Bespoke Tailoring (may đo) là quá trình tích lũy từ nhiều thế kỷ với các công đoạn đo, cắt, may các chất liệu vải theo hình dáng cơ thể con người. Trước khi xuất hiện quy trình may đo trang phục, quần áo chỉ đơn thuần là vật che thân và bảo vệ cơ thể trước tác động trực tiếp của các yếu tố bên ngoài. Bước vào thời kỳ Phục hưng, thế giới văn hóa và nghệ thuật bắt đầu thay đổi, nhận thức của con người về trang phục cũng thay đổi theo, và mọi người không còn xem đó như một vật dụng thiết thực, mà là cách thể hiện bản thân. Cho đến thời điểm này, chất liệu vải là điểm khác biệt của trang phục và khách hàng chỉ đạo hầu như toàn bộ quy trình thực hiện trang phục. Nhưng theo thời gian, vai trò của người thợ trở nên quan trọng hơn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định của khách hàng. Các kỹ năng may đo bắt đầu được tìm kiếm và thị trường may đo chính thức hình thành. Đó chính là khởi điểm của những gì mà chúng ta gọi là thời trang như hiện nay.

Các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha và Pháp trở thành trung tâm thời trang và mọi người từ khắp châu Âu đổ xô tìm kiếm những thợ may giỏi nhất để có được bộ trang phục cắt may theo yêu cầu riêng. Suốt thế kỷ 17, thời trang vẫn chịu ảnh hưởng phong cách hoàng gia. Từ năm 1643-1715 khi Vua Louis XIV nắm quyền, Paris được xem là nơi sản sinh ra những mẫu trang phục mới nhất và ấn tượng nhất. Chính giai đoạn này, phong cách thời trang bắt đầu thay đổi và kiểu trang phục nam tính lên ngôi.

Trong một thế giới nơi các trang phục sản xuất hàng loạt thống lĩnh ngành thời trang, vai trò của các thợ may càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

Trong khi người Pháp vẫn sử dụng trang phục bằng chất liệu lanh với chi tiết trang trí bằng lụa do ảnh hưởng phong cách hoàng gia, người Anh đã tiến một bước xa hơn với những mẫu trang phục thiết thực. Vào thế kỷ 19, áo khoác đen bóng, mũ lụa chóp cao và ô là chuẩn mực của thời trang Anh, và phong cách quý ông hiện đại ra đời tại đất nước này. Thiết kế nam tính và chi tiết tinh tế của các thợ may người Anh nhanh chóng thống lĩnh ngành thời trang châu Âu và Luân Đôn được biết đến như thủ phủ thời trang không chính thức. Trang phục doanh nhân được thiết kế theo kiểu Anh trở nên phổ biến và cuộc cách mạng công nghiệp càng làm gia tăng nhu cầu may đo. Các thợ may Luân Đôn từ bỏ các chi tiết trang trí và chú trọng hơn đến yếu tố “vừa khít” nhằm tôn vinh đường nét cơ thể. Các thợ may người Anh chính là những người khỏi xướng ý tưởng về tính đơn giản. Sự hoàn hảo của trang phục nằm ở đường cắt may và trở thành kim chỉ nam cho lĩnh vực thời trang hiện đại.

Thế kỷ 19 cũng chứng kiến sự nổi lên của cái tên Savile Row khi Beau Brummell – người được xem là điển hình phong cách quý ông lúc bấy giờ – đã bảo trợ và tập hợp các thợ may tài giỏi nhất tại Burlington Estate. Đến năm 1803, một số thợ may trong nhóm đã mở cửa hiệu tại Savile Row. Vào năm 1846, Henry Poole – được gọi là “Nhà sáng lập Savile Row” – đã mở một lối vào phía sau cửa hiệu may đo của cha mình tại số 32 Savile Row. Hiện công ty này vẫn được quản lý bởi các thành viên trong gia đình qua nhiều thế hệ. Từ “bespoke” cũng có nguồn gốc từ Savile Row khi một loại vải để may trang phục được khách hàng cá nhân gọi là “be spoken for”.

Hàng trăm năm trôi qua kể từ thời điểm lĩnh vực may đo được định hình, ngành thời trang nói chung và nghệ thuật cắt may nói riêng đã chứng kiến nhiều thay đổi và cải tiến đột phá, nhưng trang phục may đo bespoke vẫn được xem như một dạng nghệ thuật đòi hỏi trình độ tay nghề thủ công cao với kỹ thuật cắt may truyền thống. Savile Row vẫn được công nhận là thủ phủ của thời trang may đo, nơi bạn có thể tìm thấy những bộ trang phục bespoke hoàn hảo được thực hiện bởi những nghệ nhân tài giỏi nhất.