Ngôi nhà thứ hai và biệt thự nghỉ dưỡng tại Việt Nam không thể nào là thứ có thể sản xuất hàng loạt. Điều này càng đúng với Đà Lạt, nơi các công trình kiến trúc phần nào mang dấu ấn truyền thống. Vào năm 1893, bác sĩ kiêm nhà vi khuẩn học người Pháp Alexandre Yersin thực hiện chuyến thám hiểm xuyên vùng cao nguyên Việt Nam để tìm kiếm những loài cây và thảo dược cho ứng dụng y học. Nhưng ở độ cao 1500m trên mực nước biển, ông đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của những ngọn đồi xanh ngát gợi nhớ về hình ảnh quê nhà. Những lá thư gửi của ông đã khiến Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer phải đích thân thực hiện chuyến khảo sát vào năm 1897, và từ giây phút đó, Đà Lạt được xem như một “Paris thu nhỏ”, trở thành điểm hoạt động của chính quyền thực dân tại Đông Dương, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động giải trí kiểu Pháp như golf, những thứ nằm ngoài sức tưởng tượng của người dân địa phương lúc bấy giờ.

Vẻ đẹp nên thơ của vùng cao nguyên quanh năm sương phủ

Cho đến giữa thập niên 40, săn bắn trở thành hoạt động giải trí phổ biến, và kiểu nhà “bungalow” đầu tiên tại Đà Lạt được dựng trên những chiếc cọc kiểu nhà sàn với cửa sổ nhỏ và đèn chiếu sáng để xua đuổi thú hoang từ thung lũng. Về sau, “chủ nghĩa địa phương” trở thành xu hướng kiến trúc đương đại và khắp phố núi là những ngôi nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc ở Landes, Savoy, Brittany và Normandy với cửa sổ hình tròn, tường đá kiểu Corsica, mái nhà bên cao bên thấp kiểu Landaise. Đường Trần Hưng Đạo là một trong những địa chỉ có nhiều ngôi nhà kiểu này và là nơi cư trú của các vị lãnh đạo cấp cao. Ngôi nhà số 22 là nơi nghỉ hè của Toàn quyền Đông Dương, ngôi nhà số 27 thuộc sở hữu của chủ đồn điền cao su Michelin, còn kiến trúc sư nổi tiếng Paul Veysseyres từng sống ở số 16. Ngày nay, mười ba trong số những ngôi biệt thự này được tôn tạo thành khu nghỉ dưỡng Cadasa 65 phòng.
Gần một thế kỷ sau, sức hút của Đà Lạt vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Khí hậu, các dự án phát triển sân golf, sân bay mới, các chuyến bay thường xuyên từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện và dịch vụ sẵn có bắt đầu thu hút các nhà đầu tư bất động sản cũng như những đối tượng khách hàng giàu có muốn tìm kiếm nơi nghỉ ngơi để thoát khỏi cuộc sống ồn ào, nóng bức của khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam.

Dalat Palace
Biệt thự và dinh thự Lang Bian của Toàn quyền Đông Dương – hiện là khách sạn Dalat Palace – là công trình nhà ở đầu tiên được xây dựng tại Đà Lạt, và khách sạn này vẫn nằm ở trung tâm thành phố từ thời điểm khánh thành vào năm 1922 cho đến tận ngày nay. Sau khi đem lòng yêu thương ngôi nhà này vào đầu thập niên 1990, nhà tư bản người Mỹ Larry Hillblom – với chữ “H” trong thương hiệu chuyển phát nhanh nổi tiếng DHL – đã đầu tư 44 triệu đô-la Mỹ để thành lập Danao International Holdings Limited và một liên doanh với chính quyền tỉnh Lâm Đồng nhằm tôn tạo và lấy lại vẻ đẹp vốn có của các công trình như khách sạn Hotel Du Parc (hiện là khách sạn Novotel), Dinh Bảo Đại I, 16 biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo (hiện là Khu nghỉ dưỡng Cadasa), sân golf 9 lỗ (Dalat Palace Golf Club hiện tại) và Dalat Palace Hotel. Tất cả các cửa sổ của nhà hàng La Rabelais đều được giữ nguyên trạng, tuy có chút lung lay nhưng được cố định bằng loại rèm cửa nhập khẩu từ Pháp. Sàn gỗ ở hành lang được lát mới, tường và trần cao được trang trí để lấy lại vẻ huy hoàng vốn có.
Ana Mandara Dalat
Do kiến trúc sư nổi tiếng Paul Veysseyres thiết kế trên sườn đồi nghìn bao quát thành phố, khu biệt thự Bellevue Estate được xây dựng vào khoảng thập niên 1920 đến 1930 và đã qua tay nhiều chủ sở hữu cho đến khi 17 ngôi biệt thự trong số đó được tập hợp và trùng tu thành khu nghỉ dưỡng Ana Mandara.

Mỗi biệt thự đều có khoảng từ ba đến sáu phòng với một không gian chung rộng lớn, nhà bếp, phòng chứa thức ăn, sân hiên – mỗi chi tiết đều toát lên nỗi niềm hoài cổ và phong cách sống lãng mạn của người Pháp từng đến định cư tại thành phố này từ hơn 100 năm trước. Ngay cả những món đồ cổ nguyên bản lẫn các bản sao trong khu vực đều toát lên vẻ quyến rũ của thời thuộc địa cũ; phòng ngủ đơn giản nhưng trang nhã với bàn gỗ, giường bốn trụ và nội thất phong cách art deco.

La Vallee de Dalat
Phong cách thuộc địa Pháp và tầm nhìn ngoạn mục là điểm trọng tâm của La Vallee de Dalat – một dự án độc lập gồm bảy thiệt thự bao phủ hơn 10.000m2 đồi thông tại một trong những vị trí cao nhất trung tâm thành phố Đà Lạt. Mỗi biệt thự được thiết kế ba tầng với từ bảy đến thám phòng tắm, lò sưởi, một gian bếp rộng, phòng chứa thực phẩm, hầm rượu và bể Jacuzzi ngoài trời. Bên cạnh đó các chi tiết, sàn lát gỗ ván rộng, nhà bếp, phòng tắm và tầng hầm sử dụng đá vôi châu Âu là những chi tiết chuẩn sẵn có.

Fusion Maia Tuyen Lam
Thuộc danh mục đầu tư của Fusion Resorts – bao gồm Fusion Maia và các dự án đang triển khai tại Đà Nẵng, Phú Quốc và Hàm Tân – dự án Fusion Maia Tuyền Lâm bao phủ 25ha đất bên bờ hồ Tuyền Lâm. Fusion được biết đến với các công trình hiện đại phù hợp với môi trường xung quanh, và khu biệt thự này cũng không ngoại lệ với phong cách đương đại kết hợp cùng các chi tiết kiến trúc thời Pháp thuộc. Mái ngói đỏ bao phủ khắp sườn đồi trên nền rừng thông xanh ngắt. Bên trong, hệ thống lò sưởi ấm áp và đèn chùm treo từ trần nhà cao gợi nhớ về thời thuộc địa xưa cũ.