Những ai đã từng có cơ hội tham dự các buổi trình diễn của Alexander McQueen đều không tin rằng thời trang chỉ là thứ gì đó mang tính bề ngoài.

Bằng chính tài năng thiên bẩm và sức sáng tạo phi thường của mình, McQueen gần như mê hoặc, bỏ bùa và dẫn dắt người xem bước vào một thế giới siêu thực với những màn trình diễn đầy nghệ thuật vượt ra khỏi giới hạn của không gian và thời gian. “Đối với Lee, tất cả đều bắt nguồn từ cảm xúc” – là lời nhận xét của Isabella Blow, cố giám đốc thời trang của Tatler và là người bạn thân thiết của McQueen.

Ngay từ khi còn nhỏ, McQueen đã bộc lộ năng khiếu về thời trang khi giúp lựa chọn trang phục cho ba người chị gái. Vào năm 16 tuổi, sau khi xem một chương trình truyền hình nói về sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực may đo truyền thống, McQueen đã đến xin học việc tại hãng may đo Anderson & Sheppard, sau đó là hãng Gieves & Hawkes, và nhà cung cấp trang phục sân khấu Angels & Bermans. Chính những năm tháng làm việc tại Savile Row, thủ phủ may đo nổi tiếng ở Luân Đôn, đã giúp McQueen tích lũy được những kỹ năng hoàn hảo của một thợ may thực thụ để rồi từ đó kết hợp một cách nhuần nhuyễn vào các thiết kế khác thường và sáng tạo đến khó tin sau này. Năm 20 tuổi, McQueen làm việc cho nhà thiết kế Koji Tatsuno tại Nhật Bản, và làm trợ lý thiết kế cho Romeo Gigli tại Milan, Ý trước khi trở lại Luân Đôn và hoàn tất bằng thạc sĩ thiết kế thời trang tại trường Central St Martins College.

Ẩn dưới vẻ bất cần là một con người vô cùng thông minh, tài năng và sáng tạo

Trước khi mở cửa hiệu riêng tại East London vào năm 1992, McQueen đã sớm tạo dựng được tên tuổi bởi phong cách sáng tạo gây tranh cãi và cả những “chiến thuật” gây sốc. Những thiết kế đầy tính nổi loạn của McQueen đã nhanh chóng thu hút được một lượng khách nhỏ nhưng trung thành và có sức ảnh hưởng lớn, bao gồm cả Isabella Blow, người đã mua toàn bộ các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập tốt nghiệp của McQueen, và cũng là người khuyên McQueen sử dụng Alexander thay cho tên họ Lee khi ông bắt đầu sự nghiệp thiết kế thời trang của mình.

Ngay từ giai đoạn đầu của sự nghiệp thiết kế, McQueen đã trở thành một hiện tượng khi giới thiệu bộ sưu tập với những người mẫu trong bộ dạng như vừa bị đánh đập, ngược đãi và đồng thời “đốt” người xem bằng những lời lẽ khiêu khích như “Tôi chẳng cần người ta thích mình”. Tuy nhiên, ẩn bên dưới vẻ bất cần và thái độ có phần thô lỗ đó là một con người vô cùng thông minh, tài năng và sáng tạo. Năm 1996, McQueen nối bước John Galliano trở thành nhà thiết kế chính của Givenchy. Dù đã được “giảm cường độ” nhưng những sáng tạo của McQueen không thể nào che giấu được sự nổi loạn và nông cuồng của một “gã trai hư”. Mùa thu năm 1998, nhà thiết kế đã tạo nên một “cơn địa chấn” khi bố trí những con robot trên sàn catwalk với nhiệm vụ xịt sơn tung tóe lên bộ váy màu trắng tinh của người mẫu Shalom Harlow cùng với sự hiện diện của người mẫu khuyết tật Aimee Mullins ngạo nghễ bước đi trên đôi chân gỗ được chạm khắc cầu kỳ.

Trong vòng chưa đầy 10 năm, McQueen đã trở thành một trong những nhà thiết kế tài năng đáng ngưỡng mộ nhất thế giới. Vào tháng 12 năm 2000, Gucci mua lại hơn 50% cổ phiếu của Alexander McQueen và anh trở thành giám đốc sáng tạo của thương hiệu này. Tiếp theo là hàng loạt hoạt động mở rộng và sự ra mắt của các cửa hiệu flagship tại New York, Luân Đôn và Milan. Có thể nói, McQueen làm rung chuyển nền móng thời trang bằng sức sáng tạo gần như cuồng loạn của mình và xứng đáng trở thành một nhà thiết kế vĩ đại của làng thời trang thế giới.

Bộ sưu tập Dante năm 1996 đã diễn ra trong không gian của một nhà thờ Thiên Chúa với những thiết kế xẻ táo bạo bằng chất liệu vải chiffon, ren kết hợp cùng những chiếc sừng đầy ma quái.

Ông từng là một trong những nhà thiết kế trẻ nhất được phong tặng danh hiệu “Nhà thiết kế của năm” ở Anh với bốn lần suốt từ năm 1996 đến 2003. Ngoài ra, McQueen cũng giành được Huân chương Đế chế Anh và danh hiệu “Nhà thiết kế quốc tế của năm” từ Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Mỹ (Council of Fashion Designers of America). Cũng trong năm 2000, ông tiếp tục gây sốc với bộ sưu tập Xuân Hè 2001 Asylum khi toàn bộ người mẫu tham gia buổi trình diễn đều quấn băng quanh đầu, đi lại trong một chiếc hộp kính lớn với khung cảnh trông như một nhà thương điên. Không chỉ “quái” trong thiết kế mà McQueen còn khác người ở cách lựa chọn địa điểm tổ chức các buổi trình diễn của mình. Năm 2002, McQueen giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông 2003 giữa bối cảnh là một đường hầm lộng gió trên cao diễn ra tại một bãi đất trống, với các người mẫu trong trang phục da bó sát cùng những họa tiết mang phong cách vị lai. Trước đó, vào thập niên 90, ông thường chọn các địa điểm kỳ lạ như trạm xe bus, xưởng phim, nhà thờ…làm không gian trình diễn của mình.
Năm 2008, một năm sau cái chết của Isabella Blow, Alexander McQueen đã dành trọn bộ sưu tập Xuân Hè để tưởng nhớ người bạn lớn này. Tất cả các mẫu thiết kế đều được lấy cảm hứng từ cá tính cũng như màu sắc và cả mùi hương yêu thích của nữ chuyên gia tạo phong cách quá cố. Năm 2009, nhà thiết kế lại trở thành tâm điểm chú ý khi ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2010 Plato’s Atlantis. Được lấy ý tưởng từ lời sấm truyền trong sách Khải Huyền về sự tận diệt của loài người, Plato’s Atlantis là màn trình diễn độc nhất vô nhị với dàn người mẫu xuất hiện trong những trang phục đính đá lấp lánh cầu kỳ và đi lại trên những đôi giày cao ngất mô phỏng hình dáng càng cua.

 Angels and Demons – Thiên thần và Ác quỷ là bộ sưu tập cuối cùng của Alexander McQueen trình diện công chúng

Tuần lễ thời trang Paris diễn ra vào ngày 9 tháng Ba năm 2010 chứng kiến sự xuất hiện của những thiết kế được lấy cảm hứng từ nghệ thuật Byzantine của thế kỷ thứ 4. Các biểu tượng tôn giáo, thiên thần, sự bất tử đã được McQueen sử dụng để tạo điểm nhấn cho bộ sưu tập, với các chi tiết thêu, trang trí được xử lý và gia công tinh tế để phù hợp với từng loại vải. Và đây cũng chính là bộ sưu tập cuối cùng của McQueen. Trước đó 4 tuần, vào chiều ngày 11 tháng Hai năm 2010, thi thể của Alexander McQueen được tìm thấy tại nhà riêng ở Luân Đôn trong trạng thái treo cổ. Người ta cho rằng nhà thiết kế đã tự vẫn vì quá đau buồn trước cái chết của mẹ cách đó 1 tuần, và cả cái chết vào năm 2007 của “nàng thơ” Isabella Blow. Nhưng cho dù là vì lý do gì thì làng thời trang thế giới cũng đã vĩnh viên mất đi một thiên tài thiết kế, một kẻ tiên phong ngạo nghễ, một nghệ sĩ ngông cuồng với di sản thiết kế đồ sộ xứng tầm kiệt tác.