Năm qua, VinFast có lẽ là một trong những từ khóa “hot” nhất trên Internet và mạng xã hội. Sự ra đời của Tập đoàn sản xuất Ô-tô thuộc Vingroup hóa ra không đơn thuần là một sự kiện kinh tế. Nó tạo ra vô số tranh cãi và dư luận trái chiều. Bên cạnh đó, VinFast cũng khiến một nhóm khách hàng người Việt bộc lộ tâm lí tiêu dùng của chính mình. Người thờ ơ, kẻ hết mình ủng hộ, số còn lại hoài nghi chờ…giá rẻ.
Nói gì đi nữa, VinFast nói chung và Tỉ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đang có những bước đi hết sức táo bạo như vay Credis Suisse 800 triệu đô-la, chiêu mộ Tổng giám đốc Bosch Việt Nam Võ Quang Huệ hay cựu Phó Chủ tịch General Motors – ông James B. DeLuca. Cả ông Huệ và James B. DeLuca đều có hàng chục năm kinh nghiệm quý báu tại các tập đoàn danh tiếng như BMW, GM, Bosch. Cá nhân người viết bài tin rằng, đây mới chỉ là hai “hiền tài” đầu tiên trong trong mục tiêu “nhân hòa” của VinFast.
Về thiết kế, ngoài việc lập ra một Trung tâm nghiên cứu và Phát triển (R&D) để thu hút các tài năng thiết kế và chế tạo từ châu Âu và Mỹ, VinFast còn đích thân thuê các Studio danh tiếng như Pininfarina, Zagato, Torino và Ital Design thiết kế khung gầm cho sản phẩm tương lai. Nên nhớ, 4 cái tên kể trên là “tác giả” các các siêu phẩm mang thương hiệu Lamborghini, Ferrari, Porsche hay Rolls-Royce mà chúng ta đang ngày ngày chiêm ngưỡng.

Việc có một bộ phận R&D riêng là bước đi đáng khích lệ của Vinfast

Thật ra, Việt Nam đã quá chậm trễ trong việc phát triển ngành công nghiệp Ô-tô của riêng mình. Một vài thương hiệu mang tiếng là của Việt Nam nhưng thật ra chỉ lắp ráp kiếm lời. Số khác lấy danh nghĩa “nội địa hóa” để hưởng ưu đãi từ Chính phủ suốt nhiều năm qua. Sự ra đời của VinFast đúng vào lúc ASEAN bắt đầu áp dụng quy chế ưu đãi cho các mẫu xe có tỉ lệ “nội khối hóa” cao. Thuế nhập khẩu linh kiện xe hơi cũng được xem xét điều chỉnh theo hướng có lợi cho VinFast. Ấy là chưa kể những hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ mà cụ thể nhất là hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rạng rỡ cắt băng khánh thành VinFast. Như vậy, viễn cảnh về một mẫu xe “Made in Việt Nam” với mức giá dành cho người Việt là hoàn toàn khả thi. Có điều, mục tiêu tạo ra một mẫu sedan và một xe SUV chỉ trong 2 năm mà VinFast đặt ra xem ra rất nặng nề. Biết đâu, ông Vượng sẽ “nói được làm được” theo tinh thần bất động sản lâu nay. Chí ít, thị trường vẫn còm “room” cho VinFast khi doanh số cao nhất của ngành Ô-tô mới chỉ khoảng 300 ngàn xe vào năm 2016 trong khi sức tiêu thụ thực tế có thể lên tới 1 triệu xe/năm.
Ủng hộ VinFast hay không, chúng ta cũng nên thật tỉnh táo và rạch ròi. Hãy thử hình dung: Khoản tiền 50 ngàn đô giúp bạn mua được chiếc Audi A6 sang chảnh ở châu Âu. Còn ở ta, chừng đó chỉ đủ sắm chiếc Fortuner đời mới. Đã đến lúc, người Việt được sở hữu chiếc xe xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra.
Nhìn sang Malaysia, Ấn Độ hay láng giềng Trung Quốc mà xem, họ đã và đang đánh bật các “ông kẹ” châu Âu bằng chính các mẫu xe nội địa. Nói thế để thấy rằng, VinFast đáng được yêu hơn là bị ghét.