Bạn sẽ làm gì cho lễ kỷ niệm 100 năm của một kiệt tác huyền thoại? Ở Vacheron Constantin, mọi sự cập nhật đều không cần thiết.

Mặc dù thương hiệu 266 tuổi từng xuất xưởng các phiên bản mới của mẫu đồng hồ đáng khao khát American 1921 này với những vật liệu và kích thước vỏ khác nhau trong năm nay, nhưng chiếc đồng hồ được nói đến ở đây là sự tái tạo “độc nhất vô nhị” của phiên bản gốc từng làm “dậy sóng” xứ cờ hoa thập niên 1920. Mỗi chi tiết đơn lẻ của kiệt tác này, từ dây đeo đến cầu nối và tấm đĩa, đều được thực hiện chính xác như cách chế tác một thế kỷ trước.

Vào năm 1919, lần đầu tiên một chiếc đồng hồ mang hình dáng vỏ gối được ra mắt với mặt số lệch tâm, giúp người đeo có thể xem giờ dễ dàng hơn khi đang lái xe. Mẫu đồng hồ này chỉ được sản xuất vỏn vẹn 12 chiếc và hầu hết được bán ở thị trường Hoa Kỳ. Xuất phẩm năm 1919 có thiết kế mặt số lấy cảm hứng từ quân đội với các vấu khác biệt. So với phiên bản thứ hai được ra mắt vào năm 1921 với số lượng 24 chiếc, vẻ ngoài của chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng này đã được tinh chỉnh.

“Khi thiết kế lại chiếc American 1921 vào năm 2008, chúng tôi đã lấy cảm hứng từ mẫu năm 1921 vì nhận thấy rằng thiết kế này tốt hơn cho việc mô phỏng lại”, Christian Selmoni, Giám đốc mảng Phong cách và Di sản của Vacheron Constantin, cho biết. “Chúng tôi thích mẫu năm 1921 với các vấu được thiết kế tinh xảo hơn cùng mặt số tráng men đẹp mắt. Nhưng cả hai mẫu đồng hồ này đều có bộ chuyển động và thân vỏ giống nhau”. Cũng chính vì vậy, phiên bản thứ hai – sau này thường được gọi với cái tên American 1921 – là nguồn cảm hứng cho phiên bản remake lịch sử lần này.

Vacheron Constantin American 1921 phiên bản remake (trái) và mẫu American 1921 cổ điển (phải)

Ngoài các chi tiết đồng hồ cùng tài liệu về hình ảnh ban đầu được lưu trữ, bản vẽ cho xuất phẩm độc bản lần này dựa trên thiết kế của chiếc American 1921 từng thuộc sở hữu của Mục sư Samuel Parkes Cadman. Là một nhà tiên phong nổi tiếng tại Hoa Kỳ vào đầu những năm 1920 với các bài giảng trên đài phát thanh Cơ đốc giáo, Cadman đã sở hữu 2 chiếc American 1921 vào năm 1928. Vacheron Constantin sau đó mua lại một chiếc vào năm 2012 và hiện “cổ vật” này đang được các chuyên gia thuộc Bộ phận phục chế và di sản dùng cho việc thiết kế phiên bản remake.

Công cụ chế tác cổ điển được lưu trong Kho lưu trữ của Vacheron Constantin

Đội ngũ nhà Vacheron Constantin đã mất 15 tháng để tạo ra chiếc đồng hồ này với tổng số 118 chi tiết – từ kim, bánh răng và dây tóc cho đến bánh xe cân bằng và bánh xe chuyền – tất cả đều là các bộ phận chưa qua sử dụng được lưu trữ từ những năm 1920 – “buổi bình minh” của chiếc American 1921. “Một số bộ phận đã hoàn chỉnh và số khác thì chưa được lắp ráp. Chúng tôi sẽ hoàn thiện chúng bằng tay”, Christian Selmoni nói. “Dự án này là minh chứng cho khả năng của Vacheron Constantin trong việc sửa chữa, lưu giữ và tái tạo mọi chi tiết từng xuất hiện trong những chiếc đồng hồ mang tính di sản”. Ngoài việc có hàng trăm nghìn chi tiết đồng hồ lịch sử, Vacheron Constantin còn có kho lưu trữ với diện tích 420m², nơi có khả năng “kể” những câu chuyện của thương hiệu kể từ khi thành lập vào năm 1755.

Vòng bi đính ruby cổ điển của nhà Vacheron Constantin

Tuy vậy, việc chế tạo chân kính đồng hồ từ 16 vòng bi đính ruby thực sự là một thử thách lớn. “Đưa đá quý vào một chiếc đồng hồ trong những năm 1920 là một quá trình hoàn toàn khác so với ngày nay. Chúng được làm như những viên kim cương, và chúng tôi không có ghi chép gì về công đoạn này, bởi vậy nó đòi hỏi khá nhiều thử nghiệm”, Selmoni nói. Năm bộ chi tiết đồng hồ gồm cầu nối và tấm đĩa (những phần duy nhất được làm bằng máy tiện CNC hiện tại) được tạo ra để tìm hiểu bí quyết chế tác của tiền nhân. Khi sử dụng hết bốn bộ trong số đó cũng là lúc các chuyên gia nhà Vacheron Constantin đã thực sự thành thạo cách làm như thời xa xưa.

Từ công đoạn hoàn thiện vân sọc trên bộ máy đồng hồ (đã ngừng thực hiện từ những năm 1930) đến lớp vỏ 31.5 mm bằng vàng 18K cùng mặt số tráng men grand feu và các vạch chỉ giờ, mọi thứ (chưa nói đến dây đeo, cầu nối và tấm đĩa) cần những loại máy móc phù hợp như đã từng sử dụng trước đây, và nhiều khi các công cụ phải được tái tạo bằng tay.

Chế tác mặt số tráng men Grand Feu

“Chúng tôi đã làm mặt số tráng men giống hệt ngày xưa, với men trắng tinh khiết trên bề mặt bằng đồng rắn chắc dưới tác động nhiệt cao”, Selmoni nói. “Thật thú vị khi nói rằng chúng tôi sở hữu những kỹ thuật giống như thời trước, nghĩa là trên mặt số có cả từng vạch chỉ giây”. Vì kim giờ và kim phút được đặt quá gần mặt số cho nên kim giây phải nằm bên dưới. Mặt số cấu thành từ hai phần làm bằng men và trên đó là các chữ số Ả Rập cũng được tráng men”.

Không một chi tiết nào bị bỏ qua. Ngay cả logo trên mặt số vẫn giống nguyên bản với dòng chữ “Vacheron et Constantin Geneve Suisse”. Và mặc dù dây đeo tất nhiên không phải là “đồ cổ”, nhưng được lấy từ một nhà cung cấp có loại da gần giống với phong cách da bê đầu thế kỷ 20.

Các bộ phận của chiếc đồng hồ Vacheron Constantin American 1921 độc bản

“Đây gần như là một dự án bất khả thi vì ngay từ đầu, chúng tôi đã không chắc là mình sẽ thành công”, Selmoni chia sẻ. “Những nghệ nhân đồng hồ và xưởng phục chế đã học hỏi được rất nhiều khi thực hiện dự án này. Đó là kiến thức rất quan trọng cho họ trong tương lai. Tìm hiểu về chế tác đồng hồ là một câu chuyện không có hồi kết”.

Vacheron Constantin American 1921 độc bản

Chiếc American 1921 độc bản này đã vượt Đại Tây Dương và có mặt tại New York trong buổi ra mắt cửa hàng flagship của Vacheron Constantin ở Đại lộ số 5 hồi tháng 6 vừa qua và sẽ được trưng bày đến hết tháng 10. Sau đó, nó sẽ xuất hiện tại một tour triển lãm chưa được công bố ở các quốc gia khác. Vacheron Constantin vẫn chưa quyết định liệu có nên bán chiếc đồng hồ này không. Đây sẽ là chiếc American 1921 remake độc bản. Theo ước tính của Selmoni, trong số 12 chiếc thuộc dòng sản phẩm đầu tiên vào năm 1919 và 24 chiếc thuộc dòng sản phẩm thứ hai vào năm 1921, có lẽ chỉ 10 chiếc trong dòng đầu tiên còn tồn tại, vì vậy, xuất phẩm độc bản lần này giống như “chiếc vương miện trong rương kho báu”. Selmoni nói: “Lần cuối cùng tôi nhìn thấy một chiếc American 1921 nguyên bản được bán đấu giá là vào năm 2005, và tôi vẫn còn nhớ nó có giá khoảng 10.000 USD. Đó quả là một món hời ở thời điểm hiện tại!” Nếu chiếc American 1921 độc bản này được bán, mức giá của nó sẽ là không tưởng.

Cửa hàng flagship của Vacheron Constantin trên Đại lộ số 5, New York, Mỹ

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng 7&8 mang chủ đề “Health Or Wealth”)