Nhờ vào sự hỗ trợ của thương hiệu thời trang Tod’s cho dự án trùng tu di sản, cả thế giới giờ đây sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng khu vực “riêng tư” của các đấu sĩ thời cổ đại nằm dưới lòng Đấu trường La Mã.

Sau một năm đầy khó khăn khi phải gánh chịu cơn đại dịch, nước Ý dần hồi phục và nới lỏng các hạn chế xã hội, trong đó Đấu trường La Mã (Colosseum) mang tính biểu tượng 2.000 năm ở thành Rome đã chính thức mở cửa trở lại để chào đón sự thăm quan của du khách. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên công chúng có thể khám phá khu vực đường hầm dưới lòng đất của công trình lịch sử này.

Dọc theo con đường mái vòm của đường hầm dưới lòng đất của Đấu Trường La Mã đang trong quá trình tu sửa. (Ảnh: Massimo Testa)

Năm 2011, Diego Della Valle – Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tod’s – đã công bố tài trợ 25 triệu Euro cho dự án khôi phục địa danh cổ nổi tiếng này. Với tinh thần ái quốc, ông đã khởi xướng cho phong trào các thương hiệu thời trang Ý tích cực tham gia vào công cuộc trùng tu di sản kiến trúc quốc gia, điển hình như Fendi chịu trách nhiệm Đài phun nước Trevi, Bulgari phụ trách Bậc thang Tây Ban Nha hay Tập đoàn OTB – công ty mẹ của hai nhà mốt Maison Margiela và Diesel – đảm đương sửa chữa và tân trang Cây Cầu Rialto ở thành phố Venice.

 

Việc xử lý khâu mặt tiền của đấu trường La Mã trong giai đoạn đầu tiên của dự án đã được Tod’s hoàn thành vào năm 2016, với sự hợp tác của Cục Di sản Khảo cổ học (Archaeological Heritage Department) tại thủ đô Rome. Tháng 12/2018, nhà mốt hơn 120 năm tuổi tiếp tục triển khai giai đoạn 2 bằng phần tu sửa mái vòm dưới sự giám sát của Viện Bảo tàng Khảo cổ học Parco Archeologico del Colosseo.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chuyên gia đã khám phá ra một công trình bí ẩn khác nằm bên dưới sàn đấu chính của đấu trường Colosseum, nơi mà vốn ngay cả tổ tiên của họ thời cổ đại cũng chưa bao giờ được nhìn thấy. Thời điểm đó, dự án đã quy tụ hơn 80 người tham gia nghiên cứu bao gồm các nhà khảo cổ học, chuyên gia phục dựng, kiến ​​trúc sư, kỹ sư, nhà khảo sát và công nhân xây dựng. Đáng chú ý, họ đã phục hồi cơ bản một phần phòng thay đồ trong khu vực dưới lòng đất này.

Được xem là “công trình bất hủ bên trong một công trình bất hủ”, mạng lưới các hành lang và không gian tường chắn của tầng hầm có diện tích trải dài hơn 14.164 mét vuông. Các hoạt động nghiên cứu cũng diễn ra song song nhằm hiểu rõ hơn về cơ chế quản lý, bên cạnh kỹ thuật xây dựng mà triều đại Flavian (kéo dài từ năm 69-96 sau Công nguyên) đã sử dụng để tạo ra hệ thống thang máy vận hành bằng tay, cho phép vận chuyển đấu sĩ, vũ khí và động vật hoang dã ra đấu trường trước đám đông lên tới 75.000 người. Ngày nay, người ta vẫn có thể nhìn thấy 24 bệ di động và 28 thang máy bằng gỗ.

Cuối cùng, ban dự án sẽ tiến hành ​​việc khôi phục lại tầng thứ hai của Đấu trường La Mã – trước đây là chỗ ngồi dành riêng cho tầng lớp thượng lưu. Giai đoạn 3 – dự kiến hoàn thành trong vài năm tới – sẽ tập trung gia cố toàn bộ cấu trúc và trung tâm tham quan mới.”