Giám đốc điều hành Sông Villa Saigon, ông Yega Thiyagarajan, đã có những chia sẻ thú vị về tầm quan trọng của yếu tố con người trong lĩnh vực khách sạn và dịch vụ ở kỷ nguyên kỹ thuật số.
Ông có thể giới thiệu đôi chút về bản thân cũng như Sông Villa Saigon?
Trước khi tham gia Sông Villa Saigon ngay từ bước đầu tiên vào đầu năm 2014 cho đến nay, tôi đã có gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn và dịch vụ tại Malaysia, đặc biệt là kinh nghiệm quản lý dự án, quản lý các công đoạn tiền khai trương như tìm và ký hợp đồng với nhà thầu, đào tạo đội ngũ nhân viên, thiết lập chuẩn mực cho khách sạn …
Sông Villa Saigon là một khách sạn 23 phòng được xây dựng theo mô hình boutique tại khu ven sông Thảo Điền, quận 2. Ngay tên gọi (“sông” trong tiếng Việt) đã cho thấy vị trí ven sông của khách sạn – nét đặc biệt mà không phải khách sạn nào cũng có được. Bạn có thể thấy, người Việt thường chuộng các thương hiệu khách sạn quốc tế lớn tại trung tâm, trong khi chúng tôi theo đuổi phong cách boutique – một xu hướng rất thịnh hành trên thế giới nhưng lại rất mới ở Việt Nam.
Đây hẳn là lợi thế lớn của Sông Villa Saigon so với các đối thủ khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành khách sạn và dịch vụ?
Đúng là như vậy. Vị trí đặc biệt ngay bờ sông Sài Gòn trong khu Thảo Điền vốn được người nước ngoài cũng như người Việt thành đạt rất ưa chuộng nhờ bối cảnh thơ mộng, vẻ êm đềm của “làng nhà giàu” này, mô hình boutique nhỏ gọn, linh động, nội thất sang trọng, tinh tế cùng chiến lược chú trọng vào chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên chính là những yếu tố cơ bản tạo nên lợi thế cạnh tranh cho Sông Villa Saigon.
23 căn phòng của chúng tôi được bài trí tinh tế bằng các món đồ nội thất mang âm hưởng của một thời quá vãng nhưng cũng hiện đại, tạo cảm giác sang trọng, tinh tế nhưng rất thân thiện và ấm cúng. Mỗi món đồ dù là nhỏ nhất đều được chăm chút cẩn thận, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách.
Ngoài các dịch vụ đi kèm như bữa sáng miễn phí, wifi, hồ bơi, spa…, chúng tôi còn tổ chức dịch vụ minibus để đưa đón khách di chuyển đến trung tâm và các điểm tham quan nổi tiếng. Nhiều du khách cho biết họ “kết” Sông Villa Saigon bởi không gian tĩnh lặng, cảnh quan ngoạn mục, gần như không có tiếng ồn của hàng quán hay xe cộ, dịch vụ minibus tiện lợi do khoảng cách từ Thảo Điền đến trung tâm thành phố cũng khá gần.
Hẳn nhiên, điều khiến họ hài lòng nhất chính là chất lượng dịch vụ, tức là yếu tố con người mà máy móc và công nghệ không thể thay thế. Đội ngũ nhân viên của chúng tôi được đào tạo, huấn luyện thường xuyên với mục tiêu mang lại sự hài lòng cao nhất cho bất cứ ai đặt chân đến đây, dù đó là khách nước ngoài hay bản địa.
Vậy lượng khách chủ yếu của Sông Villa Saigon là những ai, thưa ông? Tỷ lệ giữa khách nước ngoài và nội địa là thế nào?
Có thể nói lượng khách chính của chúng tôi là người nước ngoài, chiếm đến 90%, và 10% còn lại là khách người Việt. Khách nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, lưu trú dài ngày, còn khách người Việt chủ yếu đến từ Hà Nội, lưu trú ngắn ngày, thường là vào dịp cuối tuần.
Ngược lại, lượng khách chính của nhà hàng chúng tôi chủ yếu là người Việt, chiếm đến 70%, và 30% còn lại là khách nước ngoài. Có lẽ, việc tận hưởng những món ăn ngon trong một khung cảnh hữu tình như ở Sông Villa Saigon thực sự là một trải nghiệm đặc biệt.
Đâu là thách thức lớn nhất mà Sông Villa Saigon phải đối mặt nhằm mang đến trải nghiệm thú vị nhất cho khách hàng, thưa ông?
Theo tôi, thách thức lớn nhất đối với không chỉ riêng Sông Villa Saigon, mà còn với cả nhiều khách sạn lớn khác tại Việt Nam chính là sự thiếu vắng các hoạt động đi kèm, hoặc nếu có, thì các hoạt động này khá sơ sài, nghèo nàn. Sau vài ba ngày lưu trú và khám phá, khách rất muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, ẩm thực… nhưng không biết phải đi đâu, làm gì. Nghĩa là nhu cầu thì có nhưng nguồn cung lại hữu hạn.
Chúng tôi nhận thấy một số khía cạnh đã được cải thiện, ví dụ như sự đa dạng về nhà hàng, quán bar, trung tâm giải trí. Trước đây, trong thời điểm khách sạn chúng tôi mới được thành lập, ở Thảo Điền chỉ có khoảng trên dưới 10 nhà hàng, nhưng giờ đây, con số này đã lên tới cả trăm, đủ các nền ẩm thực Âu, Á, Mỹ La tinh … Tuy nhiên, du khách không chỉ có nhu cầu ăn uống, mà còn khao khát tìm hiểu về chiều sâu văn hóa, lịch sử cũng như phong tục tập quán của người bản địa.
Ông có thể chia sẻ về quan điểm của mình về tương lai của ngành khách sạn và dịch vụ?
Hẳn nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0, chúng ta không thể nào phủ nhận vai trò của công nghệ như là yếu tố dẫn dắt nền kinh tế mà trong đó, khách sạn và dịch vụ là một trong những mắt xích quan trọng. Công nghệ sẽ giúp con người tự động check-in, mở cửa phòng bằng chính giao thức trên điện thoại di động hay thanh toán chi phí qua công cụ này.
Tuy nhiên, tôi vẫn có một niềm tin bất diệt rằng, trong ngành này, sự tương tác của con người, hay nói cách khác là yếu tố con người mới tạo nên sự khác biệt. Chẳng phải chúng ta ai cũng có nhu cầu chia sẻ, giao tiếp và trò chuyện hay sao? Chúng ta đâu phải đến một nơi nào đó chỉ để nằm trong chăn ấm, nệm êm và thưởng thức món ăn ngon? Chúng ta muốn được tương tác, được sẻ chia, được trao đổi – dù đó là ánh mắt, câu chào hỏi, cuộc trò chuyện hay tranh luận để tìm hiểu về một câu chuyện ẩn sau một món ăn, thức uống hay địa danh. Nếu không cần những điều này, hẳn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nên “thửa” hẳn một đội ngũ người máy phục vụ.
Kế hoạch của khách sạn trong năm sau là gì, thưa ông?
Như đã nói, vì yếu tố con người là quan trọng nhất trong ngành này, thế nên, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi sẽ vẫn là kế hoạch đào tạo và huấn luyện nhân sự.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.