Tommy Nutter sẽ luôn được biết đến như chú ong sặc sỡ ở nơi bảo thủ ngột ngạt tại Savile Row. Được đào tạo để trở thành thợ may truyền thống, chàng trai trẻ đầy sáng tạo Nutter không hài lòng với hiện trạng của Savile Row nên đã tự mình giải quyết vấn đề theo cách riêng. Ông gây ấn tượng mạnh mẽ với kiểu trang phục táo bạo mang dấu ấn đặc biệt – thiết kế vai rộng, ve áo phóng khoáng, những kiểu hoa văn và nền vải táo bạo.
Nutter nhanh chóng trở thành “người tình” của những ngôi sao nổi tiếng và giới nghệ sĩ rock “n” roll như The Rolling Stones, Bianca Jagger, Elton John, Eric Clapton, The Beatles, Vidal Sassoon, Twiggy, David Hockney, và nhiều ngôi sao khác. Tầm ảnh hưởng của ông vẫn hiện hữu đến ngày nay, qua những nhân viên tập sự đã làm việc cho ông (John Galliano), và những nhà thiết kế trẻ hiện nay (E. Tautz) – người đang tái hiện phong cách may đo của ông. Tommy Nutter mãi mãi để lại một dấu ấn đặc biệt trong lòng Savile Row, và tạo nên một khoảnh khắc vàng trong lịch sử dành cho phong cách thời trang phóng khoáng.

Tommy Nutter tựa chú ong sặc sỡ giữa lòng Savile Row cổ điển

Những nhà thiết kế như Tom Ford (người ưa thích những chiếc ve áo cứng cáp và những kiểu cà vạt, khăn quàng cổ chắc chắn) từng cho rằng Tommy Nutter có sức ảnh hưởng lớn. Tommy Nutter cũng được biết đến với việc phụ trách cắt may trang phục cho các ngôi sao nhạc rock thời đó. Năm 1971, Mick và Bianca Jagger đã kết hôn trong những bộ trang phục và những bộ vest được cắt may chuẩn xác của Tommy Nutter. Thời điểm đó, ban nhạc The Stones đang sống lưu vong ở miền nam nước Pháp, và vừa mới dựng trại tại Cote d’Azur để thu âm album mang tên Exile on Main Street khi Mick công bố rằng ông sẽ kết hôn vào tuần tới. Sự việc này khiến cả ban nhạc không vui, đặc biệt là Keith Richards.
Tommy Nutter cũng thiết kế trang phục cho ba trong số bốn thành viên của nhóm The Beatles để xuất hiện trong ảnh bìa của album Abbey Road. Đúng với bản chất phóng khoáng, bất tuân luật lệ của mình, George Harrison đã chọn trang phục denim. Năm 1969, Tommy Nutter mở tiệm may cùng với bậc thầy cắt may Edward Sexton dưới sự hỗ trợ về mặt tài chính của ca sĩ nhạc pop người Anh Cilla Black và Peter Brown, quản lý của nhóm The Beatles.

“Dù việc cắt may khá khác biệt với thời trang, Tommy Nutter vẫn có thể thay đổi cách ăn mặc của nam giới”, Dennis Nothdruft, người đồng tổ chức show “Tommy Nutter: Kẻ nổi loạn ở Row” tại Bảo tàng Thời trang và Dệt may tại Luân Đôn cùng với thợ may Timothy Everest – người từng được Nutter đào tạo, cho biết. “Và ông ấy đã thay đổi cách nhìn của mọi người về Savile Row. Trước khi Nutter đến thì nơi đây là một thế giới đắt đỏ và bảo thủ. Thậm chí, họ còn không có các cửa hàng trưng bày sản phẩm. Dù vậy, số dân còn lại ở đây vẫn nhìn ông như một lão nhà giàu mới phất, người có một cửa tiệm nằm không đúng vị trí”.