Thời gian qua, cái tên Trác Thúy Miêu thường gắn liền với nhiều đầu báo giật tít nóng hổi, sóng gió luôn bủa vây khi chị dũng cảm ngồi hàng ghế giám khảo không ít cuộc thi. Người thì nói chị sắc sảo thông minh, người thì cho rằng chị hành xử không đúng mực, thật khó để tìm sự đồng thuận với một cá tính dữ dội như chị.
Cơ duyên nào đưa chị tới những công việc khác nhau như vũ công, nhà thiết kế, nhà báo, người dẫn chương trình và giờ là giám khảo?
Có lẽ nghề thiết kế thời trang là công việc duy nhất đến phi tự nhiên với màu sắc đầy tham vọng khi tôi còn ở cái tuổi 18, 19. Suy nghĩ lúc đó rất hồn nhiên rằng mình phải có một danh hiệu đi kèm cái tên, tôi tìm đến họa sĩ Sỹ Hoàng để được chỉ bảo và học nghề – những tháng ngày duy nhất trong cuộc đời mà tôi có kế hoạch và chiến lược hoạch định cụ thể. Đối với tôi, giám khảo không phải là một cái nghề, mà chỉ là cái duyên. Tôi nhận ra rằng mình học được nhiều nhất khi đi dạy, khi xem xét và phân tích được quá trình của người khác. Tôi có khả năng diễn ngôn tốt và máu liều, có lẽ vì thế mà phù hợp với công việc làm giám khảo.
Phần nhiều những thứ tôi làm thì không ra tiền, và tôi không cố gắng đi tìm một công việc nhiều tiền. Tiền đến cùng với khoái cảm. Khi mình thích cái gì thì sẽ làm cái đó giỏi nhất. Tôi rất sợ phải đặt tiền làm mục đích cho cuộc sống của mình, nó sẽ khốn khổ lắm bởi tín giáo của tôi là hưởng thụ. Nếu có ai băn khoăn tại sao tôi lại làm nhiều việc thế, thì tôi sẽ hỏi lại có ai chỉ yêu một người trong cuộc đời?
Là một người cầm cân nảy mực trong nhiều cuộc thi, giám khảo Trác Thúy Miêu là một người khắt khe nóng tính hay là một người truyền cảm hứng?
Mỗi giám khảo trong một cuộc thi truyền hình là một “nhân vật”. Nếu cần ngồi đó để đóng vai bà tiên, tôi cũng làm được. Hoặc khi tôi sát phạt thí sinh, chắc chắn sẽ có người khác làm công việc đỡ họ lên. Càng tấn công họ thì tôi càng mong muốn khán giả bảo vệ và bình chọn cho họ nhiều hơn. Khán giả yêu nạn nhân, và nếu là nạn nhân của tôi, nghệ sĩ đó sẽ trở thành anh hùng của mọi người. Hầu hết các nhà sản xuất tìm đến tôi vì tôi có gương mặt khá ác. Chắc do năng lượng tôi tỏa ra tạo nên cái hấp lực của riêng mình. Thế giới chỉ có một nàng bạch tuyết thôi, nhân vật gây ấn tượng nhất là những mụ dì ghẻ hoặc phù thủy. Nếu đóng vai kẻ xấu mà có thể cứu được nghệ sĩ và nâng được điểm bình chọn của họ, tôi sẵn sàng.
Chị từng nói với đạo diễn Lê Hoàng: “Chưa biết khiêu vũ thì đừng có chấm nhảy đầm”. Nhưng chị đã bao giờ làm Hoa hậu đâu?
Thi hoa hậu đây là thi làm đàn bà đó, và tôi ngồi ở đó vì tôi là một khán giả chuyên nghiệp. Thực sự lần gần đây nhất tôi tham gia vì phần đó là hành trình nhân ái. Chúng ta đang sống trong thời kì loạn từ thiện, nên tôi muốn mượn các cô gái xinh đẹp, mượn hành trình của các em để nói điều mình muốn nói. Phải chăng từ thiện là phương tiện, là nhu cầu tinh thần của người già trong việc dưỡng đạo. Có nhiều ý kiến cho rằng có biết bao nhiêu người già chết đói ngoài đường, sao phải đi vô viện dưỡng lão của nghệ sĩ, có phải cứ nghệ sĩ là được ưu ái? Câu trả lời của tôi là một xã hội không biết trân trọng nghệ thuật và người làm nghệ thuật là một xã hội vô ơn.

Tôi đã cho mình thời gian để bình tĩnh hơn, học cách thỏa hiệp

Có nhiều người nói rằng những lời nói cầu toàn, khó tính và đôi khi “chặt chém” của chị khiến cho những thông điệp hay nhận xét khó đi vào lòng người?
Họ nói đúng. Tôi cũng chả khác gì với công chúng, tôi bị thỏa mãn nhu cầu cá nhân – nhu cầu phát ngôn. Lúc đó, tôi chưa học cách trở thành một người xây dựng và đóng góp, lúc đó tôi là “người hủy diệt”. Sau khi thỏa mãn được nhu cầu đó, tôi phát triển hơn và nghĩ rằng: “À mình sai rồi, phải gói ghém làm sao viên thuốc khi uống không đắng, nhưng khi vào ruột nó thấm hơn”. Tôi đã cho mình thời gian để bình tĩnh hơn, học cách thỏa hiệp.
Tại vì cái tuổi trẻ to mồm, luôn nói chuyện như muốn nhảy xổ ra khỏi bộ da của mình, để rồi tôi bị đặt vào vai “ác” trong xã hội. Từ một người dám nói, giờ tôi bị đặt vào thế người làm cách mạng, chứ tôi đâu có muốn. May mắn rằng chúng ta đang ở bước đầu tiên của nền văn minh tranh luận. Và chúng ta sẽ đi đến bước thanh lọc, khước từ những tranh luận không có văn hóa.
Sắp tới, chị còn sẽ đem đến bất ngờ nào khác cho khán giả, chẳng hạn như nữ diễn viên Trác Thúy Miêu?
Tôi không có hoạch định. Tôi vẫn đang có ba đầu sách trong tay nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Nhắc đến chuyện diễn xuất, tôi cảm thấy con đường mình đi đang đẫn đến đó, dù tôi luôn bắt mình phủ nhận chuyện này. Tôi luôn bắt đầu cái gì đó ở một độ tuổi không phù hợp. Nên tôi cũng cảm thấy làm diễn viên ở tuổi 41, 42 cũng không phù hợp lắm. Đối với tôi, ngôn ngữ sân khấu vẫn là diễn xuất. Và tôi bị bất ngờ vì câu hỏi này, tôi không sinh ra để làm nghề diễn, tôi không phải là con ruột của Tổ nghề, tôi là đứa con ghẻ đứng bên chiếu phụng sự con cái của ông Tổ nghề, tôi vẫn luôn đứng kế bên chỉ làm dấu thánh giá chứ không thắp nhang. Bữa nào tôi lăng xăng thắp nhang Tổ là thể nào cũng té. Tôi chỉ là âm thầm nuôi mạch ngầm của sân khấu kịch nghệ miền Nam, để một lần nữa trong đời được đi vô nhà hát, thấy cái đèn nhung, được nghe giọng bán vé trên loa…
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện!


Đôi nét về Trác Thúy Miêu
Trác Thúy Miêu tên thật là Vũ Hoài Phương, cây bút sắc sảo hàng đầu chuyên viết về mảng thời trang tại Việt Nam. Chị từng là vận động viên dancesport thế hệ đầu của Việt Nam tham dự kỳ SEA Games 23. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia thiết kế thời trang, làm MC và giám khảo cho rất nhiều chương trình truyền hình.
Tự rời ghế nhà trường khá sớm nhưng với mỗi lĩnh vực tham gia, chị đều gặt hái không ít quả ngọt. Chị đem tới một cách dẫn dắt đầy cảm xúc lên truyền hình với chương trình “Solo cùng Bolero”. Chị tạo ra không ít sự tranh luận mỗi khi dám thẳng thắn phê bình một phần thi, một hiện tượng hay một ngôi sao.
Sinh vào tháng 9/1975, bốn tháng sau ngày giải phóng miền Nam, thế nhưng Trác Thúy Miêu lại chìm đắm trong phong thái hoài niệm Sài Gòn xưa. Ở chị toát lên hình ảnh điệu đà của người phụ nữ những năm 1980.