Khi khái niệm về quyền sở hữu, vốn được lớp cha ông coi trọng, giờ đây không còn quá nặng đối với thế hệ Millennial, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật.
Có lẽ khái niệm sở hữu (ownership) luôn ám ảnh bất cứ ai trong chúng ta. Với các đấng nam nhi, tâm lý sở hữu được thể hiện rõ trong mục tiêu lớn lao của đời người: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Mục tiêu của các quý bà, quý cô “hơn nhau là ở tấm chồng” nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn, dù thực tế đa phần thường là bi đát. Với lớp người giàu Việt, tâm lý sở hữu vẫn là thứ dây neo nặng nề từ đời này qua đời khác. Trên các phương tiện truyền thông, những câu chuyện về siêu xe, biệt thự, du thuyền … của giới ca sĩ, diễn viên ngôi sao hay giới doanh nhân luôn thu hút sự quan tâm của công chúng rỗi việc.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khái niệm về quyền sở hữu vốn được lớp cha ông coi trọng giờ đây không còn quá nặng đối với thế hệ Millennial, những người sinh ra trong giai đoạn từ 1980 đến đầu thập niên 2000, lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội và am tường công nghệ.
Nếu thế hệ cha ông coi việc sở hữu nhà cửa, xe hơi và những vật dụng xa xỉ như là cách thức thể hiện đẳng cấp và mức độ thành đạt thì thế hệ Millenial không còn lệ thuộc vào những quy ước đó. Họ không hề tiếc tiền tậu một chiếc Lamborghini siêu sang nhưng cũng sẵn sàng gọi xe Grab để đến Starbuck nhâm nhi cà phê kiểu Mỹ cùng bạn bè, hoặc đặt phòng qua Airbnb thay vì thuê khách sạn theo cách thức truyền thống.
Tất cả những hiện tượng này đang diễn ra trong nền kinh tế chia sẻ, nơi mà Facebook, Google thống trị thế giới số và Grab, Uber, Airbnb … được xem là lựa chọn hàng đầu đối với đại đa số người tiêu dùng.

Bức tranh “Birthday” của Marc Chagall

Cơn lốc dữ dằn của nền kinh tế chia sẻ ấy đang cuốn theo cả những gì tôn nghiêm nhất trong ngôi đền mang tên thế giới xa xỉ, buộc các thương hiệu xa xỉ phải rũ bỏ bớt lớp phấn hương ma mị bề ngoài để sản phẩm của họ trở nên dễ tiếp cận hơn trong một thế giới phẳng đang đối mặt với cạnh tranh khốc liệt.
Tính đặc quyền – thứ bảo bối của bất cứ thương hiệu xa xỉ nào – cũng đang dần mất đi quyền lực tối thượng của mình. Giờ đây, với trào lưu “chia sẻ”, các thượng đế đang trở nên dễ tính hơn bao giờ hết. Người giàu trẻ đang cho thấy một cái tôi rất khác thế hệ cha anh khi sẵn sàng hòa tan vào trào lưu này, từ việc thuê trang phục, túi xách hàng hiệu, cho đến thuê các tác phẩm hội họa của các họa sĩ nổi tiếng.
Trong các số trước, Robb Report đã viết về mảng cho thuê đồng hồ xa xỉ với đại diện là Eleven James và cho thuê trang phục với Rent the Runway và Armarium. Còn ở kỳ này, Robb Report muốn phác họa thêm một gam màu mới trong bức tranh đa sắc của nền kinh tế chia sẻ – cho thuê tranh.

Tác phẩm “The Moroccans” của Henri Matisse

Liệu các tín đồ hội họa trên thế giới có thể hình dung rằng bức Les Femmes d’Alger (Version O) được danh họa Picasso vẽ vào năm 1955 và được bán với giá 179,4 triệu USD vào tháng 5.2015 lại có thể hiện diện trên bức tường nhà mình? Liệu bạn có cần phải bỏ ra cả núi tiền để “thửa” món đồ này nếu như có thể thuê trong bao lâu tùy thích?
Nhu cầu thuê tranh đang có xu hướng tăng lên tại nhiều quốc gia với sự ra đời của nhiều dịch vụ cho thuê tác phẩm nghệ thuật. Đó là Artemus, một công ty có trụ sở tại New York, được thành lập bởi một số đại gia bất động sản, ngân hàng cùng nhà đầu tư hội họa nổi tiếng Asher Edelman; là Art-Lease ở Hồng Kông; Ginger White và Rise Art ở Luân Đôn; Art Works ở Singapore và Floating Canvas Company ở Ấn Độ.
Có thể nói, các công ty cho thuê tranh này đều nhắm đến việc thu hút các cá nhân và tổ chức “cá mập” như các công ty truyền thông, các công ty luật, tài chính, ngân hàng tên tuổi và tập trung vào các tác phẩm nghệ thuật có tính thanh khoản tốt để có thể giúp khách hàng bài trí trong sảnh khách sạn, sảnh tòa nhà. Nếu như Artemus nhắm đến các họa sĩ nổi tiếng thuộc các trường phái hậu chiến, đương đại, hiện đại và ấn tượng như Andy Warhol, Henri Matisse, Richard Prince và Jean-Michel Basquiat thì Art-Lease lại hợp tác với nhiều nhà sưu tập theo hình thức ký gửi, còn Ginger White cho thuê các tác phẩm hội họa đương đại với lượng khách hàng chủ yếu là các văn phòng, các doanh nghiệp và cá nhân.

Tác phẩm “Campbell’s Soup Cans” của Andy Warhol

Xét về mức phí thuê tranh, các công ty cho thuê tranh thường tính ở mức dao động từ 6-8% trên giá trị tác phẩm với thời hạn thuê tối thiểu 12 tháng.

Chia sẻ hội họa cũng là một dịch vụ độc đáo tại khu căn hộ cao cấp Oceana Bal Harbour ở Florida, nơi cư dân có quyền sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật trị giá hàng triệu USD, bao gồm các tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi như Jeff Koons, Callum Innes, An Te Liu, Jorge Mendez Blake, Taryn Simon, Juan Usle và Garth Weiser. Đây cũng giống như một hình thức timeshare trong nghệ thuật, giúp cư dân có thể sử dụng các bức tranh của các họa sĩ tên tuổi với chi phí phù hợp để bài trí không gian sống cho mình.
Vậy nên, chẳng có gì là khó hiểu khi nhiều đại gia Việt đang có xu hướng bán siêu xe để chuyển sang đi Grab. Và biết đâu, vào một ngày mưa nắng thất thường nào đó, khi phần đông dân Sài Gòn vẫn bì bõm lội nước trong cơn giận dữ của triều cường, vài ba đại gia trẻ tuổi sẽ khiến truyền thông nước nhà dậy sóng với mốt thuê trực thăng hay máy bay cá nhân từ dịch vụ chia sẻ máy bay của XOJET. Hãy đợi đấy!