“Để giữ được tính hiện đại, bạn phải biết kết hợp giữa cái cũ và mới, theo một cách thức sáng tạo.” chia sẻ của Véronique Nichanian
Suốt 27 năm cống hiến cho Hermès, nhà thiết kế thời trang Véronique Nichanian không chỉ sở hữu danh hiệu Bắc đẩu Bội tinh cao quý, mà còn là biểu tượng nữ giới hiếm hoi trong lĩnh vực thời trang nam.

Một trong những dấu ấn cách tân của nhà nữ thiết kế trong thời gian làm việc tại Hermès là biến bộ sưu tập non trẻ dành cho nam giới thành dòng thời trang nam cao cấp. Bà giải thích “Người đàn ông Hermès luôn chuyển động và truyền cảm hứng cho tôi qua từng mùa. Các tỉ lệ, quá trình may đo, hay những chi tiết nhỏ của một chiếc túi áo đều phải vừa vặn, hoàn hảo. Người đàn ông Hermès nhạy cảm với chất lượng, các chi tiết và chất vải cao cấp.”
Trong quá trình làm việc, Nichanian xây dựng được mạng lưới những người truyền cảm hứng cho mình. “Họ là những nhà thám hiểm, hoàng tử Ấn Độ, các quý tộc, thi sĩ, người lập dị và cả những bức chân dung cổ điển. Cảm hứng gần đây nhất của tôi là chân dung Frédéric Bazille của họa sĩ Renoir.”

Nichanian xem việc một phụ nữ như bà dám dấn thân vào ngành thiết kế thời trang xa xỉ dành cho nam giới là chuyện nhỏ: “Tôi không đặt nặng việc này như các đồng nghiệp nam vì không phải là đối thủ của họ và cũng không muốn bó buộc vào một phong cách sẵn có. Theo tôi, lĩnh vực thiết kế thời trang nam không nên tiếp tục khai thác điều này.”
Nichanian tham vọng đưa Hermès lên một tầm cao mới song vẫn không đánh mất bản chất của thương hiệu danh giá này. “Thử nghiệm với chất liệu phức tạp, trở lại với một số phong cách trước đây, mời gọi các nghệ sĩ đóng góp ý tưởng… là quan điểm của tôi về khái niệm xa xỉ hiện đại”, bà chia sẻ.

“Sự xa xỉ cần được tái định nghĩa bằng tính cách tân và tôi luôn trong tâm thế kiếm tìm những chất liệu mới,” Nichanian cho biết. “Tôi đã thử nghiệm với vải lông ngựa, song loại sợi vải này khá ngắn và dễ đứt. Lần khác là loại vải lanh co giãn nhưng lúc đó chưa hề có loại vải này nên chúng tôi đã sáng chế ra nó bằng cách phối vải lanh truyền thống với sợi co giãn. 15 năm sau, tôi cũng tạo ra một bộ sưu tập bằng giấy washi thủ công Nhật Bản, hay kết hợp cao su tổng hợp neoprene với vải da chồn vizon. Để giữ được tính hiện đại, bạn phải biết kết hợp giữa cái cũ và mới một cách sáng tạo.”