Cách tốt nhất để thưởng ngoạn Thung lũng Mô-tô ở nước Ý là trên một chiếc xe roadster cổ.

Bất cứ lúc nào, chúng tôi đều có thể nổ máy và nhẹ nhàng lăn bánh rời khuôn viên của lâu đài Castello di Vigoleno tọa lạc tại phía Bắc nước Ý để bắt đầu hành trình đến Modena. Nhưng trước hết, hãy lắng nghe một vài lời khuyên từ chính những người dân địa phương: Đừng quên là những chiếc xe mà chúng ta sắp sửa lái – 1962 Alfa Romeo Giulietta Roadster và 1972 Fiat 124 Spider – là những chiếc xế cổ, hãy luôn tăng tốc độ vòng tua để tránh bị tròng trành, và chú ý những chiếc xe tải và máy kéo chở nông phẩm chạy ra từ những con đường làng. Ngoài ra thì “Không cần để ý đến giới hạn tốc độ – anh có thể chạy 30km/giờ vượt tốc độ cho phép mà không bị phạt”, Luigi Orlandini đến từ Canossa Events, đơn vị cung cấp phương tiện cho chuyến đi, chia sẻ khi trao cho tôi chìa khóa của chiếc Fiat. “Đây là nước Ý cơ mà.”

Bảo tàng Il Commendatore vinh danh Quý ngài Ferrari

Chính xác hơn, đây là Emilia-Romagna, vùng đồng quê trải dài 36.130 km2 về phía bắc sông Po và phía nam dãy núi Apennine, còn được biết đến với tên gọi Thung lũng Mô-tô (Motor Valley). Tuy không thu hút lượng khách du lịch lớn như Rome, Tuscany, hay Venice, nhưng Emilia-Romagna lại mang sức hút riêng khó cưỡng đối với các tín đồ xe hơi độc, giá cao. Suy cho cùng, đây chính là quê hương của huyền thoại mô-tô Enzo Ferrari và là nơi sản sinh ra những chiếc Ferrari, Lamborghini, Maserati, hay siêu xe trị giá vài triệu đô-la của Pagani. Không những thế, một loạt bảo tàng xe hơi cũng tụ họp tại đây, trong đó có Bảo tàng Ducati và Bảo tàng Mô-tô Quốc gia (National Motorcycle Museum). Và rất xứng danh Il Commendatore (tức Người chỉ huy) – tên gọi dành cho Quý ngài Ferrari, nơi đây không chỉ có một mà đến hai bảo tàng vinh danh người đàn ông vĩ đại này cũng như những cỗ máy phi thường do ông chế tạo; bảo tàng thứ nhất tại Maranello trưng bày 40 mẫu xe Ferrari khác nhau, còn bảo tàng thứ hai, với tên gọi Museo Enzo Ferrari tại Modena, tập trung vào cuộc đời ông.
“Từ thời chiến xa rong ruổi thành Rome đến nay, Emilia-Romagna luôn là nơi cho ra đời những cỗ máy bậc nhất thế giới”, Marco Montemaggi, hướng dẫn viên của chúng tôi, tự hào chia sẻ. “Và những cuộc đua xe hào hứng nhất thế giới đều diễn ra trên làn đường của chúng tôi.”
Mille Migla (1000 dặm) là cuộc đua đường trường nổi tiếng nhất nước Ý. Được khai sinh vào năm 1927, cuộc đua về sau đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim kinh điển Amarcord (1973) của đạo diễn Federico Fellini. Ban đầu, độ hứng khởi của cuộc đua đến từ người xem, ước tính khoảng 5 triệu người đã tỏa ra khắp các ngả đường để quan sát rõ hơn những chiếc xe đua khi chúng chạy qua. Các tay đua học cách duy trì tốc độ mà không thả ga, khiến người xem phải nhanh chân tránh đường. Chính vì vậy mà tai nạn chết người thường xuyên xảy ra, dẫn đến việc cuộc đua bị đình chỉ vào năm 1957. Phải đến 20 năm sau, Mille Migla mới tái xuất như một sự kiện dành riêng cho những chiếc xe cổ sản xuất trước năm 1957 với sự tham gia của các ngôi sao tốc độ như Stirling Moss, Phil Hill, và Jay Leno.

Chúng tôi sẽ trải nghiệm một phần lộ trình của Mille Miglia, băng qua Parma, Reggio Emillia, Modena, và Rimini. Chiếc Alfa và Fiat chỉ là hai trong vô số cỗ xe của Canossa, công ty sở hữu khoảng 30 chiếc xe cổ của các thương hiệu như Jaguar, Porsche, Ferrari, hay Triumph. Ngoài việc cung cấp phương tiện cho các cuộc đua như Terre di Canossa – hành trình dài 600km băng qua Emilia-Romagna, Liguria, và Tuscany, công ty còn cung cấp dịch vụ thuê xe cho khách tư nhân muốn thưởng ngoạn nước Ý kỳ vĩ (Gran Turismo Italiano) như chúng tôi.
Kế hoạch của chúng tôi là chạy xe ở tốc độ vừa phải để thưởng ngoạn khung cảnh và ghé thăm những địa điểm danh tiếng làm ra giăm bông Prosciutto, phô mai Parmesan, giấm Balsamic, và rượu vang. Đương nhiên, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu về niềm đam mê xe cộ của nước Ý. Ba năm trước, tôi dành một tuần ngồi sau tay lái chiếc Lamborghini Gallardo Spyder mới toanh ở Tuscany. Cảnh tượng “chiến mã” trị giá 200.000 đô-la chỉ chạy với tốc độ vừa phải dường như là một sự sỉ nhục đến niềm tự hào dân tộc của người Ý. “Piu veloce! Piu veloce!” (Chạy nhanh lên! Nhanh nữa lên!) – một vài tài xế la lên khi họ dừng xe ngay cạnh tôi. Tuy nhiên lần này, có lẽ do đoán rằng tôi đã đạt đến tốc độ tối đa mà chiếc xe cho phép nên người dân vẫy tay còn đám trẻ thì reo hò khi thấy chúng tôi chạy qua.
Chiếc Fiat Spider đỏ rực của tôi vẫn trong tình trạng tốt như mới. Cảm giác lái một cỗ máy với cần chuyển số short-throw, hộp số 5 cấp và công suất 128 mã lực quanh khuôn viên tòa lâu đài làm tôi nhớ lại những ngày đầu phát hiện ra niềm hứng khởi mà hộp số ly hợp kép mang lại trên những con đường khúc khuỷu ở vùng ngoại ô Philadelphia. Thời đó, khi chỉ là một nhân viên bán hàng bình thường, tôi đã bị một chiếc Fiat mui trần gần giống như vậy hút hồn, nhưng lại chọn một chiếc coupe vừa phải hơn. Tôi luôn tự hỏi, nếu hồi ấy mình chọn chiếc mui trần thì sao? Những chuyến phiêu lưu nào sẽ đón chờ tôi trên các cung đường? Có lẽ đây là cơ hội để tôi có được câu trả lời.
Đường đến Piacenza và Rivalta uốn cong tạo nên những ngã rẽ thoải mái, rất phù hợp với phong cách thưởng ngoạn trên những chiếc xe roadster bé nhỏ mà chúng tôi sử dụng. Hành trình này không được tính bằng số dặm hay số phút trôi qua, mà bằng trải nghiệm kỳ thú mà chúng tôi bắt gặp trên đường: màu nâu đỏ trên mảnh tường của những ngôi làng nhỏ, mùi hương nông trại trên các cánh đồng, và nụ cười trên môi những cô gái bán hàng khi chúng tôi chạy xe chầm chậm băng qua thôn làng mang phong cách trung cổ.
Với những kẻ sành ăn, Modena gợi nhắc đến những tinh hoa chói lọi của ẩm thực Ý và là nơi sản xuất ra giấm Balsamic, giăm bông Prosciutto, phô mai Parmigiano-Reggiano ngon nhất thế giới. Nhưng với chúng tôi, Modena còn là về những chiếc xe bóng bẩy đầy lôi cuốn do Enzo Ferrari chế tạo. Với màu vàng chanh chủ đạo đại diện cho Modena, Museo Enzo Ferrari do kiến trúc sư người Séc Jan Kaplický thiết kế có mái vòm rộng lớn tựa trên hệ thống cột vững chãi, đồng thời là mái nhà của bộ sưu tập xe Ferrari và Maserati được trưng bày như những cổ vật thiêng liêng. Bảo tàng cũng vinh danh một người con khác của thị trấn, siêu sao opera Luciano Pavarotti – người được sinh ra tại đây vào năm 1935 với hình ảnh đại diện là chiếc siêu xe Ferrari F40 mà ông từng sở hữu, từng khiến người ta không khỏi băn khoăn: “Làm cách nào ông ta nhét vừa thân hình đồ sộ của mình vào trong xe cơ chứ?

Để có cái nhìn rõ hơn về văn hóa Ferrari, chúng tôi lái xe đến nhà máy lắp ráp xe tại Maranello cách đây 18 km. Không khó để nhận ra nhà máy từ xa: Bức tường đối diện bãi đỗ xe được phủ đầy tranh vẽ về các loại xe Ferraris, khiến cho nơi đây mang dáng vẻ của một chiếc đu quay đang xoay vòng. Một khi vào bên trong, điều đầu tiên khiến chúng tôi chú ý là tác phẩm điêu khắc bằng kim loại với nhiều đường uốn cong được treo ngang tầm mắt. Khi chúng tôi tiếp bước, tiếng còi báo vang lên và sàn nhà bắt đầu dịch chuyển, mang theo những chiếc siêu xe còn đang trong giai đoạn “sơ sinh” sang trạm lắp ráp tiếp theo. Như để tạo cảm hứng, sàn nhà máy được trang trí bằng những chiếc Ferrari hoàn chỉnh: ở chỗ này là chiếc 550 Maranello, còn phía kia là chiếc F50, hoặc 575 M. Nếu cảm thấy hơi chán chường, công nhân trong xưởng có thể sải bước đến khu cất giữ bộ sưu tập xe đua Công thức 1 của nhà máy để thư giãn. “Chúng được rao bán sau 2 năm không còn thi đấu. Nhưng chúng tôi yêu cầu chủ nhân của chúng phải cất giữ xe ngay tại Maranello”, hướng dẫn viên của nhà máy giải thích cho chúng tôi hiểu.
Đối với người sở hữu những chiếc xe đua này, cuộc vui bắt đầu khi họ ghé thăm và lấy xe chạy một vòng trên đường đua Maranello. Du khách đến thăm nhà máy nếu không sở hữu một chiếc Ferrari có thể tận tay trải nghiệm sự hưng phấn mà không lo va chạm trên đường qua bộ thiết bị mô phỏng Công thức 1, với giá là 30 đô-la cho một cuộc đua dài 7 phút và có thể tùy chọn đội mũ bảo hiểm hay không.

Phô mai Parmigiano-Reggiano đích thực có vị bùi và thơm vô cùng sắc bén và phức tạp

Đối lập với hình ảnh những tay lái Ý điên loạn mà người ta hay tưởng tượng, giao thông tại các thị trấn và thôn làng mà chúng tôi đi qua trên đường đến Reggio Emilia rất văn minh. Nơi đây, chứ không phải Maranello, là quê hương của loại “bánh xe” được bắt chước nhiều nhất trên thế giới – chúng không được làm từ kim loại và cao su, mà chính là phô mai. “Phô mai của chúng tôi chỉ được làm từ sữa của những chú bò nuôi bằng cỏ tươi, và thứ phụ gia duy nhất được phép sử dụng là muối mà phô mai sẽ hấp thụ trong 20 ngày ngâm dưới bể muối,” Paolo Zoboli, nghệ nhân làm phô mai chia sẻ khi đặt bánh phô mai nặng gần 40 kg lên bàn. “Phô mai Parmigiano-Reggiano đích thực có vị bùi và thơm vô cùng sắc bén và phức tạp, cùng với hương thơm ngào ngạt và cấu trúc hơi sạn. Những phiên bản bắt chước kém cỏi có thể gây nên vị đắng.”
Một số nhà sản xuất phô mai còn cố tình đánh lừa bạn: “Họ sẽ đặt tên cho sản phẩm nghe hao hao như Parmigiano, nhưng cách duy nhất để nhận biết đồ thật là kiểm tra mặt ngoài của bánh phô mai”, ông chia sẻ.

Món giăm-bông tuyệt hảo nhất thế giới

Ai có thể lường trước được cơ chứ? Tính đến thời điểm này, dường như chúng tôi luôn khám phá được nhiều điều mới mẻ trên mọi ngã rẽ của cuộc hành trình. Tại Parma, chúng tôi phát hiện một giống lợn ỉn quý hiếm tưởng như đã tuyệt chủng. Nay được vỗ béo bằng quả sồi, hạt dẻ và nấm truffle, chúng trở thành nguyên liệu chính cho món giăm-bông tuyệt hảo nhất thế giới. Tại Reggio Emilia, chúng tôi hiểu thêm rằng Emilia và Romagna từng là hai vùng đất riêng biệt được hợp nhất vào năm 1946. Ngày nay, theo lời hướng dẫn viên, để biết được bạn đang ở vùng nào, chỉ cần gõ cửa nhà người dân và hỏi xin một ly nước giải khát: nếu người ta đưa bạn nước, đó là Emilia, còn nếu họ đưa rượu vang, đích thị là Romagna.
Tại một ngôi làng trên đồi vùng Brisighella, chúng tôi khám phá một khu kiến trúc thời trung cổ nơi các cư dân từng dùng lừa để lên xuống các bậc thang. Ở Bologna, trung tâm của cả vùng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến trường đại học lâu đời nhất phương Tây, được thành lập năm 1088. Vào thế kỷ 13, thành phố này có đến hơn 180 tòa tháp bằng đá, có cái cao hơn cả 90 mét. Giả thuyết cho rằng chúng được những gia tộc giàu có xây dựng để phòng vệ, nhưng chúng tôi băn khoăn là họ khó nhìn thấy quân thù đến từ xa khi có quá nhiều tòa tháp xung quanh chắn tầm mắt. Tại Rimini, chúng tôi khám phá Via Aemilia, con đường do sứ giả La Mã Marcus Aemilius Lepidus xây dựng vào năm 187 trước công nguyên.

Khách sạn Grand Hotel Rimini với thiết kế vừa hiện đại vừa hoài cổ

Cuộc phiêu lưu của chúng tôi kết thúc tại khách sạn Grand Hotel Rimini, nơi gợi nhớ đến thời kỳ vàng son đã qua với những vị khách nổi tiếng như đạo diễn Federico Fellini. Ngắm nhìn khuôn viên xanh tươi của khách sạn và nhấm nháp ly rượu vang Sangiovese của địa phương, tôi không dễ thoát khỏi cảm giác hối tiếc vì hồi ấy đã không mua chiếc Spider để thực hiện những chuyến đi cho thỏa hẹn ước của nó. Nhưng nếu ngày xưa đã chọn nó, còn đâu cơ hội để tôi sở hữu nó ngày hôm nay cơ chứ.