Mặc dù chưa đủ khả năng mua xa xỉ phẩm, nhưng thế hệ Z (sinh từ giữa thập niên 1990 đến cuối thập niên 2000) lại là đối tượng chính quyết định nhiều xu hướng tiêu dùng trong tương lai mà các thương hiệu cao cấp cần phải tìm hiểu để đảm bảo tăng trưởng dài hạn.
Sau thế hệ Y, hay nhiều người thường gọi là Millennials, thế giới bước vào thời kỳ bùng nổ của thế hệ Z: những công dân lớn lên trong thế giới số. Đây là một thế giới truyền tải thông tin với tốc độ tức thời, nơi con người có thể tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chỉ cần bằng đầu ngón tay; nơi những giá trị sống được đong đếm bằng các bức ảnh trên Internet và chia sẻ emojis qua chatbox.

Sinh ra trong thế giới số đồng nghĩa với việc thế hệ Z được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin về các thương hiệu ngay từ khi còn nhỏ, nhưng cũng vì thế mà họ cảm thấy hoài nghi về tính xác thực của mọi thứ. Hơn nữa, lớn lên trong một nền kinh tế không ổn định cùng nền văn hóa có nhịp độ nhanh, thế hệ này trở nên thực tế hơn và thường lựa chọn những sản phẩm có ích thực sự.
Nghiên cứu của Agility đã chỉ ra 3 ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng thuộc thế hệ Z đối với hàng hóa cao cấp. Đây được xem là “kim chỉ nam” cho chiến lược phát triển sản phẩm và truyền thông tiếp thị của các nhãn hàng xa xỉ trong thời gian tới.
Các thương hiệu thể thao và năng động là ưu tiên hàng đầu
Một lối sống năng động và giàu tính phiêu lưu luôn nằm trong tâm trí của người tiêu dùng thế hệ Z, và quan điểm này hứa hẹn sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi họ bắt đầu kiếm được thu nhập. Đây không phải là một thế hệ thích tiệc tùng trong các câu lạc bộ độc quyền và phải chi hàng trăm đô-la cho rượu sâm banh. Thay vào đó, họ ưu tiên những trải nghiệm ngoài trời và kết nối với thiên nhiên.

Louis Vuitton và Supreme đã hợp tác cùng nhau để tung ra bộ sưu tập thời trang cao cấp gây “sốt” trên thị trường toàn cầu vào đầu năm nay. Sự kết hợp giữa thời trang đường phố và chất liệu xa xỉ cùng tên tuổi uy tín là công thức tiềm năng có thể thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng thế hệ Z trong tương lai. Nhiều thương hiệu thời trang cao cấp khác dự kiến cũng sẽ nối gót theo chiến lược này sau thành công của Louis Vuitton.
Đề cao chất lượng thực sự
Thế hệ Z ngày càng thực tế hơn và xem thường tính giả tạo, luôn muốn tìm hiểu xem giá trị của sản phẩm có xứng đáng với số tiền mình bỏ ra hay không, một phần bởi vì họ đã tập thói quen thận trọng với tài chính từ khi còn nhỏ, và một phần vì họ được tiếp xúc với đủ nhiều thông tin trực tuyến để tự đánh giá tính chân thực của các chiến dịch quảng bá sản phẩm. Đây cũng là lý do tại sao thế hệ này thường tin tưởng những người có ảnh hưởng (influencer) nhiều hơn thông tin quảng cáo.

Trong chiến dịch Thu-Đông 2016 của Gucci, sản phẩm của hãng được quảng bá theo một cách chân thực và ít phô trương hơn, trong khi đó vẫn duy trì chuẩn mực về nghệ thuật, thiết kế cũng như chất lượng đỉnh cao.
Hàm lượng khoa học công nghệ bên trong sản phẩm quan trọng hơn nghệ thuật và truyền thống
Từ trước đến nay, xa xỉ thường mặc định sẽ đi đôi với nghệ thuật; những món hàng cao cấp phải đẹp, độc đáo và đôi khi chẳng cần hữu dụng vẫn được mọi người săn lùng. Thế nhưng, đối với người tiêu dùng thế hệ Z, cuộc sống của họ gắn liền với sự đổi mới để làm sao ngày càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, những khát vọng của họ có xu hướng xoay quanh việc khởi nghiệp hoặc sáng chế ra một thứ gì mới mẻ, một món hàng xa xỉ mang những giá trị vô hình như nghệ thuật hay truyền thống sẽ thiếu đi sự hấp dẫn vì nhóm đối tượng này muốn mọi thứ càng xác thực càng tốt.

Bên cạnh đó, khoa học và công nghệ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với ảm đạm và nhàm chán, chúng vẫn có thể gợi lên cảm giác ngạc nhiên lẫn hứng khởi cho người sử dụng. Một ví dụ điển hình là Speedmaster Moon Watch của Omega với thông điệp “chiếc đồng hồ đầu tiên và duy nhất được các phi hành gia đeo trên mặt trăng”. Chẳng cần phô trương, Omega vẫn khiến thế hệ Z liên tưởng đến 3 ưu điểm: đồng hồ Omega rất tốt mới có thể chịu được áp lực trong không gian, gợi lên cảm giác phiêu lưu, và được lựa chọn bởi những người có thành tựu lớn trong sự nghiệp.
Nghiên cứu trên cho thấy xu hướng mua xa xỉ phẩm của thế hệ Z gần như trái ngược với cha ông của họ: activewear thay vì formalwear, tập trung vào sản phẩm thay vì lối sống, đổi mới thay vì truyền thống, khoa học thay vì nghệ thuật. Tuy nhiên, kết quả ở đây không gây nên tranh cãi rằng ngành công nghiệp xa xỉ phải xác định lại những yếu tố nào tạo nên hàng hóa xa xỉ, thay vào đó là cần tìm ra cách truyền tải mới hơn chứ đừng mãi tập trung vào những thông điệp cũ kỹ. Đây cũng là thực tế mà các thương hiệu cao cấp phải đối mặt để tìm ra giải pháp tiếp thị phù hợp trong tương lai.