Một trong những khiếm khuyết lớn nhất của hàng không tư nhân chính là việc thiếu đi một ứng dụng rộng rãi để cung cấp cho khách hàng những thông tin về giá cả theo thời gian thực…

…Hàng chục doanh nghiệp đã đầu tư nhiều chục triệu đô-la cho các ứng dụng riêng của mình. Tuy nhiên, phần lớn vẫn sử dụng các nền tảng chung từ Avinode hay FlyEasy nhằm cung cấp thông tin cho mọi khách hàng tiềm năng và liệt kê mức giá mang tính tham khảo thay vì con số cụ thể, thường là bị trễ khá nhiều so với thời gian thực tế.

Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến về lượng khách hàng, tình trạng thiếu hụt máy bay cùng việc quá tải của nền tảng điều hành khiến cho phần lớn doanh nghiệp không thể tự mình phát triển một ứng dụng riêng. Phần đông các hãng bay có chưa đầy 10 chuyên cơ và chỉ chưa đầy 10 công ty có hạm đội trên 50 chiếc. Về cơ bản, những thương hiệu nhỏ sẽ khó có điều kiện phát triển các công nghệ riêng của mình. Nói nôm na, phần đa trong số họ vẫn sử dụng phương thức điều hành theo kiểu cổ điển hay nền tảng tin học lỗi thời. Thường thì các doanh nghiệp sẽ phải vật lộn để tối ưu hóa lịch bay trên các nền tảng nhằm cung cấp cho khách hàng những thông tin gần đúng với thời gian thực.

Về bản chất, việc có thêm dữ liệu sẽ khiến cho doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn. Một khi dữ liệu về khách hàng ngày một gia tăng, các ứng dụng dựa trên trí thông minh nhân tạo sẽ trở nên hữu dụng hơn, cho phép doanh nghiệp phản ứng nhanh nhạy hơn và đưa ra mức giá cạnh tranh hơn.

Các hãng bay thừa nhận, việc chuyển đổi hệ thống vận hành kiểu cũ sang công nghệ của Thế kỷ 21 là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, đây là xu thế không thể tránh khỏi. Đây là một thị trường vô cùng năng động và phức tạp nhưng lại không đủ quy mô so với hàng không dân dụng. Thành ra, mọi vấn đề đều không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Vẫn còn đó những khó khăn như việc lên lịch bay theo thời gian thực, áp giá cố định, đặt đồ ăn qua mạng hay tính phụ phí nhiên liệu.

Tuy nhiên, những người đứng đầu các hãng bay vẫn quyết tâm tạo ra một ứng dụng hiệu quả cho mảng chuyên cơ. Một số hãng đã sử dụng phương thức giá vé cố định. Thường thì họ sẽ đầu tư vào nền tảng công nghệ và yếu tố trí tuệ để giúp các ứng dụng vận hành một cách hiệu quả hơn. Thậm chí, vài hãng bay còn có ứng dụng cho phép khách hàng theo dõi lộ trình bay và ngày bay một cách chính xác nhất.

Chuyên cơ tầm xa: Dassault Falcon 10x

Dassault Falcon 10x Jet

Mẫu chuyên cơ của Dassault luôn so kè với hai đối thủ Bombardier Global 7500 và Gulfstream G700 trong danh mục chuyên cơ thương mại lớn nhất thế giới. Hãng máy bay của Pháp cho hay, đây là chiếc chuyên cơ có nội thất rộng rãi nhất trong phân khúc. Thực tế, bề ngang của chiếc Dassault rộng hơn khoảng 8 inch so với Global 7500. Bên cạnh đó, khoảng không tính từ trần máy bay đến đầu hành khách cũng lớn hơn so với các đối thủ. Chiếc Dassault có thể bay liên tục trong 15 giờ với tầm hoạt động tối đa khoảng 16 ngàn km, tương đương quãng đường từ New York đến Hồng Kông. Ngoài ra, với cao độ tối đa khoảng 15,5 km, chiếc chuyên cơ có thể vượt qua gần như mọi điều kiện thời tiết.

Du lịch vũ trụ: SpaceX

SpaceX

Hiện tại, nhiều thương hiệu đang chạy đua cho chiến dịch chinh phục vũ trụ. NASA liên tục đón nhận nhiều “đồ chơi” mới lạ như tên lửa lấy cảm hứng từ Sao Thủy hay khinh khí cầu tầm cao. Dù nhiều doanh nghiệp lần lượt tham gia cuộc chơi, liên minh Inspiration4 với nền tảng là chiếc Falcon 9 từ thương hiệu SpaceX vẫn là cái tên thành công bậc nhất. Cụ thể hơn, một tỷ phú cùng 3 chuyên gia đã có cơ hội bay ngoài quỹ đạo trái đất trong 3 ngày liên tiếp trên con tàu vũ trụ Dragon. Điều đặc biệt là sau chuyến bay, nhà tổ chức đã quyên góp được số tiền gần 250 triệu đô cho công tác từ thiện.

Nội thất chuyên cơ: RH G650 Jet

RH One Jet

RH – thương hiệu trứ danh trong mảng nội thất đã lấn sân sang lĩnh vực chuyên cơ với việc ra mắt chiếc RH One – một phiên bản tùy biến của chiếc Gulfstream G650 với cấu hình 12 hành khách. Phần cabin trông cực kỳ ấn tượng với kiểu thiết kế nhẹ nhàng đơn giản nhưng sang trọng. Chất liệu chủ đạo là gỗ sồi châu u được đánh bóng kỹ lưỡng, giúp tạo nên một bầu không khí tươi mới so với kiểu nội thất có phần nặng nề u tối trên các chuyên cơ đời cũ. Đặc biệt, kiểu nội thất trên chiếc RH One cũng gợi lại bầu không khí của các dòng máy bay xuyên lục địa vào những năm 30 của Thế kỷ 20. Bên trong cabin là một số đồ vật trang trí làm từ thép không gỉ.

Nhân vật có ảnh hưởng: Stephen Fitzpatrick

Stephen Fitzpatrick

Đua xe Công thức 1, kinh doanh khí đốt tự nhiên và sự trỗi dậy của “taxi bay” (eVTOL) là ba phạm trù gần như không có sự ăn nhập. Tuy nhiên, doanh nhân Stephen Fitzpatrick đã tạo ra sự kết nối giữa 3 chủ đề nói trên trong một sự kiện F1 vào năm 2015 tại Brazil. Thời đó, ông là chủ đội đua Manor Racing. Khi đến sự kiện, ông phải bay 15 giờ liền trước khi trải qua thêm 4 giờ kẹt xe ở São Paulo. Ngoài đua xe, ông còn là chủ công ty năng lượng Ovo có trụ sở tại Anh. Năm 2016, Stephen quyết định dấn thân vào mảng “taxi bay” mà nhiều người cho là hoang tưởng. Thậm chí, ông chẳng có lấy cho mình một đối thủ rõ ràng. Bạn bè gọi Stephen là “thế lực siêu nhiên”, người không hề có kiến thức hay kinh nghiệm trong mảng hàng không.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thương hiệu Vertical của ông đã trở thành một cái tên cực “hot” trong ngành hàng không với số đơn hàng vào khoảng 6 tỷ đô. Sản phẩm mới nhất là chiếc VX4 với cấu hình 5 chỗ cùng tầm bay hơn 160 km ở tốc độ 321 km/giờ. Vertical cũng chính thức lên sàn chứng khoán New York sau thương vụ hợp nhất với Tập đoàn Broadstone Acquisition. “Vertical chẳng có phát kiến nào to tát cho ngành hàng không. Đơn giản là chúng tôi đang chọn con đường ít rủi ro nhất mà thôi.” – Fitzpatrick khẳng định.