Ở một nghĩa nào đó, “thay áo mới” cho trang sức cũng là cách bảo vệ môi trường.

Nhắc đến thời trang bền vững, chúng ta có rất nhiều câu chuyện để luận bàn – từ chất liệu vải hữu cơ, quy trình đóng gói thân thiện với môi trường, cho đến sản phẩm tái chế. Thế nhưng, trang sức vẫn thường là chủ đề nằm ngoài cuộc hội thoại. Tất cả những gì chúng ta biết về trang sức có chăng chỉ gói gọn trong phạm vi chức năng sản phẩm, giúp tô điểm vẻ ngoài cho chủ nhân. Thực tế, ngành công nghiệp khai thác kim loại, đá quý vẫn đang từng ngày đe dọa hành tinh của chúng ta, từ việc tìm kiếm nguồn cung ứng, cho đến công đoạn khai thác, xử lý và vận chuyển. Điều đáng mừng là trong thế giới hỗn mang đó vẫn có không ít thương hiệu trang sức cao cấp chọn hướng kinh doanh gắn với mục tiêu bền vững.

Jonne Amaya là một nghệ nhân kim hoàn gốc Mexico hiện đang sinh sống và làm việc tại Los Angeles. Nói về Jonne Amaya là nói về dịch vụ “tái mục đích sử dụng” cho các món đồ trang sức, hay dễ hình dung hơn là “khoác áo mới” cho các món đồ trang sức, theo đúng nghĩa đen. “Tôi cho rằng nỗi nhớ cũng như những giá trị về mặt tình cảm là yếu tố khiến cho các khách hàng tìm đến dịch vụ này. Tái mục đích sử dụng quả thực là cách duy nhất để lưu giữ những câu chuyện đằng sau các món trang sức ấy”, Jonne Amaya chia sẻ.

Vòng tay sau khi “lột xác” của Miro

Vòng tay được truyền lại từ người bà quá cố của vị khách hàng tên Miro là một ví dụ điển hình. Bản gốc của thiết kế được đính rất nhiều viên kim cương có giá trị cao, song lại có thiết kế khá lỗi thời. Đội ngũ của Jonne đã “hóa phép” giúp cho chiếc vòng trở nên hiện đại, thoải mái hơn nhưng vẫn giữ vẹn những đường nét nguyên bản. Ấn tượng hơn hết là tất cả kim cương lẫn vàng đều được tái sử dụng cho thiết kế mới.

Theo thống kê từ Đơn vị Kiểm tra mức độ rò rỉ độc tố của Cơ quan Bảo vệ Môi trường tại Hoa Kỳ, hoạt động khai thác kim loại là tác nhân gây ô nhiễm số 1 tại quốc gia này. “Vàng là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trái đất có thể tái sử dụng mà không làm giảm đi chất lượng. Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ mãi khai thác thêm?” – Kimberly Berry Haisch, nhà sáng lập kiêm CEO KBH Jewels, chia sẻ.

Mẫu hoa tai được chế tác từ vàng 14 carat của KBH Jewels

KBH Jewels là thương hiệu trang sức có trụ sở tại New York. Với niềm tin rằng sự xa hoa thời hiện đại nên được gắn liền với yếu tố bền vững, thương hiệu này đã cam kết sử dụng 100% vàng 14 carat nguyên khối thu hồi và tái chế, ngọc trai vùng biển South Sea được nuôi cấy bền vững và kim cương nhân tạo.

“Trang sức có thể bền, đẹp, tràn đầy cảm hứng và khiến cho người khác phải thèm muốn, nhưng trang sức cũng cần phải bền vững, tử tế và đổi mới bất cứ lúc nào có thể. Chúng ta nên lưu tâm về những gì sẽ được khoác lên người như cách chúng ta quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho cơ thể vậy”, Kimberly chia sẻ.

Tương tự, tại Geneva, Thụy Sĩ, AGUAdeORO – một doanh nghiệp gia đình hơn 70 năm lịch sử, nổi tiếng với cam kết thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường – cũng đang đem đến cho các khách hàng những viên kim cương và đá quý được sản xuất trong phòng thí nghiệm.

Tùy thuộc vào trọng lượng, thông thường đội ngũ AGUAdeORO sẽ mất khoảng 2 đến 3 tuần để sản xuất ra một viên đá nhân tạo. Giống như các viên đá được khai thác, những sản phẩm này chứa các loại hợp chất khác nhau, và màu sắc rất ngẫu nhiên. Đó cũng chính là yếu tố đem lại sự khác biệt cho từng viên đá.

Lý giải cho sự khác biệt về giá trị giữa những viên kim cương được khai thác và kim cương có xuất xứ từ phòng thí nghiệm, đại diện AGUAdeORO cho biết: “Nếu như chúng ta nói về giá trị đầu tư, hẳn những viên kim cương khai thác nặng khoảng 3 carat trở lên có thể sẽ đáng giá hơn. Nhưng có thể với ai đó, viên kim cương được phát triển trong phòng thí nghiệm sẽ ‘nặng ký’ hơn bởi tính minh bạch về nguồn gốc. Xét cho cùng, tất cả sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân cũng như những giá trị riêng của mỗi chúng ta”.

Không riêng gì AGUAdeORO, ở thủ đô xứ sở sương mù, thương hiệu trang sức Lebrusan Studio cũng đề cao các giá trị đạo đức trong trang sức khi chỉ chế tác từ các vật liệu tuyệt hảo nhất và được khai thác thông qua các hoạt động bền vững và chuỗi cung ứng công bằng, minh bạch. Tại Lebrusan Studio, khách hàng còn có thể tìm mua các món đồ trang sức được chế tác hoàn toàn từ kim loại và kim cương tái chế cũng như kim cương được sản xuất từ phòng thí nghiệm.

Một trong những món trang sức do Lebrusan Studio thực hiện

Sở hữu tệp khách hàng đa dạng và phong phú, song Lebrusan Studio nhận ra rằng tất cả đều có chung hai niềm đam mê: những món đồ trang sức đẹp đẽ và yếu tố bền vững.

Có những chàng trai độ khoảng ba mươi đang tìm kiếm chiếc nhẫn đính hôn độc đáo cho vị hôn thê của mình, cũng có những “thợ săn” chuyên lùng sục những món quà mang giá trị đạo đức và thẩm mỹ cao cho những người thân yêu của họ, hay cũng có thể đó là những “nhà đầu tư” cho các món “bảo vật gia truyền” độc bản như một cách tự thưởng cho bản thân mình. Suy cho cùng, tất cả có vẻ đều mê mẩn với gu thẩm mỹ đặc biệt của nhà Lebrusan Studio.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Ba 2021 mang chủ đề “Style Of Life”)