Vinh quang dành cho những trái tim quả cảm: một mình một thuyền vòng quanh thế giới với quãng đường 24.300 dặm, cưỡi trên những con sóng dữ băng qua các vùng nước nguy hiểm, nơi sự trợ giúp là điều xa xỉ!

Cách đây chỉ ít ngày, vận động viên đua thuyền buồm người Pháp, Yannick Bestaven vừa trở thành quán quân của Vendée Globe – giải đua nổi tiếng kéo dài trong 80 ngày liên tục với hành trình vòng quanh thế giới mà đôi khi chiến thắng được định đoạt chỉ cách nhau vài phút.

Mùa giải vừa diễn ra thu hút tổng cộng 33 tay đua tham gia. Tất cả khởi hành từ thị trấn duyên hải Sables d’Olonne của nước Pháp từ ngày 8/11 năm ngoái để bước vào những thử thách cam go và vô cùng nguy hiểm của một cuộc đua kéo dài hàng tháng mà không hề có bất kỳ sự trợ giúp nào. Nguy hiểm luôn rình rập, rất nhiều chiếc thuyền đã bị hư hỏng hoặc thậm chí bị nhấn chìm ngay trước mắt các tay đua. Họ sẽ phải đối diện với biển khơi mênh mông và khoảnh cách đến những cánh tay hỗ trợ gần nhất cũng cách xa hàng trăm dặm.

Những góc cạnh đầy khắc nghiệt nhưng cũng ẩn chứa vô vàn vẻ đẹp thuần khiết của trải nghiệm này sẽ được bật mí ngay sau đây!

Tinh thần kiên cường

Đã 2 tuần trôi qua kể từ khi cánh lướt bên mạn trái trên chiếc thuyền LinkedOut của Thomas Ruyant bị vỡ vụn. Không thể sửa chữa con thuyền, tay đua người Pháp vẫn nỗ lực dẫn đầu cuộc đua trong khi “chiến đấu” với những cơn sóng dữ ở vùng biển động Nam Đại Dương. Vào hai ngày cuối cùng, anh giữ vị trí số 4. Tinh thần không khuất phục là thứ “đặc sản” ở giải đấu Vendée Globe và Thomas Ruyant không phải là cá nhân duy nhất. Một sự cố va chạm với đá ngầm đã đặt dấu chấm hết cho hành trình của nữ thủy thủ người Anh Sam Davies, song cô vẫn tiếp tục tham gia để gây quỹ từ thiện cho trẻ em.

“Bay” trên những con sóng

“Mặt trận” năm nay có sự góp mặt của 3 thế hệ thuyền IMOCA 60: Thân thuyền dài khoảng 18m với độ mớn nước tối đa 4,5m (Tay đua có thể điều chỉnh thông số chiều cao cột buồm, cánh buồm và sườn ngang trong giới hạn cho phép nhằm tối ưu tính ổn định và tốc độ của con thuyền). Tất cả đều được thiết kế để di chuyển qua các vùng biển khắc nghiệt trong nhiều tháng. Những mẫu mới ra mắt như L’Occitane thậm chí còn được trang bị cánh lượn hiện đại giúp thuyền lướt như “bay” trên mặt nước.

Cánh tay đắc lực

Những con thuyền hiện đại nhất được trang bị các công nghệ tối tân như GPS, định vị sóng sonar, radar, liên lạc vệ tinh và một điểm mới trong cuộc đua năm nay là các cảm biến sợi quang có nhiệm vụ đo sức tải của gió và áp lực lên thân thuyền. Một số chiếc thuyền có đến 350 cảm biến như vậy được lắp đặt ở nhiều vị trí, trải rộng từ bánh lái đến đỉnh cột buồm, nhằm giúp hệ thống lái tự động “nhạy bén” hơn trong những lúc biển động để thuyền trưởng rảnh tay điều hướng buồm theo gió và căn chỉnh cánh ngầm.

Hiểm nguy chờ trực

Con thuyền PRB của tay đua Kevin Escoffier đã bị đánh chìm – sự cố cho thấy không phải ngẫu nhiên mà Vendée Globe được xem như một trong những giải đấu khắc nghiệt bậc nhất của thế giới đua thuyền buồm. Tay đua người Pháp bàng hoàng nhìn con thuyền của mình gãy đôi trước khi chìm xuống sóng nước chỉ vỏn vẹn sau vài phút. Trong mỗi cuộc đua, không hiếm những chiếc thuyền bị hư hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa, và các tay đua phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại giữa đại dương mênh mông vô định. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với Escoffier. Một tay đua khác tên là Jean Le Cam đã giải cứu kịp thời khi anh đang lênh đênh trên xuồng cứu hộ vào ban đêm giữa vùng biển động dữ dội.

Hành trình đơn độc

Một mình trên chiếc thuyền buồm của mình giữa đại dương mênh mông, tay đua chỉ chợp mắt vài tiếng mỗi ngày và “thưởng thức” đồ ăn sấy lạnh, đẩy sức bền bản thân vượt qua những giới hạn thông thường để đảm bảo con thuyền băng băng theo tốc độ mong muốn. Đó thực sự là một “hình phạt” hà khắc, sự cô độc tột cùng mà những thủy thủ gan dạ đã lường trước khi quyết định dấn thân vào hành trình. “Cuộc đua này vô cùng khắc nghiệt, mọi thứ đều có thể thay đổi rất nhanh,” Alex Thomson cho biết khi đã chia tay giải đua sau năm lần tham dự. “Nhưng những ký ức khi ấy thật đẹp đẽ và đó là lý do vì sao tôi dành phần lớn thời gian của đời mình để theo đuổi cuộc đua”.


Di sản tốc độ

Cuộc đua có lộ trình vòng qua 3 mũi đất nổi tiếng của thế giới. Đầu tiên là mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, hướng về phía đông đến mũi Leeuwin tại Úc và men theo Thái Bình Dương đến mũi Sừng tại Chile, trước khi trở lại Pháp. Trong suốt 32 năm lịch sử, chưa đến 100 con thuyền hoàn tất hành trình đầy thử thách này. “Đây là một trải nghiệm độc đáo, bạn phải đối mặt với mọi thứ một mình,” cựu tay đua Jean-Pierre Dick cho hay. “Cuộc đua luôn mang trong mình một vẻ đẹp riêng thuần khiết”.