Bây giờ người ở Hà Nội muốn xem phim thì đương nhiên sẽ vào những cụm rạp đẹp như mơ. Người xem vừa lâng lâng cùng hình ảnh sắc nét trong âm thanh “surround”, vừa chóp chép nhai bỏng ngô trong cái mát lạnh của máy điều hòa. Nếu phải so với chừng đôi mươi năm trước thôi, chẳng một dân phố cổ nghiền “xi nê” nào lại dám mơ tới một cảnh hoang đường như thế.
Ngay cả tới thời hậu bao cấp, thì rạp chiếu bóng sang trọng nhất thủ đô vẫn là rạp Tháng Tám ở phố Hàng Bài. Gần gần đẳng cấp ấy là rạp Công Nhân với những dãy ghế gỗ có lò xo tự kéo mặt ghế lên khi chưa có người ngồi. Nhiều người ngoại tỉnh sau khi đi chơi Bách Hóa Tổng Hợp (nay là trung tâm thương mại Tràng Tiền) thì lần đầu tiên mạnh dạn mua vé vào rạp xem phim “mầu, chiến đấu, màn ảnh rộng” của Liên Xô. Đến đoạn cao trào, đại loại là lúc Hồng Quân ào lên chiến thắng, sướng quá hào hứng đứng lên vỗ tay. Ghế tự gập lại nên lúc ngồi xuống ngã bổ chửng. Có người nóng tính bật văng tục “đứa nào lấy ghế của ông”.
Ở những suất chiếu các bộ phim ly kỳ vừa có bắn súng vừa có tắm hở hang thì rạp đông ních người, nồng nàn mùi mồ hôi. Thật may mắn khi có vài cơn gió phây phẩy thổi từ khung cửa sổ để mở từ nhà vệ sinh. Tất nhiên, những rạp sang như thế phải có quạt trần. Và đương nhiên với tuổi đời từ thời Pháp, cánh quạt thỉnh thoảng lại rụng xuống đầu người xem. Những rạp bé hơn như Bắc Đô ở Hàng Giấy, Hòa Bình ở chỗ nhà hát rối nước bây giờ thì chuyện mua phải chỗ ghế bị mất mặt ngồi là khá bình thường. Thế nhưng “Tái ông thất mã”, trong họa có phúc. Bởi hồi đó có quá nhiều khán giả mê phim là những cặp yêu nhau đang loay hoay trong giai đoạn “tìm hiểu”. Tối cuối tuần, chàng chắt chiu lương tháng mời nàng đi xem “Mát cơ va không tin vào nước mắt”. Phim chiếu bảy rưỡi, nàng chuẩn bị từ năm giờ nhưng tới bảy giờ hai mươi vẫn chưa trang điểm xong. May quá tới rạp thì phim bắt đầu chiếu, đèn đóm tắt tối om, nàng sờ phải chỗ ghế hụt thì phát hoảng. Vừa mê phim, vừa tiếc tiền lại vừa tiếc công chàng, nàng run rẩy mim mím ngồi chung ghế, nghe rõ tim chàng đập thình thịch. Hồi đấy tình yêu đa phần đều bẽn lẽn chưa trắng trợn, làm gì có cái thứ trần trụi ghế đôi, để rồi vừa xem phim vừa quấn chặt vào nhau như bây giờ.
Với bọn con giai mới lớn ở thời bao cấp, khi được xem một suất phim chỉ chiếu cho người nhớn luôn là đại sự. Bọn nó đã chán tới rạp Kim Đồng, vì bắt đầu để ý tới cô bạn học lớp bên cạnh. Ông cậu đi cùng dặn, khi qua chỗ soát vé thì nhớ kiễng chân lên. Thế nhưng quá đen đủi, gặp đúng tay soát vé tinh mắt nhất quyết không cho vào. Nài nỉ mãi vẫn bị lắc đầu. Nỗi đau còn nhân lên gấp ba khi chợt thấy cô bé lớp bên cạnh đi guốc cao gót của mẹ, chắc mặc áo lót của chị, nhang nhác như thiếu nữ, đàng hoàng vào được. Trước khi khuất vào cửa, “nàng” còn cố tình nhìn lại. Mênh mông là đau khổ. Kể cả khi hai cậu cháu bán lại vé được giá cho con “phe”, về ăn phở tái ngõ Tạm Thương, thì thằng bé vẫn không thôi nức nở.
Đã có một thời, người ta nhớ về những lần xem phim như nhớ những nụ hôn đầu. Thật không thể hiểu nổi tại sao hôm nay, rạp đẹp như thế mà có những suất chiếu cho dù khuyến mại hết mức, vẫn chỉ bán được chừng dăm đôi vé.