Từ rất lâu, “Làng” luôn được mặc định là biểu trưng của hồn Việt. Ca dao tục ngữ khuyết danh, văn thơ nhạc họa hữu danh, đều chan chứa chữ “làng”. Nó thực sự xứng đáng tự hào là một di sản văn hóa phi vật thể.

Có một điều khá lạ về mặt hành chính, làng chưa từng là một đơn vị cụ thể, thậm chí trên các bản đồ địa bạ chính thức cả xưa lẫn nay, tuyệt chưa bao giờ nó được vẽ.

Hà Nội ngày nay là một điển hình cho việc “làng hóa phố”. Cùng thời gian, Hà Nội phần lớn được thành hình trên nền tảng những làng xã mà nó “nuốt” dần vào trong quá trình phát triển. Đến cuối thế kỷ 19, các công trình xây dựng ở hầu khắp Thăng Long đều là những ngôi nhà bằng gỗ, tre, vách đất trộn rơm theo đúng mô hình nhà ở nông thôn. Khu phố cổ từ thế kỷ 17 chính được tạo nên quy tụ những cư dân cùng quê cùng nghề sống theo từng đoạn phố. Phải vậy chăng mà sau khi làm ăn dư dật thành “đại gia phố”, sâu xa ở họ vẫn níu giữ một dấu vết nguyên gốc. Những thương hiệu lừng danh của các nhà tư sản thời thuộc Pháp ở Hà Nội mà có chữ “Trạch” thường làm nghề may, có chữ “Cự” là làm tương, chữ “Vạn” thì xuất xứ làm nước mắm. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vốn công tử nhà Vạn Vân. Có lẽ nhờ thế mà âm nhạc lãng mạn ở ông luôn phảng phất một vị “mặn” rất riêng.

Chính vì vậy mà “làng ven đô” là một khái niệm mở, càng ngày càng mờ. Làng Láng đã thành đường Láng. Làng Phú Thượng lô nhô cao ốc giá nhà đắt đến nỗi mỗi mét vuông chung cư ngất ngưởng vài chục triệu đồng. Những làng ven đô với các nghề gia truyền vang danh một thời chỉ còn ẩn hiện phảng phất mầu cổ tích. Đâu rồi tiếng chày đập lụa hay giã giấy dó dưới đêm trăng của hồ Tây Trúc Bạch. Đâu rồi đúc đồng Ngũ Xã. Đâu rồi ruộng rau muống “tiến vua” Kim Liên. Liệu những cư dân ngoại tỉnh mua biệt thự ở Ciputra có biết cách đây chưa lâu, cái nền nhà sang chảnh lát gỗ pơ-mu mình đang ở chính là nền ruộng của ngôi làng tự hào về trồng đào tết. Một nhà thơ dân gian gốc ven đô cảm khái, “Mái bằng mái bằng lại mái bằng. Tôi đi như cá lạc vào đăng. Ba mươi năm lẻ về làng cũ. Cả làng đã hóa cục xi măng”.

Nói thế không có nghĩa là những làng ven đô của Thăng Long, của Hà Nội đã hoàn toàn biến mất. Vẫn Cổ Loa chẳng hạn, vẫn Ước Lễ vẫn Đông Ngạc. Vẫn cây đa cổ thụ che rợp mái đình. Vẫn loang lổ rêu phong cổng làng nghẹn ngào không tuổi. Nhưng cao hơn hết, bao trùm hơn hết vẫn là những cư dân của làng. Họ có thể là một nghệ nhân giữ lửa nghề truyền thống. Lại có thể là một ẩn sĩ trí thức khoa bảng khiêm cung. Bởi tinh thần hiếu học của nhiều làng ven đô đã thành một thuần phong. Ví như vùng Kẻ Mọc, tên nôm gọi một số làng trải dài bên phải dọc bờ sông Tô Lịch. Sách Phương Đình loại chí chép. “Khoa danh ở đây tiếng nổi, 7 nhà 11 người đỗ đại khoa”.

Không biết rồi đây khi làng hóa phố, những làng ven đô liệu mãi mãi sẽ vẫn còn là linh địa.