Nước Việt từ xưa đến nay, chưa bao giờ được gọi là một nước giàu. Tất nhiên theo một nghĩa tương đối hẹp, đấy là được ăn ngon được mặc đẹp. Cho dù sẵn có một khả năng văn hóa, một tiềm năng tài nguyên, thế nhưng đo đếm thu nhập bình quân trên đầu người quy ra thóc vẫn luôn loay hoay thấp. Có vài nguyên nhân dễ thấy. Cứ thử nhìn lịch sử phong kiến của người Việt rất đỗi tự hào mà xem. Những vương triều hiển hách như Lý, như Trần, như Lê… với những võ công giữ nước vĩ đại cùng với một nghệ thuật dựng nước minh triết uyển chuyển, đã lừng lững làm lên một Đại Việt. Để có được một khí phách lồng lộng tồn tại như thế, phần lớn là nhờ “hào kiệt đời nào cũng có”. (Bình Ngô đại cáo). Ở vào cái thời đoạn đáng nhớ đó, luôn trùng trùng điệp điệp hiện diện các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa lỗi lạc. Vậy mà không hiểu sao, trong một phong khí thăng hoa đỉnh cao, người Việt tuyệt không thấy các nhà kinh tế lớn, những kỹ nghệ gia xuất sắc. Kể cả cho đến ngày nay, có thể nói, các thương gia Việt minh bạch thành danh hầu như đã vắng mặt.

Có lẽ vì thế, không kể vua chúa và một vài cá nhân may mắn hiếm hoi, chỉ tới khi người Pháp vào thực dân, ở ta mới manh nha xuất hiện dăm ba nhà buôn thật sự giàu mà sách báo thường trân trọng gọi là tư sản dân tộc. Đó là những Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi hay Nguyễn Sơn Hà chẳng hạn. Tại sao phải nhắc đến thương gia, bởi muốn sang (luxury) thì người ta phải chính đáng giàu đã. Mà muốn dư dật tiền đàng hoàng thì cách kinh điển duy nhất là phải giỏi làm kinh tế. Những người biết sang giàu là nền tảng tạo nên một tầng lớp tinh hoa, bay bướm chữ nghĩa thì gọi là quý nhân. Và chính những quý nhân này sẽ là một trong vài động lực thúc đẩy cho xã hội thoát nghèo. Rồi thật đáng tiếc, do xô đẩy của những khách quan lịch sử, các thập kỷ tao loại tiếp theo ở ta đã làm phôi pha mất dần những cái gọi là “quý nhân”. Bây giờ mà ở diễn đàn đông người nào đó, một diễn giả nhỡ đứng lên mở đầu bài “đít cua” bằng mẫu câu xã giao cổ điển “ladies and gentlemen” thì đám người nghe ở dưới bỗng vừa như lúng túng hốt hoảng vừa như xấu hổ bật cười. Quý ông đã tuyệt hiếm thì đào đâu ra quý bà.

Thời bao cấp Hà Nội vất vả, nhưng lác đác sâu thẳm bên trong thấp thoáng vẫn có những sinh hoạt phảng phất màu quý tộc lãng mạn xa xỉ. Có thể là một sinh nhật của mấy cô cậu sinh viên con nhà đã xa xưa gia thế. Thêm một chút nến thôi, thêm một chút nhạc của Bach thôi, chợt nhiên bó hoa bình thường mua chợ bỗng huyền ảo lung linh trầm lắng. Cái bàng bạc “luxury” đấy nó làm cho những người trẻ thêm tinh tế yêu nhau. Rồi đó có thể là những bữa ăn cuối tuần ở góc khuất nhà hàng đặc sản mậu dịch Phú Gia hay Hàng Buồm của đám tư sản cũ còn giấu được một ít của chìm. Bọn họ vừa cầu kỳ thưởng thức, vừa khe khẽ tủi thân khi mơ màng vớt vát nhớ lại những ngày được ăn trước bàn trải khăn trắng với dao nĩa bạc.

Đã có thời, xa xỉ ở ta bị hiểu như là hoang phí, như là tiêu cực. Kể cả giờ đây, khi các thương hiệu tiêu dùng lẫy lừng của thế giới đã hiện diện hầu khắp các đô thị lớn thì cái thành kiến này vẫn không mất. Có phải vậy chăng mà những chân chính “luxury” ở ta vẫn vời vợi như một ước mơ.