Đâu là những thách thức và cơ hội đối với ngành du thuyền Việt Nam trong năm nay?

Là năm đáng nhớ với thế giới, 2020 tựa một cơn sóng thần làm rung chuyển mọi ngành nghề, trong đó có cả lĩnh vực du thuyền, để lại một trạng thái “bình thường mới” chưa từng có tiền lệ. Chưa bao giờ mà giới mộ điệu phải ngậm ngùi chấp nhận một thực tế phũ phàng khi những triển lãm du thuyền danh tiếng phải tuyên bố hủy bỏ hoặc dời lịch tổ chức trong tâm trạng phập phồng, trong khi các nhà sản xuất du thuyền tên tuổi trên thế giới lần lượt đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng với doanh số sụt giảm.

“Thị trường du thuyền thế giới vốn cạnh tranh khốc liệt nay lại phải hứng chịu một cơn ‘sóng thần’ nguy hiểm. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy khắc nghiệt ấy dù thị trường còn rất non trẻ”, ông Dương Đỗ, CEO của Saigon Yacht & Marina, nhận định. “Tuy nhiên, trong thách thức vẫn thường ẩn chứa cơ hội. Khi không thể ra nước ngoài để trải nghiệm, công chúng sẽ tập trung vào các yếu tố trải nghiệm tại thị trường nội địa, thế nên, du thuyền sẽ là một trong số những xu hướng chủ đạo trong thời gian tới”.

Ông Dương Đỗ, Giám đốc điều hành Saigon Yacht & Marina (SYMC)

Ông Thuận Nguyễn, Chủ tịch kiêm CEO của Vietyacht và Luxyacht, không phủ nhận các tác động lớn lao của đại dịch cùng những bước đi mang tính “thích nghi” của ngành công nghiệp du thuyền: “Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, các triển lãm trên thế giới sẽ khó có thể diễn ra. Tiếp nối năm 2020, các hãng du thuyền sẽ đầu tư ngày càng nhiều vào triển lãm trực tuyến bằng công nghệ thực tế ảo, tham quan du thuyền ảo (virtual tours) và phát triển mạnh các công cụ trên nền tảng trực tuyến”. Về thị trường trong nước, ông chủ của hai đơn vị chuyên phân phối du thuyền đa phân khúc nổi tiếng thế giới tại Việt Nam cũng có những nhận định lạc quan, đặc biệt là sự chuyển dịch đáng chú ý trong thời gian tới. “Nếu như khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường Việt Nam ghi nhận một lượng lớn du thuyền tầm trung và hạng sang được nhập khẩu ồ ạt thì vào đầu năm 2021, thị trường mở rộng sang nhánh mới: các mẫu du thuyền phổ thông.”

Điều này có thể được lý giải một phần bởi sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu và lợi thế của Việt Nam khi sở hữu 2.360 con sông với 42.000km đường thủy kết nối các tỉnh thành phố, cùng hơn 3.000km đường bờ biển, tạo ra một lựa chọn mới lạ hơn so với mô hình giao thông đường bộ đang ngày càng bị quá tải. Bên cạnh đó, các bến du thuyền xứng tầm và cả những chiếc du thuyền xa hoa trên mặt nước cũng đang được các doanh nghiệp bất động sản hạng sang đầu tư giúp gia tăng giá trị cảnh quan và tiện ích cho dự án, đơn cử như bến du thuyền Ana Marina tại Nha Trang. Một khi được hoàn thành, công trình này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành du thuyền tại Việt Nam.

Ông Thuận Nguyễn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Vietyacht và Luxyacht

Tuy nhiên, có một thực tế mà khách mua du thuyền nhập khẩu từ nước ngoài trong thời gian sắp tới hẳn sẽ phải lưu tâm: các sản phẩm có thể chuyển giao ngay sẽ ngày càng hiếm hoi hơn. Do các lệnh giãn cách xã hội tại châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới, thời gian giao hàng sẽ lâu hơn do sản lượng bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng “cháy hàng” vẫn diễn ra. Nhu cầu sử dụng du thuyền nghỉ dưỡng trên toàn cầu tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn đại dịch Covid, khi giới thượng lưu xem những “dinh thự trên mặt nước” là chốn nương náu an toàn và tách biệt với thế giới bão bùng bên ngoài.

Lên du thuyền “tránh dịch” hóa ra lại là quãng thời gian quý báu để những ông chủ lắm của nhiều tiền tận hưởng giây phút trọn vẹn bên các thành viên gia đình và bạn bè. Đây cũng là một tín hiệu tích cực đối với các thương hiệu đóng du thuyền trong nước.

“Với các hiệp định thương mại tự do và điều kiện thuận lợi khác, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để phát triển kinh doanh với các quốc gia khác. Đối với các hãng đóng tàu ở Việt Nam có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tương lai sẽ vô cùng hứa hẹn”, ông Phil Johns, Tổng Quản lý Triac Composites có trụ sở ở Nhà Bè (TP.HCM), cho biết.

Ông Phil Johns, Tổng Quản lý Triac Composites

Ngành công nghiệp đóng tàu nội địa đang cho thấy tiềm năng mang lại giá trị hấp dẫn cho khách mua trong nước bằng mức giá cạnh tranh hơn do không phải đóng thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển tối ưu, dịch vụ hậu mãi, bảo trì, bảo dưỡng thuận tiện và chuyên nghiệp. Triac Composites hiện đang chế tạo mẫu thuyền hai thân dài 12m chạy động cơ cho thị trường Hoa Kỳ, và cũng mong muốn mang đến cho giới mộ điệu trong nước các thiết kế xứng tầm, tiêu biểu như mẫu du thuyền hai thân 17m đi kèm dịch vụ hậu mãi chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam.

“Triac Composites ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng đơn đặt du thuyền xuất khẩu trong 2021. Tuy nhiên, dù đã kích hoạt mối quan tâm dành cho dòng du thuyền giải trí, song đại dịch cũng tàn phá nặng nề chuỗi cung ứng và tác động không nhỏ đến thời gian giao hàng, chi phí nguyên vật liệu và tất nhiên, cả thành phẩm cuối cùng”, ông Phil Johns nhấn mạnh.

Người viết xin dẫn lời ông Dương Đỗ khi nói về tương lai ngành du thuyền thời hậu đại dịch để kết lại bài viết này: “Sau những dồn nén, thị trường sẽ bùng nổ mạnh mẽ hơn. Người sử dụng sẽ có nhiều trải nghiệm hơn để lựa chọn du thuyền và loại hình dịch vụ phù hợp. Tất cả vẫn đang ở phía trước!”

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Một + Hai mang chủ đề “The Ultimate Gift Guide”)