Chiến thắng tại Route du Rhum trong lần gần đây nhất và nắm giữ kỷ lục kỷ lục vòng quanh thế giới với Cúp Jules Verne, song tay đua thuyền người Pháp Francis Joyon dường như vẫn chưa thỏa mãn với những gì bản thân đạt được. Ông đã quyết định dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới từ cuối tháng 10 trên chiếc maxi-trimaran Idec Sport và vừa hoàn thành chặng 2 trong Hành trình đến Châu Á để đặt chân đến Việt Nam vào ngày 4.12 vừa qua.

Sau khi phá kỷ lục của chính mình được thiết lập mười năm trước trên Tuyến Mauritius – tuyến hàng hải qua Ấn Độ Dương giữa Port-Louis ở Brittany và thủ đô Port-Louis ở Mauritius với chiều dài 10.300 dặm, trong thời gian 19 ngày, 18 giờ, 14 phút và 45 giây – nhanh hơn 6 ngày và 10 giờ so với thời gian của mười năm trước, Francis Joyon cùng với Thuyền trưởng Bertrand Delesne & các thủy thủ Christophe Houdet, Antoine Blouet trong đó có cậu con trai Corentin, đã rời Mauritius vào ngày 21.11 để tiếp tục thiết lập kỷ lục mới cho tuyến đường từ Mauritius đến TP. HCM, đi ngang qua Ấn Độ Dương và Biển Đông.

Cuối cùng, sau 12 ngày, 20 giờ, 37 phút và 56 giây phiêu lưu trên đại dương với nhiều thử thách, Idec Sport đã thả neo tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 4.12 với chiều dài quãng đường theo lý thuyết dài chỉ khoảng 4000 dặm (gần 6,438 km), nhưng trên thực tế do ảnh hưởng của thời tiết, Francis và đồng đội của mình đã lái thuyền 5400 dặm (gần 8,691 km) từ Ấn Độ Dương đến Biển Đông.

Trên hành trình của mình, Francis không chỉ là người phá vỡ kỷ lục đua thuyền và trở thành nhà thám hiểm đại dương khi phát hiện ra những vùng biển hiếm được thăm dò bởi những chiếc thuyền đua hiện đại. Ngoài ra, việc chạy đua với thời gian bằng tốc độ cao, băng qua những vùng sóng lớn của Nam Đại Dương, các vùng biển động khó nhằn giữa Biển Đông và Java, chịu đựng cái lạnh gay gắt của Nam Cực và sức nóng khủng khiếp của Indonesia chỉ là một vài thử thách trong chuyến phiêu lưu lớn này.

Chẳng hạn khi đang rẽ sóng dọc bờ biển Sumatra, với dòng chảy mạnh mẽ kết hợp với sự tĩnh lặng không gió, chiếc thuyền buồm di chuyển với tốc độ rất chậm, theo chia sẻ của Francis là “Trong suốt ba ngày liên tục, chúng tôi đã cố gắng chiến đấu hết mình để tránh bị trôi ngược trở lại”. Dù rất nỗ lực song họ chỉ di chuyển được 550 dặm (885 km) trong ba ngày, một con số không là gì so với khả năng thật sự của chiếc IDEC.

Khi tiếp cận Quần đảo Natuna và vùng Tây Bắc của Borneo, bầu trời sương mù Indonesia chuyển sang màu xanh với những cơn mưa rào và gió mạnh, đặc biệt là thử thách bất ngờ xảy ra với cơn gió lên tới gần ba mươi hải lý. Trước sức mạnh đó, tất cả mọi thành viên trên tàu đều phải tập trung vào bảo trì thiết bị cho hành trình dài. Thuyền trưởng Bertrand Delesne nhấn mạnh: “Idec Sport được ra mắt từ năm 2006, chúng tôi không thích nhìn thấy chiếc thuyền này bị tàn phá”.

500 dặm (805 km) cuối cùng ở vùng Biển Đông tiếp tục là một con đường đầy gian truân cho chiếc thuyền ba thân: Những ngọn sóng cao hơn 3,7m làm chiếc thuyền chông chênh theo mọi hướng và Francis đã xoay chuyển chiếc thuyền lại để giảm cơn sốc sóng gió và để bảo vệ con thuyền của mình. Đoạn cuối cùng ở Bán đảo Indonesia, khi bầu không gian chỉ chớm sáng nhẹ và ẩn chứa những điều bất ngờ, Francis đã quyết định đợi cho đến khi mặt trời mọc rồi mới hướng mũi tàu vào giữa vùng biển có nhiều tàu thuyền về phía Vũng Tàu, thương cảng lớn ở phía nam trước khi đặt chân đến TP. HCM, kết thúc chặng 2 của cuộc hành trình.

Với tổng khoảng cách của một hành trình Châu Á là hơn 28.000 dặm, tương đương với một chuyến đi thuyền vòng quanh thế giới, Francis dự định sẽ hoàn tất chuyến phiêu lưu này với tốc độ cao để trở về châu Âu và cập bến tại Luân Đôn vào tháng 3.2020. Sau khi dừng chân tại Việt Nam, Francis Joyon đã tiếp tục dong buồm đến Thâm Quyến (Trung Quốc), trước khi đi vào tuyến hàng hải huyền thoại – tuyến Clipper nổi tiếng kết nối Hồng Kông và Luân Đôn.