Dù ước tính có ít hơn khoảng 200 đơn vị tham gia triển lãm so với năm ngoái, nhưng Baselworld vẫn là sự kiện quan trọng hàng đầu của ngành đồng hồ. Như dự kiến, có một số phong cách trùng lặp với SIHH, nhưng Baselworld cũng tự hào trở thành nơi khởi đầu của nhiều xu hướng và chứng kiến những nỗ lực đổi mới của các thương hiệu đồng hồ danh tiếng bậc nhất thế giới.
Gam màu xanh lam và đỏ tía “lên ngôi”
Xanh dương vẫn đang là màu sắc được ưa chuộng trong thiết kế đồng hồ. Chất liệu màu xanh trên dây và thân vỏ đã xuất hiện trong các mẫu đồng hồ của nhiều thương hiệu từ năm 2015 khi hầu hết nhãn hiệu đều giới thiệu ít nhất một sản phẩm có liên quan đến màu xanh.

Bên cạnh đó, màu đỏ tía cũng dần trở thành một xu hướng mới nổi, đặc biệt được các nhãn hàng thời trang (có bộ phần trang sức & đồng hồ) như Swarovski, Guess và Obaku ưa chuộng. Ngoài ra, đồng hồ kết hợp giữa màu đen và hồng vàng ngày càng được nam giới lẫn phái đẹp yêu thích.
Mỏng và nhỏ hơn
Đi kèm với trào lưu sử dụng màu sắc mới là xu hướng chế tác đồng hồ mỏng và đường kính nhỏ hơn. Một trong những đại diện nổi bật nhất tại Baselworld năm nay là Bulgari Octo Finissimo Automatique với toàn bộ phần thân vỏ và dây đeo đều được làm từ Titanium – chiếc đồng hồ cơ mỏng nhất thế giới. Đây là kỷ lục thế giới thứ 3 mà Bulgari đạt được trong lĩnh vực đồng hồ siêu mỏng.

Dòng đồng hồ lặn huyền thoại của Blancpain cũng trở nên nhỏ hơn. Chiếc Fifty Fathoms Bathyscaphe 38 mới có chu vi mặt số là 38mm thay vì 43mm, chiều rộng cũng mỏng hơn 10.77mm. Do kích thước giảm, Fifty Fathoms nay không chỉ dành riêng cho đấng mày râu, mà còn phù hợp với nhu cầu sử dụng của nữ giới.
Xa xỉ đi cùng công nghệ
Sự trỗi dậy của đồng hồ thông minh đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số của các hãng đồng hồ thông thường trong vài năm qua. Thay vì đối đầu trực tiếp, nhiều thương hiệu xa xỉ chọn cách hợp tác với những “gã khổng lồ” công nghệ để tạo ra các mẫu đồng hồ giao thoa giữa kỹ nghệ đỉnh cao và kỹ thuật tiên tiến.

Một vài hãng chọn cách tiếp cận lai tạo – phát triển các chức năng thông minh như thu thập dữ liệu hay thông báo sự kiện trên một chiếc đồng hồ thông thường, trong khi số khác lại thiết kế theo kiểu dáng smartwatch thông thường với màn hình cảm ứng. Ứng viên sáng giá nhất cho hạng mục này là TAG Heuer Connect 45. Nhờ vào cấu trúc mô-đun có thể tùy chỉnh hầu hết bộ phận, chiếc đồng hồ này có thể nâng cấp công nghệ mới bất cứ lúc nào.

Cảm hng cổ điển
Trong khi một số hãng chọn cách “chạy theo” công nghệ làm hướng phát triển tương lai, nhiều thương hiệu lại dùng di sản hàng trăm năm làm lợi thế cạnh tranh với các mẫu thiết kế lấy cảm hứng cổ điển. Đây là một trong những xu hướng nổi bật tại SIHH, và nay cũng có mặt ở Baselworld. Dẫn đầu xu hướng này là những phiên bản kỷ niệm của các nhãn hiệu đồng hồ có lịch sử lâu đời.

Có thể dễ dàng liệt kê những đại diện xuất sắc nhất cho phong cách hoài cổ tại Baselworld năm nay, chẳng hạn như: Patek Philippe Perpetual Calendar Reference 5320G ra đời dựa trên cảm hứng từ những chiếc đồng hồ vạn niên đầu tiên của hãng trong giai đoạn 1940-1950; để đánh dấu 50 năm kể từ khi ra mắt dòng đồng hồ lặn Sea-Dweller, Rolex đã trình làng chiếc Sea-Dweller 43mm Ref.126600; Omega tung bộ ba đồng hồ mang tên Trilogy 1957 nhằm tôn vinh 6 thập kỷ thành công của Speedmaster, Railmaster và Seamaster 300; hay TAG Heuer hồi sinh biểu tượng chronograph một thời qua phiên bản Autavia Heuer 02…
Nhân tố bất ng
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến một vài nhân tố khiến mọi người ngạc nhiên: Rolex ra mắt chiếc đồng hồ Cellini Moonphase với chức năng tính giờ theo chu kỳ mặt trăng và hình trăng tròn trên mặt số được cấu thành từ mảnh thiên thạch thực sự; Tudor và Breitling hợp tác chế tạo bộ chuyển động cơ học tạo nên hướng đi mới cho ngành đồng hồ Thụy Sĩ; và cuối cùng, Baselworld là “sân khấu” cho Grand Seiko tuyên bố tách khỏi Seiko trở thành thương hiệu đồng hồ cao cấp độc lập.

Khi ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đang phải đối mặt với một tương lai bất định, không khó để nhận ra xu hướng chung được nhiều thương hiệu hàng đầu hướng tới, đó là tìm kiếm sự trợ giúp từ ánh hào quang trong quá khứ. Thế nhưng, việc hồi sinh những cái tên kinh điển càng trở nên thông thường, sức hút đối với người tiêu dùng lại càng thấp. Đồng thời, trước sự thay đổi trong thị hiếu: thích những mẫu đồng hồ có chức năng hiện đại vẫn mang trong mình dấu ấn thiết kế xưa cũ; có lẽ chiến lược khẳng định dấu ấn di sản nên nhường bước phần nào cho hướng đi mới tập trung hơn vào công nghệ tương lai.