Ngoài sở hữu chiếc Rolls-Royce Phantom độc bản đầu tiên kết hợp loại gỗ Koa cực hiếm, tỷ phú Smith còn là nhà sưu tập xe với hơn 60 chiếc cùng không gian trưng bày gần 5 ngàn mét vuông và vẫn chưa có ý định dừng lại.

Jack, cơ duyên nào khiến ông trở thành một nhà sưu tập xe cộ?
Một câu hỏi khá rộng. Tôi mê sưu tập xe cộ, nhất là các dòng xe cổ theo cách hiểu truyền thống. Thường thì tôi sẽ chọn các dòng xe ra đời vào những năm 20-30 của thế kỉ XX, chẳng hạn như chiếc Rolls-Royce ra mắt vào năm 1923 và hiện vẫn trong tình trạng khá tốt. Thành thật mà nói, tôi mê sưu tập xe cộ hơn là mua đi bán lại vì mục đích thương mại. Hiện tại, với trên 60 mẫu xe cùng tổng diện tích trưng bày khoảng 5 ngàn mét vuông, tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng bộ sưu tập của mình.

Theo tôi được biết, ông luôn có sở thích sưu tập những mẫu xe theo kiểu “không đụng hàng”. Ông có thể lý giải thêm về điều này hay không?
Tôi có cơ hội “tận mục sở thị” rất nhiều mẫu xe quý hiếm. Không phải mẫu nào tôi cũng đưa vào bộ sưu tập cá nhân. Phải có sự tương đồng giữa chiếc xe và cái “Tôi” của nhà sưu tập. Với tôi, ưu tiên hàng đầu nằm ở độ hiếm của chiếc xe. Tôi chỉ thích xe độc bản hoặc các dòng xe được sản xuất với số lượng cực kỳ ít ỏi. Tôi muốn quan khách phải thốt lên rằng, họ chưa bao giờ nhìn thấy những chiếc xế cổ tương tự như bộ sưu tập của tôi. Thậm chí, ông cha họ cũng chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc xe như vậy.

Chẳng hạn như chiếc Rolls-Royce Corniche đời 2001 mà bạn nhìn thấy trong bộ sưu tập của tôi. Thời đó, một người bạn của tôi qua đời nên gia đình quyết định đấu giá một số mẫu xe mà ông để lại. Tôi mua lại vài xe, trong đó có chiếc Corniche vì nó được trang bị một số tiện nghi vô cùng độc đáo. Chẳng hạn như chiếc điện thoại có dây được trang bị theo xe. Ngày nay, nó vẫn hoạt động một cách hoàn hảo. Bạn thử nghĩ xem, trong thời công nghệ, khi con người mải mê dán mắt vào chiếc smartphone với ti tỉ chức năng phức tạp, một chiếc điện thoại bàn gắn liền với chiếc Rolls-Royce sẽ trở nên thú vị đến mức nào.

Ông mất bao lâu để có một bộ sưu tập đồ sộ và độc đáo như bây giờ?
Thật ra, tôi chỉ mới bắt đầu sưu tập xe cộ khoảng 8 năm trước. Tuy nhiên, tôi hiện đứng thứ 136 trong số những nhà sưu tập xe hơi lớn nhất thế giới. Điều này càng trở nên ý nghĩa khi có những người bỏ ra cả 40-50 năm sưu tập và hiện vẫn xếp sau tôi khá xa. Trong một ngày cao hứng, tôi có thể mua cùng lúc 8 chiếc xe cổ với mức giá không dưới 7 con số cho mỗi xe.

Ông “đối xử” thế nào với hơn 60 mẫu xe mà mình đang có? Có sự ưu ái riêng cho chiếc này hay không?
Thật tuyệt vời khi bạn có thể cầm lái rất nhiều mẫu xe độc đáo như vậy. Tùy theo thời tiết từng mùa, tôi lựa chọn một chiếc phù hợp nhất cho việc đi lại. Thậm chí trong một ngày, tôi có thể lấy chiếc này đi ăn trưa và đổi sang xe thứ hai để đi công việc. Tôi còn rủ rê bạn bè và giới mê xe cùng trải nghiệm dàn xe mà tôi đang có. Với tôi, xe cổ là để trải nghiệm và chiêm ngưỡng. Không nhất thiết phải “nhốt” chúng trong phòng trưng bày.

Ngoài việc cầm lái mỗi ngày, ông có từng đem xe cộ ra tranh tài tại các triển lãm xế cổ hay không?
Tất nhiên là có rồi. Tôi tham dự Triển lãm xế cổ Pebble Beach 6 lần và giành chiến thắng tới 5 lần. Tôi cũng thường xuyên tham dự các chương trình diễu hành cùng những người thắng cuộc ở các hạng mục khác nhau. Phần đông tỏ ra hứng thú trước sự hiện diện của tôi và những mẫu xe độc đáo mà nhiều người chưa từng nhìn thấy, chẳng hạn như chiếc Packard Twelve Coupe đời 1934. Dĩ nhiên, không phải ai cũng tỏ ra vui vẻ vì đơn giản, tôi luôn là “đối thủ khó nhằn”.

Ông vừa đề cập đến chiếc Packard Twelve Coupe, một tuyệt phẩm với sơn ngoại thất màu xanh ánh kim tuyệt đẹp tạo nguồn cảm hứng cho siêu phẩm Rolls-Royce Koa Phantom Extended. Bằng cách nào mà ông và đội ngũ tùy biến của Rolls-Royce có thể tái hiện màu sơn của chiếc xế cổ trên một mẫu xe hiện đại?

Mọi thứ bắt đầu từ đam mê cá nhân. Thường thì tôi sẽ mua xế cổ, có chiếc tả tơi hình hài, rồi phục chế về trạng thái gần như nguyên bản. Trong số này, tôi dành tình cảm đặc biệt cho chiếc Packard Twelve Coupe đời 1934 với bộ cánh xanh ánh kim mà dân sưu tập vẫn gọi là “Packard Blue”. Thật may là các chuyên gia sơn màu của Rolls-Royce đã quá quen với thuật ngữ nói trên khi tôi bày tỏ mong muốn của mình. Tôi thậm chí còn gửi cho họ mã sơn và cản trước của chiếc xế cổ để tham khảo. Sau khoảng 40 lần thử nghiệm, Rolls-Royce đã tạo ra màu sơn mà tôi tâm đắc.

Rồi ông phản ứng thế nào khi Rolls-Royce tạo ra màu sơn mà họ cho là hoàn toàn trùng khớp với yêu cầu ông đưa ra?
Mọi thứ thật hoàn hảo. Một sự trùng khớp đến kinh ngạc. Tôi thậm chí còn đặt hai chiếc xe cạnh nhau để so sánh nhưng không tài nào tìm ra sự khác biệt. Dưới ánh mặt trời, sắc xanh ánh kim trở nên bắt mắt hơn bao giờ hết.

Thật ra, việc tái hiện màu sơn của một chiếc xe được sản xuất cách đây 80 năm và một tuyệt phẩm đương đại như Phantom không chỉ nằm ở vấn đề công thức hay mã màu. Đó còn là sự kết nối giữa lớp sơn với các tấm kim loại. Rolls-Royce đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình.

Thế còn nội thất thì sao? Phải chăng vẫn là nguồn cảm hứng từ một mẫu xe nào đó trong bộ sưu tập của ông?

Hồi đó, tôi có mặt tại Goodwood, đại bản doanh của Rolls-Royce và gặp gỡ các chuyên gia nội thất của hãng. Họ cho tôi tham khảo một số mẫu xe tùy biến trước đây với các loại gỗ như Dái ngựa, Tếch hay Anh đào. Chỉ vài phút sau, câu trả lời của tôi là gỗ Koa, giống gỗ quý được bảo tồn nghiêm ngặt ở Tiểu bang Hawaii, vùng đất gắn liền với gia đình tôi. Cả màu sắc và thớ gỗ đều thật tuyệt. Các chuyên gia của Rolls-Royce ban đầu khá ngạc nhiên về loại gỗ mà tôi đề cập. Tuy nhiên, khi tôi lý giải về nguồn gốc và vẻ đẹp của Koa, mọi thứ bắt đầu tiến triển một cách nhanh chóng.

Điều khó khăn ở đây là bạn không thể đốn hạ cây Koa một cách tùy tiện mà phải chờ cho chúng tự đổ xuống rồi muốn làm gì thì làm. Phải mất mấy năm tôi mới tìm thấy khúc gỗ ưng ý từ một nhà cung cấp tại Chicago, Hoa Kỳ. Trong quá trình chế tác chiếc Phantom, yêu cầu lớn nhất của tôi là đưa càng nhiều gỗ Koa vào xe càng tốt. Nó tạo ra cảm giác ấm cúng cho không gian nội thất bên trong. Quả thật, gỗ Koa chính là sự kết hợp hoàn hảo với lớp da màu xám tương tự như chiếc Packard Twelve Coupe đời 1934.

Còn điều gì đặc biệt về chiếc Koa Phantom mà ông muốn chia sẻ hay không?
Tôi muốn nói về “bầu trời đầy sao” trên trần chiếc Phantom. Rolls-Royce vốn nổi tiếng với chi tiết này trên các mẫu xe mà họ tạo ra. Hầu như không một khách hàng nào nói “Không” với tùy chọn này. Tuy nhiên, tôi thậm chí còn yêu cầu các nhà thiết kế khắc ngày sinh của mình giữa các vì sao. Về sau, cậu con trai 12 tuổi của tôi có thắc mắc tại sao lại là ngày sinh của bố mà không phải là của con. Tôi có nói nửa đùa nửa thật, rằng khi nào con lớn lên và tự mua được chiếc xe của mình, con muốn khắc thứ gì chả được.

Ông có nghĩ một ngày nào đó, con trai của mình sẽ bán đấu giá chiếc Koa Phantom tại Triển lãm Pebble Beach?
Thật khó để nói về tương lai. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, các mẫu xe có mặt tại Pebble Beach thường có tuổi đời không dưới 50 năm, thậm chí nhiều hơn như chiếc Packard Twelve Coupe đời 1934 mà tôi đang có. Cá nhân tôi không muốn bán chiếc Koa Phantom kể cả khi nó trở thành mẫu xế cổ quý hiếm. Tôi chỉ nghĩ đến việc có thêm vài chiếc Rolls-Royce để bổ sung vào bộ sưu tập hiện có.

Robb Report Vietnam chân thành cám ơn ông!