Lịch sử kiến trúc phong kiến ở ta không nhiều công trình hoành tráng, có lẽ là do người Việt từ lúc lập nước cho đến thời kỳ cận đại chẳng lúc nào được coi là người giàu. Dân mà nghèo thì đương nhiên, nhưng ngay đám quan lại, thậm chí cả những đại thần đầu triều cũng không hề dư dật. Vì thế, đa phần người Việt nói chung thường có nết ăn nết ở bình dị, tùng tiệm. Ngôi nhà, tài sản đáng giá nhất ở họ, luôn cân xứng ấm cúng vừa tầm. Tiện nghi vật dụng thì thô mộc, nội thất thì không quá cầu kỳ. Căn nhà lý tưởng của tầng lớp có tiền dưới xuôi là năm gian ba chái có vườn, còn trên ngược là cột và sàn gỗ thoáng mát. Khi người ta ăn chỉ cần no, mặc chỉ cần ấm thì chỗ ở đâu cần phải quá xa hoa. Thói quen sinh hoạt đơn sơ ấy đã ngấm vào vô thức, muốn tập làm sang phải có thời gian. Ngày nay, rất nhiều người Việt mang vẻ tối tân, nhưng lúc nghỉ dưỡng ở các “rì dọt” 5 sao, hầu hết đều loay hoay mất ngủ.
Không kể cung vua phủ chúa, nơi kiến trúc thường vô hồn huênh hoang vọng ngoại vì xây cất trên xương máu của kẻ khác, thì hầu như mỗi căn nhà của người Việt đều đẫm đầy dấu ấn của người chủ. Bởi đấy là chỗ đọng của tần tảo, chắt chiu mồ hôi nước mắt từ nhiều đời. ở những ngày chưa xa xưa lắm, căn nhà lý tưởng của phần đông người Việt chính là căn nhà hương hỏa. Nó được góp nhặt từ cụ kỵ rồi nhờ sự dành dụm của ông bà, tiếp đến sự nâng niu gìn giữ của mẹ cha. Vì thế, con cháu mà lương thiện tử tế, tuyệt chẳng ai nghĩ tới chuyện sẽ bán. Có điều, giờ đây mọi sự đã khác. Đa phần các siêu thị quán ăn đang nườm nượp khách ở những địa điểm “vàng”, đều được xây trên những mảnh đất mua từ nền nhà “hương hỏa”.
Lịch sử nhiều ngôi nhà cũng giống như thân phận của chủ nhà, lúc thăng lúc trầm. Thời chiến tranh bao cấp, có một đoạn dài nhà ở Hà Nội rẻ như rau. Và vì nhiều lý do khác nhau, chủ nhà (nhất là đám tư sản cũ đã mua biệt thự hồi Pháp thuộc) mở cửa cho người thân, đôi khi không thân lắm, vào ở cùng. Rồi tới thời kinh tế thị trường, giá nhà đột ngột lên cao còn giá người hoang mang tụt xuống. Các thiếu nữ xinh xắn có điều kiện chọn chồng đều lựa chọn tiêu chí “nhà mặt phố, bố làm to”. Có phải thế chăng mà ngôi nhà bất hạnh nhất là tại nó vừa đẹp lại vừa đông người thừa kế. Anh em ruột bê nhau ra tòa vì vài mét đất là chuyện thường. Gần đây, có phiên tòa băn khoăn xử một bản di chúc. Dòng đầu dành cho anh con giai, di chúc ghi là “80m2 vô vàn tình thương mến”. Hóa ra, trong lúc mọi người đau buồn bận đưa ma người bố, anh ta lẻn lên dùng bút cùng màu chữa vào cái phần được dành cho mình. Vì vội vàng, anh ta không biết rằng cụ ông chỉ dành cho mình “vô vàn tình thương mến” nên ghi chèn thêm vào đó “80m2”. Hỡi ơi xã hội văn minh, tình cảm đã đến lúc được đo bằng thước.
Các triết gia vĩ đại của cả Đông lẫn Tây, luôn đánh giá cao vai trò của gia đình. Với họ, gia đình là tác nhân quan trọng nhất để hình thành lên một quốc gia. Và để gìn giữ một gia đình, không có gì bằng một ngôi nhà. Chỉ khi chung sống thuận hòa dưới cùng một mái ấm, những cá thể lẻ tẻ vô nghĩa mới trở thành một ý nghĩa nào đó. Không phải ngẫu nhiên trong tiếng Việt, khi những cặp vợ chồng chung thủy yêu nhau, thì lúc hạnh phúc nhất họ đều gọi nhau là “nhà ơi”.