Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ tác động gì đến thị trường xa xỉ?
Khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng Một năm 2017, những nhà hoạch định chiến lược của các nhãn hàng xa xỉ buộc phải thay đổi định hướng trong thời gian tới, và tự hỏi liệu vị tỉ phú này có giữ đúng lời đã hứa trong lúc tranh cử hay không.
“Ông Trump có vẻ như là một fan hâm mộ của tất cả mọi thứ thuần Mỹ với lời hứa hẹn thay đổi lấy nền tảng bảo hộ làm trung tâm. Do đó, những chính sách mới có thể trở thành thách thức không nhỏ cho ngành công nghiệp xa xỉ phẩm toàn cầu chủ yếu dựa vào sản xuất và thương mại quốc tế. Các thương hiệu cao cấp châu Âu nhiều khả năng phải đối mặt với rào cản trong việc tăng thuế đối với hàng hóa nước ngoài, cũng đồng nghĩa với sự sụt giảm lớn trong doanh thu tại thị trường Mỹ”, Ambika Zutshi, Giám đốc điều hành của Fashionbi, Milan, chia sẻ.
Triển vọng kinh tế
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đưa ra thông điệp mạnh mẽ về việc nên hạn chế tự do thương mại, trái ngược với những gì đảng Cộng Hòa ủng hộ suốt nhiều năm qua. Từ lúc còn là ứng viên Tổng thống, ông Trump đã đặc biệt chỉ trích Hiệp định Hợp tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước thuộc vùng vành đai khu vực Thái Bình Dương, với sự tham gia của Úc, Canada, Nhật Bản và Mexico. Vị tân Tổng thống này lập luận rằng nước Mỹ đang chịu thiệt thòi khi giữ vai trò chính trong các hiệp định và thỏa thuận thương mại, đồng thời thể hiện quyết tâm sẽ áp đặt mức thuế quan cao hơn cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Thương mại nói chung đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình sản xuất và bán lẻ của các mặt hàng xa xỉ, bởi hầu hết sản phẩm chỉ được làm tại một số địa điểm nhất định rồi sau đó xuất khẩu đi khắp thế giới. Chẳng hạn như, một thương hiệu hàng da Ý không thể mở nhà máy ở Hoa Kỳ để tránh thuế mà vẫn giữ được uy tín.
Một khi Mỹ áp đặt mức thuế cao hơn, chi phí liên quan đến bán lẻ cao cấp cũng sẽ tăng theo, đồng thời còn có thể tạo ra nhiều trở ngại trong chuỗi cung ứng nguyên liệu quốc tế. “Chúng ta sẽ phải nói lời tạm biệt với những thương hiệu hàng xa xỉ Mỹ đặt nhà máy tại Trung Quốc hay Mexico. Như mong muốn của Tổng thống Trump, hầu hết các công ty đều phải sản xuất theo dạng ‘cây nhà lá vườn’, hệ quả là chi phí tăng cao và cuối cùng giá bán được nâng lên một cấp độ mới”, bà Zutshi nhận định.
“Điều này cũng có nghĩa là các công ty sẽ phải sa thải nhân viên, đóng một số cửa hàng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng với biến động trong chính sách. Mặt khác, những thương hiệu đến từ châu Âu và các khu vực khác sẽ chịu mức thuế nặng hơn, dẫn đến sự sụt giảm nguồn thu từ thị trường Mỹ, đây có thể là thảm họa đối với ngành xa xỉ phẩm nói chung”.
Trước bầu cử, GT Nexus đã kết hợp với công ty khảo sát trực tuyến YouGov tiến hành một cuộc thăm dò về điều gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump đắc cử, kết quả cho thấy các nhà bán lẻ lo sợ sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn, ví dụ như chi phí hàng hoá cao hơn và sự chậm trễ trong việc giao nhận.
Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, ngoài thương mại, chính sách kinh tế như đề xuất của ông Trump dự kiến sẽ làm giảm GDP thực của Hoa Kỳ xuống khoảng 4,7% so với dự báo trong giai đoạn 2017-2021.
Ngay cả khi Donald Trump đã hứa sẽ thực hiện cắt giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người giàu, suy thoái kinh tế như dự đoán vẫn có một số tác động nhất định đối với sự thịnh vượng chung. Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán và một số hoạt động kinh tế khác sẽ là nhân tố chính khiến quy mô của tầng lớp người có thu nhập sau thuế ít nhất 50.000 USD và tổng tài sản ít nhất 200.000 USD tăng trưởng chậm hơn. Theo dự báo ban đầu, với một nền kinh tế phi Trump, có tới 42,4 triệu người đạt được cột mốc trên vào năm 2020. Tuy nhiên, khi Trump đắc cử Tổng thống, con số dự kiến giảm chỉ còn 38,5 triệu người.
Tương lai bất định
Bên cạnh việc thắt chặt thương mại, tác động của những chính sách dưới thời ông Trump cũng sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp hàng xa xỉ. Theo nhận định của trang môi giới bất động sản Zillow, Tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của thị trường nhà đất.
Hơn 100 chuyên gia về nhà đất khi được hỏi cụ thể về tác động của từng ứng viên đối với thị trường nhà ở nếu như được bầu, có tới 45% tin rằng những diễn biến sắp tới khi ông Trump đắc cử sẽ “rất xấu” hoặc “khá tiêu cực”, trong khi chỉ 16% người kỳ vọng tích cực. Tuy nhiên, khó có thể dự đoán chính xác tương lai của thị trường bất động sản, bởi tư duy của tân Tổng thống có vẻ như không tuân theo một quy luật nào.
“Mặc dù ông Trump được biết đến như một nhà phát triển bất động sản, và có lẽ ông ấy đã hiểu rất rõ về các vấn đề liên quan đến nhà đất với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhưng đến nay ông ấy vẫn chưa đưa ra một lập trường rõ ràng nào về cải cách tài chính và chắc chắn rằng liệu có hay không sự tác động của chính quyền liên bang đến thị trường nhà đất”, Aaron Terrazas, nhà kinh tế cao cấp của Zillow, chia sẻ.
“Nói như vậy không có nghĩa là Tổng thống Trump nhất định sẽ gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp xa xỉ phẩm, nhưng thực tế, định hướng kinh tế mà ông Trump vạch ra vẫn khá mơ hồ. Thị trường thường phản hồi không mấy tích cực trước sự bất định và có xu hướng co lại khi chưa nắm vững bước đi phía trước”, Nela Richardson, chuyên gia kinh tế cao cấp của trang môi giới bất động sản trực tuyến Redfin phân tích.
“Những diễn biến khó lường khi Trump nắm quyền rất có thể gây nên một số biến động đến thị trường chứng khoán, lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến phân khúc bất động sản hạng sang, điều này không khó lý giải, bởi đa phần các nhà đầu tư chứng khoán là chủ sở hữu của những căn nhà, biệt thự cao cấp. Khi Trump bước vào Nhà Trắng, chúng tôi dự đoán rất nhiều ‘kịch bản’ về doanh số lẫn giá cả có khả năng xảy đến”, Nela chia sẻ.
Euromonitor cũng dự báo, chiến thắng của Donald Trump sẽ mở ra một viễn cảnh kém tươi sáng cho ngành du lịch Mỹ. Chính sách ngoại giao đóng vai trò to lớn giúp một quốc gia trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế. Tuy nhiên, ông Trump lại vận động tranh cử trên nền tảng dân tộc, trong đó bao gồm đề xuất cấm người Hồi giáo không phải là công dân Mỹ ra khỏi đất nước và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Chính sách này được xem là phân biệt chủng tộc, một chủ đề khá nhạy cảm làm giảm sức hút của “xứ sở cờ hoa”.
Mexico hiện đang là điểm đến số một của người Mỹ khi ra nước ngoài, trong khi đất nước này đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia có khách du lịch đến Mỹ nhiều nhất. Tuyên bố sẽ xây một bức tường ngay tại biên giới hai nước của ông Trump đang làm cho mối quan hệ chính trị lẫn du lịch đều trở nên căng thẳng hơn. Tương tự như vậy, một khi Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, lượng du khách đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới chắc hẳn sẽ không còn nhiều như trước. Ngoài ra, hình thức đến Mỹ để du lịch mua sắm vốn rất thịnh hành có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu thắt chặt thương mại.
Dù vậy, “lời hứa sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân cũng như bỏ thuế đánh vào tài sản của người quá cố,… của Tổng thống Trump một khi được thực thi sẽ tạo nên cú hích trong hành vi tiêu dùng của tầng lớp trung lưu Mỹ, họ sẽ không còn chi tiêu thận trọng như trong khoảng thời gian sau cuộc Đại suy thoái mà sẽ dành nhiều tiền hơn cho xa xỉ phẩm”, Marie Driscoll, Giám đốc điều hành và cố vấn trưởng của Driscoll Advisors, cho biết. Hoặc ít nhất, với quan niệm về sự giàu có mang nặng tính phô trương, vị Tổng thống tỉ phú này nhiều khả năng sẽ đưa ra một số chính sách thúc đẩy giới nhà giàu mới nổi chi “mạnh tay” hơn vào thị trường xa xỉ.