Đôi khi, chính những concept lập dị lại trở thành động lực cho sự phát triển của ngành xe hơi.

Những concept kinh điển

Nói gì thì nói, xe concept luôn đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực xe hơi. Một concept có giá trị có thể khơi cảm hứng cho sự ra đời của một dòng xe hoàn toàn mới hay thậm chí tạo ảnh hưởng lên toàn bộ một thế hệ sản phẩm của một thương hiệu. Điều này được thể hiện rõ nét qua concept Sixteen của Cadillac hay concept Megagamma của nhà thiết kế Giorgetto Giugiaro.

Lâu nay, nước Mỹ luôn được xem là “cái nôi” của các concept xe hơi tuyệt vời, nhất là trong giai đoạn hưng thịnh. Đầu tiên phải kể đến chiếc Buick Y-job ra đời năm 1938 dựa trên ý tưởng của Harley Earl – trưởng Bộ phận nghệ thuật và màu sắc của Tập đoàn GM. Vùi mình trong một căn phòng không cửa sổ, không kết nối điện thoại nhằm tránh sự phân tâm, Earl nảy ra hàng loạt ý tưởng về những chiếc xe tương lai.

Trong khi đó, các concept của Ford thường có phần lạ lẫm hơn người. Vào năm 1958, thương hiệu xe Mỹ giới thiệu chiếc Nucleon sử dụng nhiên liệu từ chính lò phản ứng hạt nhân đặt phía sau xe. Theo tính toán, Nucleon có thể vận hành liên tục khoảng 8 ngàn cây số sau mỗi lần tiếp liệu. Tuy nhiên, với một lò phản ứng hạt nhân kiểu đó, chính Ford cũng không dám tưởng tượng điều gì có thể xảy ra khi Nucleon gặp tai nạn. Ngoài Nucleon, Ford còn giới thiệu concept Gyron vào năm 1961 với kiểu thiết kế hai bánh sử dụng cơ chế cân bằng nhờ con quay hồi chuyển. Ấy là chưa kể concept Leva không cần thắng và có tốc độ tối đa lên tới 800 km/giờ. Tuy nhiên, concept nổi tiếng nhất của Ford có lẽ là chiếc Lincoln Futura ra đời năm 1955. Sau khi được sản xuất tại Ý, Futura được khoác áo đen huyền bí và biến thành “Xe của người dơi – Batmobile” vào năm 1966.

Xe concept trong thời hiện đại

Xét một cách công bằng thì nhiều concept xe hơi nên được xếp vào diện ngớ ngẩn. Tuy nhiên, không ít ý tưởng đang tạo tiền đề cho các mẫu xe hiện đại với kiểu thiết kế gọn nhẹ, khóa cảm biến, camera lùi, định vị vệ tinh và các hệ thống giảm thiểu va chạm.

Một điều đáng buồn là các concept xe trong thời hiện đại thường không gây ấn tượng như trước đây. Thông thường, để thiết kế và chế tạo ra một mẫu xe thương mại, các nhà sản xuất thường mất khoảng 5 năm làm việc. Do đó, đừng vội tin vào mắt mình khi một nhà sản xuất xe hơi ra mắt một concept và trình làng bản thương mại chỉ 1 hoặc 2 năm sau đó. Chẳng phải người ta nhiệt tình đáp lại tấm thịnh tình của công chúng đâu. Những concept chúng ta nhìn thấy thực ra là thiết kế thương mại ẩn mình với sự bổ sung một vài chi tiết lạ lẫm cùng bộ mâm cỡ lớn mà thôi. Các chi tiết này sẽ biến mất khi chúng được đưa vào sản xuất đại trà. Những concept “lừa tình” kiểu này xuất hiện hàng loạt tại các triển lãm xe hơi năm nay. Điều đáng nói là phần lớn các nhà sản xuất xe hơi đều chạy theo xu hướng nói trên.
Dĩ nhiên, tương lai của mảng xe concept vẫn rất đáng để chờ đợi. Nói đâu xa, tại Triển lãm ô-tô Geneva năm nay, công chúng được một phen trầm trồ với concept Giugiaro Kangaroo – một sự pha trộn điên rồ giữa siêu xe và SUV. Rõ ràng, đâu đó vẫn còn những người tâm huyết cao độ với xe concept.

Xét tổng thể, tự động hóa và điện hóa sẽ giải phóng các nhà thiết kế khỏi công việc kết nối “mớ bòng bong” bao gồm động cơ đốt trong, bình nhiên liệu, ghế ngồi, vô-lăng… Thay vào đó, họ được tự do nghĩ ra đủ loại hình dáng và cách thức vận hành cho xe. Thật ra, phần lớn xe điện hiện nay đều có thiết kế na ná xe truyền thống dùng động cơ đốt trong do các nhà sản xuất muốn người tiêu dùng quen dần với dòng sản phẩm mới thay vì bắt họ “nuốt trôi” một loạt thay đổi từ động cơ cho đến ngoại hình. Điều mấu chốt nằm ở các nhà thiết kế. Họ vốn dĩ được tự do làm theo ý thích. Tại sao không học hỏi ngài Harley Earl, đóng kín cửa phòng rồi mở ra những thiết kế để đời?