Moers đã đóng góp cho sự lớn mạnh của Mercedes bằng mức tăng doanh số ấn tượng – gấp bốn lần. Tình huống mà Moers thừa hưởng ở Aston có thể sẽ khác.

Nhậm chức Tân Giám đốc điều hành của Aston Martin vào tháng Tám năm nay, Moers từng là người hùng tại AMG trực thuộc Mercedes Benz – nơi ông đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp cho công việc và đảm nhận vị trí CEO vào năm 2013. Là một kỹ sư được đào tạo bài bản và một tay mê xe hơi, Moers đã đóng góp cho sự lớn mạnh của Mercedes bằng mức tăng doanh số gấp bốn lần ấn tượng. Tình huống mà Moers thừa hưởng ở Aston có thể sẽ khác.

Kế hoạch “Thế kỷ thứ 2” của Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm Andy Palmer được công bố vào năm 2015 dự định sẽ mang lại cho Aston quy mô và sự ổn định, điều mà thương hiệu chưa từng có được. Không ít người nghi ngờ về khả năng chế tạo những chiếc SUV của Aston Martin khi cả Ferrari và Rolls-Royce cũng đang làm việc đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại nghi ngờ về tốc độ tăng trưởng của cả doanh số lẫn các dòng xe mà Palmer và các chủ sở hữu của Aston muốn thực hiện. Mùa hè năm ngoái là thời điểm cho thấy sự thất bại của kế hoạch này. Giá cổ phiếu của Aston – từng lên đỉnh kể từ thời điểm IPO gây tranh cãi vào năm 2018 – đã giảm 26% trong một ngày tháng 7 năm ngoái khi lợi nhuận quý II giảm mạnh do doanh số từ dòng xe thể thao DB11 và Vantage của thương hiệu gần như bằng không.

Và sau đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã xảy ra vào đúng thời điểm tồi tệ nhất. Aston đã xây dựng nhà máy mới ở xứ Wales, tuyển dụng nhân sự cho một kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của mình: chế tạo dòng SUV DBX. Cú sốc này có thể đã hạ gục Aston nếu trước đó tỷ phú thời trang người Canada Lawrence Stroll không rót 238 triệu USD đầu tư. Và chính điều này đã mang lại cho Stroll vị trí Chủ tịch điều hành cùng khoản cổ phiếu tương đương tỷ lệ 16,7% với quyền chọn tăng cổ phần lên 20%.

Moers phải tái khởi động quy trình sản xuất tại nhà máy Gaydon hiện hữu của Aston và khởi động nhà máy mới ở Wales, đồng thời phải xóa nhòa khoảng cách với mô hình kinh doanh của Ferrari – thương hiệu luôn chế tạo lượng siêu xe thấp hơn nhu cầu của thị trường để giữ giá. Chỉ lúc đó, Moers mới có thể tập trung vào việc sản xuất xe. Cả DB11 và Vantage sẽ cần phải được chỉnh sửa, trong khi Valhalla và Vanquish đang chờ đợi xuất xưởng vào năm 2022 và 2023. Dù Moers rất mê xe điện hiệu suất cao, nhưng kế hoạch của Aston cho nhãn xe điện Lagonda đã bị hoãn lại cho đến ít nhất là 2025 và có thể sẽ không xảy ra.

Xét về doanh thu năm 2019 của các nhà sản xuất xe sang, thị phần của Aston Martin chiếm tỷ trọng không đáng kể so với các đối thủ.

Thật khó để thấy lý do tại sao Moers có nguy cơ làm mờ nhạt sự nghiệp cả đời tại Mercedes với khả năng thất bại hiển hiện trong cộng đồng các nhà sản xuất xe sang ở Anh. Nhưng một số người thì nghi ngờ khi thấy Aston đã sử dụng động cơ V-8 Twin-turbo M177 tuyệt vời của Mercedes kể từ khi chế tạo DB11 2018 và cũng vay mượn các hệ thống điện tử thương hiệu sao ba cánh. Daimler, công ty mẹ của Mercedes, sở hữu 5% cổ phần của Aston và Toto Wolff, người phụ trách đội đua F1 của Mercedes, nắm giữ cổ phần cá nhân tại Aston chỉ vài tuần trước khi Moers chấp nhận công việc mới. Thay vì duy trì sự im lặng tổn thương như thường lệ khi để mất một tài năng ngôi sao, Ola Källenius – Giám đốc điều hành của Daimler – lại công khai ca ngợi việc bổ nhiệm Moers của Aston.

Có vẻ như cả hai thương hiệu đang xích lại gần nhau hơn. Chia sẻ với Robb Report, một chuyên gia trong ngành đã suy đoán rằng rủi ro của Moers khi đầu quân cho Aston có thể được giảm bớt bởi niềm tin rằng chủ cũ của ông sẽ không dại gì mà khiến mọi việc tệ hại hơn bằng cách tăng mức cổ phần hoặc thậm chí mua lại cổ phần từ các cổ đông khác. Bentley và Rolls-Royce đã phát triển thịnh vượng dưới quyền sở hữu của người Đức. Aston Martin cũng vậy, và Moers ở độ tuổi 54 có thể nghỉ hưu với tư cách là nhân vật cuối cùng mang lại sự ổn định cho Aston Martin.

(Nội dung trong ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Chín mang chủ đề “Elegance & Sophistication”)