Ngày Xuân vốn dĩ là ngày khởi tạo của những điềm lành. Tết nhất càng lúc càng no hơn, càng ấm hơn. Cho dù phong vị tết ở phố bây giờ đã không hẳn giống xưa nhưng về đại thể vẫn giữ được nhiều nét đẹp cũ.
Vào những ngày sát tết, một cái thú được người Hà Nội cũ kỹ vẫn níu giữ, đến thư viện Quốc Gia ngồi đọc báo xuân. Thời gian ở đây như chạy bằng một thứ đồng hồ riêng, nó chầm chậm trôi đến mức cứ như là chạy ngược. Nó kiêu bạc nhìn cái siêu thị bên đường ngồn ngộn các quý bà quý ông dư dật đang hớt hải mua sắm. Phòng đọc thanh thản mênh mông, chỉ thu lu dăm bẩy trung niên tóc muối tiêu. Và tự nhiên nó sẽ sáng bừng nếu có một chàng trai hay thiếu nữ nào đấy lãng mạn ngồi đọc. Họ chắc nhà ở quanh Bờ Hồ, ăn mặc tao nhã sạch sẽ. Từ tốn mơ mộng họ lật sách. Cái chầm chậm của những trang chữ làm tiết xuân trinh bạch tần ngần chẳng dám trôi.
Mùa xuân là mùa của bay bay mưa phùn liêu xiêu, của ngòn ngọt có gió lành lạnh rét. Ở cái tiết trời này, con người ta khai mở phóng khoáng và dễ dàng chóng đói thích ăn ngon. Không phải ngẫu nhiên mùa xuân là mùa của lễ hội cỗ bàn. Tất cả món ăn đều quyến rũ, đậm, béo. Bánh chưng rán cạnh thịt đông, giò thủ cạnh vịt nướng. Người ta miệt mài dưỡng sinh nín nhịn yoga quanh năm, cốt dồn sức cho tiêu hóa thật thăng hoa trong ngày tết.

Chiều muộn trừ tịch giao thừa là cỗ tất niên. Sáng mùng Một chúc tụng người trên ông bà bố mẹ là cỗ tân niên. Xâm xẩm tối muộn mùng Hai, anh chị em vui vẻ đoàn viên ngồi xếp mâm bầy cỗ. Mùng ba làm cơm mời bạn, mùng Bốn bạn mời. Mùng Năm đang ngất ngư thì nhiều nhà đã làm sớm hóa vàng. Từ quan đến dân, từ công chức lương thưởng hành chính đến doanh nghiệp tư gia, bụng đều óc ách những gà quay, ngan hầm, hạnh nhân xào, xúp lơ xào, canh măng lưỡi lợn nấu chân giò, bóng thả mọc miến thả lòng gà. Khắp thiên hạ đâu cũng thấy bóng nhẫy hạnh phúc, nam thanh nữ tú phong độ tròn căng. Có phải thế chăng mà những tết gần đây, những gia đình có tiền thường du xuân ra ngoài nước.
Ăn no xong rồi thì những người có tuổi hoặc lim dim đi ngủ hoặc chơi bài hoặc khai bút làm thơ. Đám trẻ tung tăng nhựa sống rủ nhau “bát phố”, quần là áo lượt thơm mùi hàng hiệu, nồng nàn hẹn hò tình yêu. Phố rộng mưa giăng thấp thoáng mấy ghế đá công viên mơ màng tím mầu chung thủy. Chương trình truyền hình tết dù trực tiếp hay đã làm đông lạnh từ trước Chạp, nhà đài liên miên phát trò vui. Tấu hài là đương nhiên, phim hài là hiển nhiên rồi kịch hài xiếc hài ca nhạc hài. Người xem hoan hỉ rũ rượi cười cả tuần, bỗng thành một thói quen như phản xạ có điều kiện.
Tết Nguyên Đán được gọi là tết “nhất”, vì đấy là cái tết quan trọng hàng đầu. Còn “ăn uống” là đệ nhất trong tứ khoái. Với hầu hết người Việt, nó đã trở thành nét văn hóa độc đáo của muôn đời trong mỗi dịp Xuân về.