“Của cho không bằng cách cho” – câu nói của cha ông ta vẫn luôn đúng, đặc biệt là khi bạn tặng quà cho các đối tác nước ngoài.
Nền kinh tế quà tặng, hay văn hóa quà tặng (Gift economy) là một phương thức trao đổi, nơi những món đồ giá trị không được mang đi bán, mà được mang tặng. Khác với nền kinh tế trao đổi hàng hóa (barter economy) hay nền kinh tế thị trường (market economy), các chuẩn mực và tập tục xã hội sẽ chi phối văn hóa tặng quà.
Bản chất của nền kinh tế quà tặng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trong lĩnh vực nhân chủng học. Nghiên cứu nhân chủng học đầu tiên về nền kinh tế quà tặng gắn với mô tả của Bronislaw Malinowski về hệ thống trao đổi quà tặng mang tính lễ nghi Kula (Kula ring) trên đảo Trobriand trong Thế chiến thứ nhất. Những món đồ mà người dân đảo Trobriand vượt trùng khơi qua nhiều vùng biển hiểm nguy để mang về là những món đồ có giá trị, được sử dụng cho mục đích trao đổi.

Cùng với thời gian, văn hóa quà tặng cũng được xem là một phần của cuộc sống. Việc tặng quà được coi là một cử chỉ văn minh ở một số quốc gia, nhưng cũng có thể bị coi như một hành động hối lộ ở một số nước khác. Vì thế, sự hiểu biết về thói quen, tập tục gắn liền với việc tặng quà, hay cách thức tặng quà… của các đối tác từ những nền văn hóa khác nhau là yếu tố giúp bạn tạo ấn tượng tốt và có nhiều cơ hội thành công.
Ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, vị thế xã hội là nguyên nhân chính khiến mọi người thích tặng quà. Đối với người nhận, điều này thể hiện cảm giác được kính trọng. Nhận thức của người Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung đối với văn hóa quà tặng gắn liền với sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu. Xét về bản chất của văn hóa quà tặng tại châu Á, chúng ta có thể thấy sự tương đồng với văn hóa quà tặng ở châu Âu: đó là mong muốn đánh giá một nỗ lực, để đánh dấu một sự kiện quan trọng, hoặc đơn giản là để tỏ lòng biết ơn.

Tuy nhiên, cách tặng quà lại tạo ra sự khác biệt trong các nền văn hóa. Ví dụ, trong cuốn sách The Traveler’s Guide to Asian Customs and Manners: How to Dine, Tip, Bargain, Dress, Make Friends, and Conduct Business while in Asia (tạm dịch: Những điều du khách cần biết về thói quen, tập tục của người châu Á: Ăn tối, tiền boa, trả giá, trang phục, kết bạn và kinh doanh khi đến châu Á), các tác giả Braganti và Devine chỉ ra rằng bản chất tượng trưng của việc tặng quà ở châu Á thay đổi từ quốc gia này sang quốc gia khác, dù các nước này có những đặc điểm tương đồng về văn hóa. Nếu như trong văn hóa phương Tây, người ta thường chuộng đồng hồ và thích tặng nhau loại phụ kiện trang trí này thì ở Trung Quốc, nghi thức này bị xem là điều cấm kỵ, bởi đồng hồ là thứ đo đếm thời gian và gián tiếp đề cập tới một vòng đời người bị giới hạn. Hơn thế nữa, cụm từ “cho/tặng đồng hồ” đọc lên nghe giống như từ “đi đám tang” theo tiếng Quảng Đông, nên việc tặng đồng hồ ở quốc gia này là điều tối kị. Trong văn hóa Trung Hoa, biểu tượng mang ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với màu sắc và các con số. Đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn, còn màu hồng và vàng tượng trưng cho hạnh phúc, trong khi con số 8 là con số “phát”, thể hiện sự may mắn.
Truyền thống của người phương Tây khi tặng những món quà mang tính vui vẻ, hài hước ít được chấp nhận ở các quốc gia châu Á. Ở châu Á, quà tặng là thứ người ta sử dụng để tỏ lòng kính trọng hay biết ơn nên những gì mang tính hài hước, dí dỏm sẽ bị xem là bất kính. Các tác giả cũng nhấn mạnh rằng việc tặng quà trở thành một chu trình “trả nợ”. Nghĩa là, khi nhận một món quà nào đó từ bạn, đối tác của bạn cũng phải tìm cách “hoàn trả” cho bạn một món quà tương đương hoặc có giá trị cao hơn. Đó không phải là một cuộc đua, mà là cách thức để bạn thể hiện sự hàm ơn của mình.
 

Văn hóa tặng quà đóng một vai trò quan trọng tại nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore.
Ở Nhật Bản, tặng quà là một nghệ thuật, bởi điều này thể hiện tình bạn, sự kính trọng và thái độ ngưỡng mộ với đối tác. Quà luôn được đựng trong một hộp nhỏ, được bọc rất đẹp bằng loại giấy thượng hạng và sau đó được trao cho đối tác với sự kính trọng. Trong văn hóa Nhật Bản, một món quà có cặp được cho là điềm may, nhưng nếu là bộ bốn chiếc hoặc chín chiếc thì lại bị cho là điềm gở. Ở Nhật Bản, con số 4 bị cho là số tử, trong khi màu đỏ lại bị cho là màu của chết chóc; vì thế, đừng bao giờ tặng một chiếc bút mực đỏ hay viết thiệp bằng màu đỏ. Đừng nên tặng những vật sắc như dao kéo hay dao rạch giấy, bởi chúng bị cho là những thứ “chia cắt quan hệ”.

Trong khi đó, ở các nước châu Mỹ La tinh, giấy tím và giấy đen không được dùng để bọc quà vì đây là màu giấy dùng trong tuần Thánh. Những vật phẩm gắn với đám tang hoặc cái chết như khăn tay, hoa vàng, hoa đỏ và hoa trắng cũng không nên dùng.
Trong nền văn hóa Hồi giáo, rượu và các sản phẩm có cồn kể cả là nước hoa đều bị cấm. Những sản phẩm hoặc thức ăn có xuất xứ từ heo, chim, chó, các loài giáp xác dưới nước, quần áo cũng là những thứ kiêng kị. Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hay những bức họa hoặc bức ảnh có hình cơ thể người cũng không nằm trong danh sách quà tặng. Tại các quốc gia theo đạo Hồi, khi đưa hay nhận quà, bạn nên dùng tay phải hoặc cả hai tay vì theo quan niệm của người Hồi giáo, tay phải mới sạch sẽ.
Ở một số quốc gia như Cộng hòa Séc, Phần Lan, Liên bang Nga, Ukraina, Bolivia, Columbia, Costa Rica, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippine, và Thái Lan, bạn có thể thoải mái với các kế hoạch tặng quà. Trong khi các quốc gia như Anh, Pháp, Hungary, Ý, Uruguay, Đan Mạch, Pakistan, Ả rập Saudi, Hoa Kỳ lại ít tán thành văn hóa quà tặng.