Chia sẻ của ông Michael von Schlippe, đồng sáng lập nền tảng Brytehall, và Frank Smits cùng Levina Li, hai đồng sáng lập The MetaArt Club, nhân dịp ra mắt chương trình đấu giá A Connected World tại Singapore.

Brytehall đang nổi lên như một địa chỉ đáng tin cậy cho giới nghệ sĩ và các nhà sưu tập tác phẩm kỹ thuật số. Ông có thể chia sẻ về nền tảng này?
Michael von Schlippe (MVS): Ra mắt vào tháng 10 năm ngoái trong khuôn khổ hợp tác với Vidy và Binance, Brytehall là nền tảng NFT (Non-Fungible Token) dành cho các tác phẩm NFT cao cấp. Nền tảng này được xây dựng dựa trên ba yếu tố cơ bản: thị trường, nội dung và phòng trưng bày. Brytehall giúp người dùng tạo tác phẩm trên hệ thống chuỗi khối, mua và bán tác phẩm NFT. Bên cạnh đó, nền tảng này còn giúp họ tìm hiểu về các nghệ sĩ và tác phẩm, các xu hướng mới nhất trên thị trường để hiểu rõ hơn về nền kinh tế kỹ thuật số mới này.

Michael von Schlippe – Co-founder, Brytehall

Sự kết hợp giữa NFT và nghệ thuật nói chung cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng, đặc biệt là tại The MetaArt Club diễn ra thế nào?
MVS: Khu vực Đông Nam Á đang cho thấy tỷ lệ chấp nhận NFT cao nhất với tiềm năng tăng trưởng nhanh. Ở Indonesia và Philippines, NFT game đang tạo ra nguồn thu nhập hấp dẫn cho cho nhiều người. Chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của Crypto Art Week Asia – sự kiện tiền điện tử lớn nhất thế giới với hơn ba trăm nghệ sĩ, một ví dụ tuyệt vời về cách NFT xây dựng cộng đồng sáng tạo mới và thúc đẩy mối quan hệ giữa mọi người trên khắp thế giới.

Frank Smits (FS): Hành trình của tôi với tư cách là đồng sáng lập The MetaArt Club gắn với các nghệ sĩ kỹ thuật số và các nghệ sĩ kỹ thuật số “blue chip” trong tương lai. Tôi từng tự hỏi: Hồng Kông có một cộng đồng sưu tập nghệ thuật và cộng đồng tiền điện tử phát triển, tại sao không ai nói về NFT? Tại sao không ai quan tâm đến việc mở rộng hoặc tập trung vào cộng đồng các nhà sưu tập? Tại sao không có ai hỗ trợ về mặt vật lý cho các nhà sưu tập để giúp họ có được các tác phẩm NFT? Vì vậy, The MetaArt Club đã trở thành cầu nối giữa các món đồ sưu tập, các nghệ sĩ và giới sưu tập tác phẩm NFT.

Sự kết hợp giữa NFT và các tác phẩm nghệ thuật đã bùng nổ vào năm 2021 với CryptoPunks, Art Blocks và Bored Ape Yacht Club là ba bộ sưu tập nghệ thuật NFT phổ biến nhất hiện tại. Điều gì khiến Brytehall nổi bật so với các nền tảng khác?
MVS: Khâu giám tuyển là một phần không thể thiếu trong công việc của chúng tôi tại Brytehall. Người dùng Brytehall có thể yên tâm rằng tất cả các tác phẩm NFT giới thiệu trên nền tảng này đều được kiểm tra kỹ lưỡng với độ an toàn cao.Cách tiếp cận của chúng tôi rất khác so với một số nền tảng NFT như OpenSea và Magic Eden. Trên các nền tảng này, người dùng phải tự nghiên cứu nhiều hơn nhằm đảm bảo rằng mình không mua thứ gì đó vô giá trị. Chúng tôi hợp tác với giới chuyên gia cũng như các thương hiệu nổi tiếng để quản lý những chương trình đấu giá trên Brytehall. Do đó, Brytehall đóng vai trò như một cầu nối giữa thế giới truyền thống và thế giới tiền điện tử.

Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường an toàn và bảo mật, nơi người tiêu dùng truyền thống có thể bắt đầu làm quen với NFT. Bên cạnh đó, nội dung của Brytehall cũng cho thấy sự khác biệt. Nói chung, chúng ta có quá ít nguồn tin tức đáng tin cậy về NFT và vũ trụ ảo. Người dùng phải tự kiếm tìm thông tin để đảm bảo rằng mình đang đầu tư vào các dự án hợp pháp.Chúng tôi có kinh nghiệm về xuất bản cùng nhiều chuyên môn khác trong lĩnh vực truyền thông, đồng thời đưa các tiêu chuẩn cao về quản lý và tuyển chọn – điều được thể hiện thấy trong các ấn phẩm như Vogue và Esquire Singapore – vào Metaverse.


“Thị trường mỹ thuật vốn bị mặc định dành cho những người giàu có. Tuy nhiên, với NFT, đối tượng tham gia trở nên rộng hơn.”


Những kiểu nghệ sĩ nào đang được hưởng lợi từ cơn sốt NFT hiện nay? Và thực tế tại The MetaArt Club hiện ra sao?
MVS: Chúng tôi nghĩ rằng NFT có lợi cho cộng đồng nghệ thuật nói chung. Có rất nhiều tiềm năng trong không gian này dành cho tất cả những người sáng tạo. Hiện tại, hầu hết những người có ảnh hưởng đều dựa vào các khoản tài trợ để kiếm tiền. Tuy nhiên, thông qua NFT, họ sẽ có thể kiếm tiền trực tiếp từ nội dung của mình. Trường hợp của Irene Zhao, nhân vật có ảnh hưởng trên Instagram, đã bán hết bộ sưu tập NFT của mình là một ví dụ. Các nhạc sĩ đưa NFT vào quá trình phát hành album và tạo video âm nhạc như một bộ sưu tập độc quyền. Các sự kiện thể thao và lễ hội âm nhạc đang bắt đầu sử dụng NFT thay vì bán vé truyền thống.

FS: Tầm nhìn của The MetaArt Club được tạo nên từ một số yếu tố cốt lõi. Thứ nhất, sự đa dạng của các phong cách nghệ thuật của 35 nghệ sĩ quốc tế không phải là thứ độc quyền, và vì vậy, chúng tôi cũng muốn có được những nghệ sĩ tài năng nhất – hiện tại và trong tương lai – và sẵn sàng mở rộng danh sách nghệ sĩ để phát triển The MetaArt Club. Hẳn nhiên, chất lượng của nghệ sĩ là yếu tố cốt lõi. Chúng tôi tôn vinh thành công của các nghệ sĩ tham gia với các nhà sưu tập The MetaArt Club, để họ có thể gặt hái được những thành công khi trở thành một phần của cộng đồng nghệ sĩ mà chúng tôi đang quản lý.

Với các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử đang ngày càng trở nên tinh vi hơn, chúng ta dễ dàng bị sập bẫy hơn bao giờ hết. Nền tảng NFT lớn nhất thế giới – OpenSea – đã thông báo rằng 80% NFT được tạo ra thông qua công cụ miễn phí của nó đều liên quan đến lừa đảo. Làm sao để tránh được tình trạng này theo ông?
MVS: Điều quan trọng nhất là thực hiện việc thẩm định của bạn. Bạn cần tự hỏi tại sao mình lại mua NFT. Nếu điều đó chỉ phục vụ mục đích nghệ thuật thì đó là chuyện bình thường, nhưng nếu bạn đang xem NFT như một khoản đầu tư, điều quan trọng là phải nghiên cứu nhóm tác giả đứng sau dự án và khả năng tồn tại của họ.

Bạn cũng phải hiểu, liệu những người sáng lập có thành tích được công nhận không? Dự án có một cộng đồng tích cực, gắn bó hay được tạo thành từ các bot giao dịch tiền điện tử? Họ có minh bạch về hoạt động của mình và những gì họ dự định không? Đây là những câu hỏi mà bạn sẽ phải cân nhắc trước khi thực hiện các khoản đầu tư truyền thống và NFT cũng không có gì khác biệt.

Chúng ta hay nghĩ rằng có nhiều người trở thành triệu phú chỉ sau một đêm nhờ NFT, nhưng điều này không hề đơn giản và nó chẳng giống như hành động mua bất cứ thứ gì trên thị trường. Có rất nhiều kẻ lừa đảo trong không gian này, và đáng nói là thị trường đang thiếu vắng các quy định cụ thể. Người tiêu dùng cần phải nhận thức được những rủi ro liên quan và đảm bảo rằng họ biết mình đang mua gì.

Có nhiều dịch vụ mới xuất hiện giúp kiểm tra các dự án NFT và xác minh danh tính của chủ sở hữu dự án. Khi phát triển, không gian NFT sẽ ngày càng có tổ chức hơn và chúng ta sẽ có một môi trường an toàn hơn để hoạt động.


“Năm nghệ sĩ được The MetaArt Club lựa chọn đại diện cho nghệ thuật NFT từ khắp nơi trên thế giới.”


Thế còn chất lượng của nghệ thuật NFT thì sao?
MVS: Chúng tôi thích sự sáng tạo, đổi mới và muốn nhìn thấy những tác phẩm nghệ thuật có khả năng vượt ra khỏi các ranh giới thông thường. Cuộc đấu giá đầu tiên của chúng tôi với Specialized là một ví dụ về điều này. Đó là một khái niệm thực tế, trong đó người trúng đấu giá nhận được cả phiên bản NFT lẫn phiên bản vật lý của một chiếc xe đạp Specialized độc đáo.

Có rất nhiều thông tin nhiễu loạn trong không gian NFT. Cũng giống như những thợ săn kim cương, chúng tôi cam kết tìm ra những viên kim cương thô và biến chúng thành một món trang sức lộng lẫy.

Các phòng trưng bày nghệ thuật có lo lắng về mối đe dọa do NFT gây ra không? Vai trò của các đơn vị môi giới có còn quan trọng không, thưa ông?
MVS: Tôi không nghĩ vậy. Thực tế, mọi việc đang hoàn toàn ngược lại. NFT mang lại nhiều tiềm năng cho các phòng trưng bày nghệ thuật, giúp họ tiếp thị các tác phẩm của mình cho một đối tượng hoàn toàn mới.

Ở Singapore, chúng tôi đã nhận thấy điều này qua các phòng trưng bày như Mucciaccia Gallery. Họ đưa dữ liệu tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ Frank Holliday lên hệ thống blockchain để tạo thành một BST hơn 30.000 NFT. Mỗi chủ sở hữu NFT hiện có quyền thu tiền từ lần bán bức tranh tiếp theo của Holliday.

Frank Smits & Levina Li Co-founders, The MataArt Club

Chào bà Levina. Bà có thể chia sẻ về chương trình “A Connected World” vừa diễn ra ở Singapore?
Levina Li: Chúng tôi tham gia chương trình đấu giá này với tư cách là đồng giám tuyển với Brytehall. Tại sao lại là chủ đề “A Connected World”? Năm nghệ sĩ được giới thiệu thể hiện định vị độc đáo của The MetaArt Club với tư cách là một tập thể nghệ sĩ năng động mà chúng tôi gọi là “Hợp chủng quốc nghệ thuật” – những người đại diện cho cộng đồng toàn cầu mới gồm các nhà sưu tập và nghệ sĩ, đồng thời thúc đẩy cơ hội tạo ra nghệ thuật kỹ thuật số được quản lý trên hệ thống chuỗi khối.


(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 3 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Turn up the fashion”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây)