Các khách sạn boutique đang tận hưởng tỷ suất doanh thu trên số phòng rất ấn tượng và mô hình này vẫn sẽ còn hot trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Đã hơn 40 năm kể từ khi Bill Kimpton khai trương khách sạn boutique đầu tiên của mình – hay còn được gọi là khách sạn phong cách sống – tại Mỹ và Ian Schrager cùng Steve Rubell gia nhập cuộc chơi 3 năm sau, mô hình khách sạn này đã, đang và sẽ trở thành nơi dừng chân yêu thích đối với một phân khúc du khách sành điệu, thích trải nghiệm hành trình du ngoạn của mình một cách độc đáo, thú vị. Theo báo cáo The Boutique Hotel Report của STR Global, Hoa Kỳ vẫn là nơi tập trung nhiều khách sạn boutique nhất với nguồn cung tăng từ 7.3% trong năm 2012 lên mức 11,5% vào năm ngoái. Theo dự báo của CBRE, các khách sạn boutique đang tận hưởng tỷ suất doanh thu trên số phòng (RevPAR) rất ấn tượng và mô hình này vẫn sẽ còn hot trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Ngược dòng lịch sử
Bắt đầu từ đầu những năm 1950 với thương hiệu Holiday Inn, ngành kinh doanh khách sạn ngày càng trở nên bị chi phối bởi các thương hiệu lớn với các chuẩn mực thương hiệu. Trong quá trình mở rộng của các thương hiệu lớn như Marriott, Hilton, IHG và những thương hiệu khác, mô hình khách sạn boutique đã bắt đầu được biết đến.
Nhiều người cho rằng mô hình khách sạn boutique có nguồn gốc từ năm 1978 với khách sạn Blakes ở Luân Đôn, tiếp theo sau là Morgan’s Hotel ở New York, The Phoenix ở San Francisco và Kimpton Hotel ở San Francisco. Trong khi một số khách sạn boutique tiên phong này là những nơi lưu trú cao cấp, thì một số khách sạn khác chỉ được đánh giá ở mức trung cấp với kỹ thuật “tái phát minh” để tạo ra một dịch vụ và trải nghiệm độc đáo cho du khách. Không gian của những khách sạn boutique tiên phong này thường được thiết kế ấm cúng, thân thiện theo một chủ đề cụ thể để mang đến trải nghiệm độc đáo. Dần dần, các khách sạn này trở nên nổi tiếng bởi tiện nghi độc đáo và dịch vụ cá nhân hóa theo yêu cầu khách hàng.

Bill Kimpton có lẽ là người tiên phong trong việc phát triển khách sạn boutique khi mua Clarion Bedford Hotel, một khách sạn mang chủ đề nước Anh, một câu chuyện thú vị tạo nên sự độc đáo cho khách sạn. Nhận thấy mọi người thường lo lắng và cô đơn trên hành trình du ngoạn và khám phá thế giới, với mong muốn tạo ra những không gian lưu trú mà bản thân muốn dừng chân và thư giãn, ông đã xây dựng nên một chuỗi khách sạn boutique với không gian thân mật cùng dịch vụ cá nhân hóa để giúp du khách cảm thấy bớt cô đơn hơn khi xa nhà. Cách thiết kế nhà hàng hoặc quầy bar với không gian bếp mở hoặc quầy bar mở mang đến một trải nghiệm thú vị bởi ông cho rằng, việc thư giãn, tận hưởng món ăn hoặc thức uống bên chiếc bàn hay trong phòng khách là một trải nghiệm cô đơn. Ông cũng tiên phong trong việc kết hợp dịch vụ cá nhân hóa của khách sạn boutique với những trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời khi mở nhà hàng Postrio với đầu bếp ngôi sao Wolfgang Puck tại khách sạn Prescott vào năm 1989.
Trong nhiều nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu bao gồm McIntosh, Siggs và Aggett đã xác định thuộc tính cơ bản làm nên danh xưng của khách sạn: vị trí, chất lượng, dịch vụ cá nhân hóa và tính độc đáo – những yếu tố đóng vai trò quan trọng với du khách.

Có thể thấy, đối với các khách sạn boutique cũng như lớp du khách giàu có, am tường với gu thẩm mỹ tinh tế nhưng khá khắt khe về không gian lưu trú, sự sang trọng không có nghĩa là giá tiền ngất ngưởng. Với họ, sang trọng được hiểu là dịch vụ vượt ra ngoài khuôn khổ, khả năng đáp ứng hơn cả mong đợi của khách theo cách độc đáo không ngờ và khả năng mang đến những trải nghiệm mà tiền không thể mua được.
Có quy mô nhỏ với khoảng 150 phòng hoặc ít hơn, khách sạn boutique thường thuộc sở hữu tư nhân hoặc thuộc sở hữu của một tập đoàn khách sạn quy mô nhỏ với thiết kế độc đáo, mang tính biểu tượng, đáng nhớ và đôi khi lập dị để mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Khách sạn Phoenix ở San Francisco nổi tiếng là nơi dừng chân của các tín đồ rock ‘n’ roll, còn khách sạn Greenwich ở New York thì gây ấn tượng bằng kiểu thiết kế độc đáo cho không gian nhà hàng Locanda Verde, nơi thu hút không chỉ du khách thập phương, mà còn cả lớp thực khách sành điệu địa phương am tường các xu hướng kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật trên thế giới.

 

Những thế hệ tiếp nối thành công
Mỗi khách sạn boutique đều có một câu chuyện lý thú của riêng mình và trở thành chốn dùng chân của những du khách không chỉ thành đạt về tài chính, mà còn sở hữu gu thẩm mỹ tinh tế. Đó có thể là một Aenaon Villas đầy lãng mạn ở Hy Lạp dành cho các cặp đôi, là Hotel Vilòn mang dấu tích lịch sử của thành Rome huyền thoại hay một Hôtel Des Art Saigon gợi nhớ đến một viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại ngay giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, dẫn du khách vào hành trình khám phá những dư âm của một thời quá vãng ở một nơi được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông.

Nếu Aenaon Villas là một không gian boutique nằm ẩn mình trên một vách đá giữa làng Oia và thị trấn Fira với tầm nhìn ôm trọn vẻ đẹp ngoạn mục của vùng biển Aegean, mang đến cảm giác thanh bình để thư giãn và nạp năng lượng, thì Hotel Vilòn với vỏn vẹn 18 phòng lại toạ lạc trong một lâu đài lịch sử thuộc gia tộc Borghese suốt hơn 200 năm, nằm trên một trong những con phố rải sỏi hẹp uốn lượn hướng về phía sông Tiber, tất cả các phòng đều được thiết kế với chủ đích nắm bắt bầu không khí bí ẩn, rạng ngời của thành Rome. Với cảm hứng từ phong cách Art Deco của thập niên 1950-1960, ông chủ Bonfini đã chọn tông màu đen bóng loáng và các điểm nhấn màu ngọc lục bảo, còn trên tường, ông treo các bức tranh của họa sĩ người Anh Robert John Thornton, gợi nhớ sự lãng mạn của những khu vườn cổ.

Còn Hôtel des Arts Saigon, một thành viên của nhánh thương hiệu Mgallery, lại gợi nhớ về một thời khi mà những chuyến viễn du về miền viễn Đông chỉ dành cho giới mộ điệu của tầng lớp thượng lưu. Đúng như tên gọi “khách sạn của nghệ thuật”, Hôtel des Arts Saigon với kiến trúc 24 tầng giống như một chuyến hành trình xuyên thời gian đầy thi vị và mỹ vị sẽ đưa du khách trở về với hình ảnh của những dấu ấn xưa cũ vốn từng làm nên vẻ đẹp tinh túy của “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Không gian của khách sạn được thiết kế nhằm mang đến cho du khách những cảm nhận lãng mạn của một thời đã qua với nét quyến rũ cổ điển thời Đông Dương pha lẫn nét hiện đại sang trọng mang hơi thở Pháp thế kỉ 19.