Từng là một đầu bếp tài năng trước khi được bổ nhiệm vào vị trí tổng quản lý vào năm 51 tuổi, Frank Bochmann đã ghi dấu ấn nổi bật trong vai trò “vị thuyền trưởng” của Sheraton Grand Đà Nẵng, khu nghỉ dưỡng lý tưởng được kiến tạo dựa trên mối liên kết chặt chẽ với di sản văn hóa truyền thống, đặc biệt là trong quá trình xây dựng khách sạn đầy thử thách để phục vụ sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Được biết ông đã gắn bó với Sheraton Grand Đà Nẵng từ những bước đầu tiên trong quá trình xây dựng đầy thử thách. Ông có thể chia sẻ về những thách thức đó?
Đây là một dự án đặc biệt với yêu cầu hoàn thiện tất cả mọi khâu chỉ trong vòng 14 tháng! Chúng tôi có trọng trách biến một bãi đất trống trở thành tòa nhà hội nghị cao 2 tầng trên tổng diện tích 3.300 m2 với phòng họp rộng 1.267 m2 để phục vụ sự kiện Quốc yến cho 21 lãnh đạo cấp cao toàn cầu và hơn 600 đại biểu tham dự sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Lúc đầu, tôi không nghĩ có thể hoàn thành dự án này theo đúng kế hoạch.
Chúng tôi đã phải thay đổi giám đốc điều hành vài lần. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, đã hứa với Chủ tịch nước lúc ấy là bằng mọi giá Sheraton Grand Đà Nẵng phải được hoàn thiện để kịp phục vụ APEC. Khi tôi đến đây vào tháng 9.2016, Đà Nẵng đang bước vào mùa mưa bão nhưng mọi thứ mới chỉ đang ở giai đoạn khởi công, trong khi đến tháng 11.2017, tất cả phải sẵn sàng cho APEC. Chúng tôi chỉ có 14 tháng, trong khi những dự án tương tự khác ở Việt Nam thường mất từ 4-6 năm.
Tuy nhiên, bà Nga đã truyền cho chúng tôi rất nhiều năng lượng. Tuần nào bà cũng tới công trường giám sát, động viên, tạo điều kiện tối đa để chúng tôi hoàn thiện. Bà đưa ra mức tiến độ kỷ lục, theo đó, kế hoạch thực hiện trong 3 tháng phải được hoàn thành trong 1 tháng. 5000 công nhân làm việc liên tục trong 3 tháng để tạo nên nền móng cho khu nghỉ dưỡng, cùng với đội ngũ chuyên gia và hệ thống máy móc từ Mỹ, châu Âu, Singapore, Trung Quốc.
Tại sao ông lại lựa chọn Sheraton Grand Đà Nẵng trong khi tình hình thực tế khi ấy rất khó khăn, thách thức?
Khi ấy, quả thực tôi không định chọn dự án này, mà tập đoàn đã chọn tôi, vì họ nghĩ rằng tôi có kinh nghiệm vận hành nhiều khách sạn nên sẽ có khả năng điều hành tốt. Về phần mình, tôi luôn làm việc theo tiêu chí: “Đừng từ bỏ, hãy theo đuổi đam mê”, và không ngại gian khó. Chúng tôi phải chịu áp lực cực kỳ lớn: đón tiếp 21 nhà lãnh đạo lớn trên toàn cầu như Donald Trump, Vladimir Putin, Shinzo Abe… Vì vậy, mọi dịch vụ mà chúng tôi mang đến cho APEC phải hoàn hảo và đây là danh dự không chỉ của Marriott, mà còn của cả Việt Nam nói chung.
Không những hoàn thiện trung tâm hội nghị, chúng tôi còn phải chuẩn bị nơi ở cho Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại đây trong thời gian diễn ra APEC. Và ngoài áp lực về tiến độ xây dựng, chúng tôi còn chịu sức ép lớn từ việc lên thực đơn cho Quốc yến. Chúng tôi phải nhiều lần bay ra Hà Nội gặp gỡ với từng phái đoàn của các nước để giới thiệu, chọn lựa thực đơn phù hợp với mỗi vị lãnh đạo.
Sau thành công rực rỡ với APEC, Sheraton Grand Đà Nẵng đã làm gì để giữ gìn danh hiệu của một điểm đến dành cho các sự kiện lớn?
Chúng tôi đóng cửa 2 tháng để nâng cấp và chính thức khai trương vào 25.1.2018. Xác định là một khu nghỉ dưỡng chuyên về MICE, Sheraton Grand Đà Nẵng đã đón tiếp nhiều đoàn khách quy mô tới 400 người từ Úc, Nhật, Hàn… Trong năm đầu tiên sau APEC, chúng tôi hoạt động khá hiệu quả dù chỉ mới mở cửa được 19 tháng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức tiệc cho 3-4 đám cưới quy mô lớn của các thượng khách Ấn Độ.

Ngoài thế mạnh MICE, ông sẽ giới thiệu những nét nổi bật gì của Sheraton Grand Đà Nẵng với thế giới?
Hiện tại, bên cạnh MICE, chúng tôi thu hút khách bằng bãi biển, sân golf và các dịch vụ giải trí hoàn hảo. Việt Nam vẫn chưa phải là điểm đến xa hoa được thế giới chú ý, chúng ta chỉ mới khai thác được một phần rất nhỏ thị trường châu Âu. Thực tế cho thấy, du khách Nhật hay Hàn đang rất quan tâm đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Thế giới có thể có nhiều khu nghỉ dưỡng biển kết hợp sân golf, nhưng một khu nghỉ dưỡng 5 sao với bãi biển đẹp, cách các sân golf quốc tế chỉ 5 phút lái xe cùng các di sản lịch sử-văn hóa thế giới như Sheraton Grand Đà Nẵng thì đó là niềm tự hào lớn lao.
Việt Nam không phải là điểm đến lý tưởng để mua sắm hàng miễn thuế hay tận hưởng lợi thế công nghệ cao, mà là nơi dừng chân của lớp du khách tinh tế muốn khám phá lịch sử, văn hóa của những vùng đất như Huế, Hội An… Bảo tồn di sản, quảng bá rộng rãi nền văn hóa đa dạng 54 dân tộc anh em trong khi không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đó mới là cách đúng đắn để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển. Tại Sheraton Grand Đà Nẵng, chúng tôi đang nỗ lực truyền tải vẻ đẹp văn hóa nghệ thuật truyền thống bản địa và tổ chức các chuyến tham quan khám phá Huế, Hội An, Mỹ Sơn….
Tôi rất bất ngờ khi biết ông từng là đầu bếp. Cơ duyên nào khiến ông trở thành một tổng quản lý khách sạn?
Tôi theo nghề bếp từ năm 16 tuổi nhờ bà tôi, một đầu bếp khách sạn cừ khôi, cùng một vị đầu bếp trên tàu du lịch hạng sang, người đã truyền cho tôi cảm hứng nấu nướng và du ngoạn. Qua thời gian dài phụ trách bộ phận F&B, tôi được bổ nhiệm vào vị trí tổng quản lý vào năm 51 tuổi. Tổng cộng tôi sắp trải qua 50 năm làm việc trong ngành dịch vụ, và 22 năm với tập đoàn Starwood.
Tôi còn nhớ mãi, sau thời gian đảm nhiệm vị trí đầu bếp với Sheraton, một ngày đẹp trời, vị quản lý vùng bảo tôi: “Frank, anh có quá nhiều kinh nghiệm, tôi muốn anh rời khỏi gian bếp để dấn thân vào lĩnh vực quản lý”. Có hai vị trí luôn khó kiếm trong ngành khách sạn là tổng quản lý và bếp trưởng. Trong vòng một năm, tôi phải theo học các khóa quản lý, marketing & bán hàng, F&B…, và sau đó, tôi trở thành tổng quản lý tới bây giờ. Tuy nhiên, niềm đam mê với nghề đầu bếp vẫn cháy âm ỉ trong tôi. Ở nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn vào bếp nấu cho vợ con thưởng thức.
Ông yêu thích những món Việt nào?
Nem rán, mì Quảng, hải sản… Ẩm thực của các bạn rất tuyệt vời, các đầu bếp trẻ người Việt ở Đà Nẵng khá giỏi, tuy nhiên, họ cần trau dồi và nâng cấp tay nghề để trở thành những bậc thầy đích thực, tôn vinh truyền thống ẩm thực bản địa.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!