may có 15 nhân viên chính thức cùng 20 thợ thủ công làm việc toàn thời gian. Sau cùng, họ phải đảm bảo giới thiệu ra công chúng hai bộ sưu tập (BST) vào tháng Giêng và tháng Bảy hàng năm với ít nhất 50 mẫu thiết kế cho cả ban ngày lẫn ban đêm trong mỗi BST.

Theo trang thông tin của FHCM, năm nay, con số thành viên chính thức (vốn có xuất xứ từ Pháp) là 17, bao gồm những tên tuổi lớn như Chanel, Dior, hay Maison Margiela… Ngoài ra, nhiều “dân ngoại đạo” thời trang hẳn cũng sẽ bất ngờ khi biết rằng Elie Saab, Valentino hay Versace chỉ là các thành viên thường trực cùng với 5 nhà mốt khác (do cùng thuộc nhóm thương hiệu nước ngoài) hay những cái tên như Zuhair Murad hay Ralph & Russo là 2 trong số 17 thành viên khách mời theo từng mùa mốt (trừ khi họ được mời liên tục 4 lần để đủ tư cách trở thành thành viên chính thức hoặc thường trực).

Muôn vẻ haute couture cho nam giới

Trong khi đại đa số các nhà mốt vẫn tập trung sản xuất trang phục nữ thì một vài nhân vật đình đám của làng thời trang vẫn miệt mài “công phá” trên địa hạt haute couture cho nam giới. Còn ai khác ngoài John Galliano, Raf Simons và Kim Jones!

Vị giám đốc sáng tạo của Dior (1996-2011) và Maison Margiela (2014-nay), John Galliano, đã quá quen thuộc với kỹ thuật may đo cho các quý ông từ quãng thời gian học nghề bespoke trên con phố Savile Row lừng danh xứ sương mù thời 20 tuổi và sau này là các thiết kế haute couture vốn đầy tính lạ thường về phom dáng, chuẩn xác về kỹ thuật cắt may cũng như sự táo bạo trong ứng dụng chất liệu. Đặc biệt, BST Thu 2019 của Maison Margiela do John Galliano thiết kế được ca tụng hết lời như cuộc cách mạng mới của thời trang nam. “Đây là kỹ thuật cao cấp nhất của mảng y phục nữ, nhưng lại dành cho nam giới”, Galliano chia sẻ.

Một mẫu áo khoác dáng dài bằng chất liệu satin cao cấp của mùa Xuân 2019 thuộc thương hiệu cùng tên của NTK người Bỉ, Raf Simons

Đối với nhà thiết kế (NTK) người Anh gốc Gibraltar đang ở tuổi lục tuần này thì các bộ y phục của ông chẳng hề phân định giới tính. Ông mặc nhiên “cắt xẻ”, đổi dáng những chiếc quần ống rộng của bộ zoot suit – vốn thịnh hành trong giới nhạc công jazz da màu từ những năm 1930 tại Hoa Kỳ – thành đủ kiểu phục sức từ váy chẽn ngực, áo coóc-xê và đến cả áo choàng dạng cape!

Không theo trường phái “bạo liệt” như bậc tiền bối Galliano, NTK người Bỉ – Raf Simons – cựu giám đốc sáng tạo của Dior (2012-2015), chủ sở hữu thương hiệu riêng mang tên mình (từ 1995) và hiện là đồng sáng tạo tại Prada (4/2020-nay), lại nổi danh trong việc đưa phong cách đường phố được giới trẻ ưa chuộng vào dòng thời trang cao cấp dành cho nam giới. BST Xuân 2019 của Raf Simons càng khẳng định khát vọng trong việc đưa trang phục may đo chỉn chu đến gần hơn với lớp khách hàng trẻ tuổi qua hình ảnh những chiếc áo khoác dáng dài hay jacket từ chất liệu satin cao cấp thường thấy trong các thiết kế haute couture của nữ vốn cực kì “khó nhằn” trong kỹ thuật cắt để tránh làm nhăn hay đùn vải, cùng xu hướng sắc màu rực rỡ của trào lưu âm nhạc New Wave cực thịnh những năm 70-80.

BST Đông 2020/2021 của Dior Men là sự lĩnh hội tinh hoa từ lịch sử nhà mốt

Đồng quan điểm “gần gũi hóa” trang phục haute couture cho nam là một thần tượng mới của giới trẻ, Kim Jones, giám đốc sáng tạo đương nhiệm mảng thời trang nam của nhà mốt Dior, vốn là học trò của bậc thầy đồng hương quá cố Alexander McQueen từ xứ sở sương mù. Ở tuổi 47, Jones được lớp khách hàng trẻ cực kỳ hâm mộ khi quyết tâm phục hưng may đo và trao gửi niềm hân hoan khi vận suit và các y phục chỉn chu đến thế hệ mới. BST Đông 2020 của Dior Men là sự lĩnh hội tinh hoa cắt may, thêu thùa của nhà mốt Pháp quốc và tinh thần phi giới tính trong sáng tạo thời trang.


Ba ông hoàng haute couture cho nam giới

Cùng gắn bó với nhà mốt Dior lừng danh Pháp quốc trong mỗi giai đoạn khác nhau, cả 3 NTK tên tuổi đều lưu dấu ấn riêng trong từng BST cao cấp cho phái mạnh ở thời đại mới.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Tám mang chủ đề “New Era of Personalization”)