Thông thường, xe thể thao hay các dòng xe sang nói chung đều được trang bị động cơ dung tích lớn với nhiều xi lanh nhằm tạo ra sức mạnh vượt trội và khả năng vận hành trên cơ so với xe bình dân. Phổ biến thường là 6, 8, 10 hay thậm chí 12 xi-lanh.
Tuy nhiên, công suất lớn nên nhiên liệu tiêu hao cũng nhiều. Điều này hợp lô-gic, nhưng không mấy dễ chịu khi xét về khía cạnh kinh tế và cả môi trường. Nếu ở Việt Nam, điều này càng trở nên bất lợi do chính sách thuế má áp dụng cho các dòng xe sử dụng máy lớn. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các công nghệ mới như “siêu nạp” hay “tăng áp”, có vẻ như gió đang đổi chiều. Xe thể thao 4 xi-lanh? Điều này có vẻ khó tin nhưng hoàn toàn là sự thật với 3 mẫu xe tiêu biểu dưới đây.

Ferrari 500 Mondial Series II đập tan định kiến về siêu xe chỉ dùng 4 xi-lanh

Đầu tiên là chiếc xế cổ Ferrari 500 Mondial Series II. Số là sau khi về hưu, Thiếu tướng Hải quân Hoa Kỳ Robert A.Phillips bỗng dưng để mắt đến chiếc xe xập xệ đang bị bỏ quên trong một đại lý xe hơi. Điều đáng nói là chiếc Ferrari chỉ sử dụng 4 xi-lanh, một điều rất hiếm thời bấy giờ. Vị tướng già hiểu rằng, ông phải làm mọi cách để cứu nó. Để mua lại chiếc Ferrari hàng hiếm, ông phải trả 2.225 đô-la Mỹ, tức là khoảng 2/3 tiền lương hưu.
Sau đó, Phillips tự mình đại tu chiếc xe và cầm lái nó trong nhiều cuộc đua danh tiếng. Ngày đó, tên tuổi của ông và chiếc Ferrari 500 Mondial “nổi như cồn”. Thực ra, trước khi đến tay Robert, chiếc xe đã qua nhiều đời chủ trước khi gặp nạn và bị “đắp chiếu” tạm thời ở Mỹ. Theo lời của Phillips, Ferrari 500 Mondial có gì đó rất riêng trên đường đua. Một cá tính khó lẫn giữa vô vàn mẫu xe đình đám.

Volvo dùng công nghệ siêu nạp để nâng cao khả năng vận hành cho S90

Nếu Ferrari 500 Mondial là đại diện tiêu biểu của quá khứ thì Volvo S90 và Porsche 718 Boxster là hai gương mặt của hiện tại và tương lai. Thực tế, với Porsche 718 Boxster và 718 Cayman, động cơ 4 xi-lanh đối đỉnh chính là sự hồi sinh một dòng xe huyền thoại từng “làm mưa làm gió” trên các đường đua có tiếng. Trong khi đó, S90 là sự thay thế cho mẫu sedan S80 của thương hiệu đến từ Thụy Điển. Để duy trì sức mạnh động cơ chỉ với 4 xi-lanh, Porsche chọn “tăng áp” trong khi Volvo dùng “siêu nạp”.

Với bản S90 T6 trang bị động cơ 316 mã lực, Volvo cho thấy sự khôn ngoan của mình qua một lựa chọn khá mạo hiểm. Bộ siêu nạp giúp bổ sung lực kéo cho xe ở dài vòng tua thấp trong khi khả năng vận hành của S90 hoàn toàn có thể sánh ngang với các đối thủ trang bị động cơ 6 xi-lanh. Trong khi đó, dù tiếng bô xe có vẻ hiền đi khá nhiều, Porsche 718 Boxster vẫn cho khả năng vận hành đáng nể chỉ với 4 xi-lanh đối đỉnh. Đây cũng là mẫu xe đem lại cảm giác của một chiếc xe thể thao hạng sang đích thực. Hệ thống treo và giảm xóc của xe cũng được cải thiện đáng kể. Tay lái trợ lực điện tử được “thửa” từ 911 Turbo càng khiến cho 718 Boxster trở nên ấn tượng hơn.

Chiếc Porsche Boxster huyền thoại “thay máu” bằng động cơ tăng áp dung tích nhỏ

Cả Boxster và Cayman tiêu chuẩn đều được trang bị động cơ 300 mã lực trong khi hai biến thể S sử dụng động cơ 350 mã lực. Điều đáng nói là Boxster thế hệ mới thậm chí còn mạnh hơn thế hệ tiền nhiệm dù số xi lanh đã giảm đi 1/3.
Thực tế, cả Volvo S90 và Porsche 718 Boxster đều thể hiện cho xu thế “ăn kiêng” của ngành công nghiệp xe hơi trong tương lai. Chưa nói đến khía cạnh tốt-xấu, cả Volvo và Porsche đáng được nhìn nhận ở sự khác biệt. Dù khả năng tăng tốc của 718 Boxster chưa thể sánh bằng các siêu xe của Ferrari hay Lamborghini, chí ít, Porsche đang viết nên trang sử của riêng mình.