Đặng Việt Dũng, người chèo lái con thuyền Uber Việt Nam, đang nỗ lực góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội, trong môi trường sống từ những hành vi cá nhân. Anh đã chia sẻ với Robb Report Việt Nam về công việc và những ngã rẽ thú vị trong cuộc đời mình.

Tại sao anh quyết định từ bỏ tấm bằng thạc sỹ Harvard để làm việc cho Uber?
Quan sát chặng đường sự nghiệp khá ổn định của tôi trước đây, một người bạn từng khuyên rằng «Rủi ro lớn nhất chính là việc không làm việc gì có tính rủi ro». Cơ hội được làm một công việc có sức ảnh hưởng lớn tại một start-up kỳ lân (unicorn) như Uber không đến nhiều trong đời. Sự nghiệp còn dài, mình còn rất trẻ, nếu thất bại sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu và có nhiều câu chuyện hay để kể cho bạn bè, cho con cáu về sau. Và Harvard cho phép tôi quay lại học tiếp trong vòng 5 năm. Vậy tại sao không nhỉ?

Anh được Uber tìm đến hay ngược lại? Anh có thể chia sẻ về trải nghiệm tuyển dụng từ Uber của riêng anh?
Qua bạn học là Anh Đức – người thực tập và triển khai thử nghiệm Uber tại TP.HCM, tôi được gặp gỡ nói chuyện với anh Mike Brown, Tổng Giám Đốc Uber Châu Á Thái Bình Dương. Cả hai khá hợp quan điểm về quản trị, chiến lược và vận hành thị trường. Sau khi gặp Mike, trong khoảng 10 ngày, tôi làm 3 bài kiểm tra và thuyết trình về phân tích vận hành, marketing và chiến lược thị trường cùng 5 cuộc phỏng vấn. Nghe có vẻ căng thẳng đúng không? Tôi thì thấy khá hứng thú vì càng vào sâu mình càng hiểu hơn về công việc, bí quyết giúp Uber thay đổi thị trường vận tải trên toàn thế giới, và những con người làm nên điều kỳ diệu đó.

Tại sao anh không thành lập một công ty riêng mang thương hiệu Việt cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế, mà lại chấp nhận làm cho Uber?
Tôi muốn chứ, và chắc chắn trong tương lai sẽ thực hiện. Bây giờ chưa phải là thời điểm tối ưu. Tôi cảm thấy còn quá nhiều kiến thức, kinh nghiệm mình cần trau dồi và học hỏi. Điều thú vị là ở Uber không ai thực sự dạy bạn, bạn sẽ phải luôn «xông pha», phải «xắn tay áo lên» vừa làm vừa học – không có cách học nào nhanh hơn vậy. Thứ hai, tôi mong muốn sớm mang lại những thay đổi tích cực cho đất nước – mục tiêu này quan trọng đối với bản thân tôi. Đứng giữa việc xây dựng Uber lớn mạnh để thổi làn gió mới vào ngành giao thông vận tải và công nghệ nước nhà, và việc thành lập một công ty riêng nhưng tác động có thể không lớn, vào thời điểm này, tôi chọn đáp án đầu.

Nếu tôi nói rằng những gì Uber cố gắng đóng góp cho xã hội chỉ là một cách để PR/Marketing cho công ty này, và vì cũng không có bằng chứng hay số liệu cụ thể nào nên những lập luận đó đều chỉ là giả thuyết, anh sẽ phản biện như thế nào?
Đồng hành cùng nhau, Uber, các tài xế và hành khách tại Việt Nam đã thực hiện hơn 8 triệu chuyến đi, tương đương với quãng đường đi về 100 lần từ trái đất đến mặt trăng. Những chuyến đi đã tiết kiệm cho người tiêu dùng hơn 120 tỷ đồng so với các phương thức di chuyển tương tự. Hơn 15.000 đối tác đã có cơ hội kinh tế trên nền tảng Uber, tương đương với cơ hội việc làm tại 30 nhà máy. Nhờ công nghệ, hiệu năng sử dụng xe của các đối tác Uber cao gấp 3,1 lần xe thương mại và 11 lần so với xe cá nhân, qua đó nâng cao năng suất hoạt động vận tải và giảm tải nhu cầu lưu thông của xe cá nhân. Chương trình UberSAFE hợp tác cùng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã giúp hơn 300.000 người dân nhận thức tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông và đưa hơn 10.000 lượt khách nhậu say về nhà an toàn.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ Việt Nam đang đi theo xu thế phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Anh có lời khuyên gì cho họ?
Tôi không phải dân công nghệ gạo cội nên chỉ dám chia sẻ góc nhìn của mình về chiến lược và quản trị. Hãy tạo ra một sản phẩm giải quyết triệt để một vấn đề tồn tại thay vì đáp ứng một nhu cầu chưa rõ ràng của thị trường. Nghĩa là giúp thị trường «đỡ đau» sẽ khả dụng hơn là làm thị trường «sướng». Để thành công, phải khác biệt, và khác biệt gấp 10 lần. Hãy tạo ra đặc tính mà đối thủ không thể sao chép, qua đó sản phẩm sẽ giữ thế độc quyền trên thị trường và chỉ có như vậy, công ty mới có lợi thế bền vững. Không phải vấn đề nào trên đời cũng có thể giải quyết bằng một ứng dụng di động, hãy hiểu mảng vận hành (operations).

Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện này!