Trong nhiều năm, một thực trạng thiếu hụt các nghệ nhân có trình độ đang diễn ra trầm trọng tại các thương hiệu đồng hồ cao cấp chuyên sản xuất mặt số tráng men, một phần nguyên nhân bởi kỹ thuật chế tác này chưa được truyền dạy một cách chính thống tại Thụy Sĩ sau cuộc khủng hoảng đồng hồ quartz. Chính vì những lo ngại này, một số công ty như Richemont Group hay Chopard đã đầu tư vào các cơ sở đào tạo để gia tăng sản xuất.
Được coi là bậc thầy trong bộ môn thủ công cao quý, Anita Porchet có một quan điểm khá bộc trực về vấn đề này. Trong khi được đánh giá là thiếu thợ thủ công, bà lại cho rằng cầu đang quá tải so với cung. “Tôi cho rằng chúng ta không nên tung quá nhiều sản phẩm tráng men ra ngoài thị trường, điều đó sẽ làm giảm sức hút với kỹ nghệ đặc biệt này,” bà chia sẻ. “Sự quý hiếm tạo nên một phần thành công của sản phẩm.” Thực tế rằng, bà nói thêm, “nếu xem xét giảm số lượng đặt hàng như trong năm 2016 thì sẽ không có chuyện thiếu hụt nhân sự.”

Anita được đào tạo và thực hành kỹ nghệ tráng men vào những năm 1980, và nhanh chóng thành lập xưởng chế tác riêng vào 1993 tại gần Lau­sanne. Kể từ đó, bà liên tiếp nhận được nhiều đơn đặt hàng từ những thương hiệu lớn như Vacheron Constantin, Piaget, Chanel, Hermès, và Fabergé. Có thể nói Patek Philippe là một trong những người đầu tiên nhận ra tài năng của Anita, với những hợp tác chặt chẽ kể từ đầu những năm 90. Chỉ với ba người học việc, xưởng chế tác của bà đã kiến tạo ra những kỳ quan trong bộ sưu tập Rare Handcrafts của thương hiệu Patek Philippe, bao gồm cả tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Nghệ thuật Đồng hồ tại New York vào mùa hè năm ngoái. Tốn nhiều năm để chế tác, bộ sưu tập không chỉ bao gồm 9 mẫu đồng hồ đeo tay mà còn cả những sáng tạo độc bản như đồng hồ quả quýt, đồng hồ mái vòm để bàn, với nhiều trang trí tráng men đa dạng. Thành thạo làm chủ nhiều kỹ thuật tinh tế khác nhau của môn nghệ thuật thủ công này, bao gồm cloisonné, champlevé, grisaille, pailloné, limoges, và tiểu họa, giúp tách biệt Anita khỏi đồng nghiệp và những người tiền nhiệm. “Sức mạnh tuyệt đối của men chính là tính không thể đảo ngược của chúng,” bà nhấn mạnh. “Và màu sắc sẽ không thay đổi dù có trải qua nhiều thế kỷ.”

Tuổi thọ của những sản phẩm tráng men xứng đáng với số công sức và thời giờ chăm chút vào từng chi tiết. Trong môn nghệ thuật này, không có con đường tắt nhưng lại quá nhiều chông gai. Một vài giây quá lâu trong lò nung có thể làm hỏng cả tháng làm việc cần mẫn. Các tạp chất trong thủy tinh có thể tạo ra bong bóng hoặc biến màu. “Những vết rạn trên men không bao giờ xảy ra vì cùng một lý do,” Anita giải thích. “Chúng có thể do chất lượng màu, độ dày, hay từ chính miếng kim loại. Tôi cố gắng tìm ra giải pháp cho từng trường hợp, nhưng không phải lúc nào cũng có thể sửa chữa.”
Anita đã đạt được độ nhất quán trong chất lượng sau nhiều năm thử nghiệm, vậy mà quá trình hoàn thành một mặt số cầu kỳ vẫn có thể lên tới một năm. “Tôi không tin rằng trong cách làm việc, mình là độc nhất,” bà trả lời khi được hỏi về những bí quyết riêng. “Điều tôi cố gắng đạt được chính là giữ cho chất lượng ở mức cao nhất, đồng thời thể hiện được cảm quan nghệ thuật của mình,” bà chia sẻ thêm. Ngoài ra Anita còn đùa rằng “bí mật chỉ nên được thì thầm vào tai của đúng người đúng thời điểm, nếu bị công bố rộng rãi thì đâu còn là một bí mật nữa.”