James Dương Nguyễn, vị Tổng Giám đốc trẻ của công ty Dcorp R-Keeper chuyên về tư vấn và triển khai giải pháp quản lý cho ngành nhà hàng – khách sạn, chia sẻ về chặng đường 10 năm phát triển của công ty.
Được biết, khoảng thời gian đầu khai phá thị trường Việt Nam của R-Keeper không hề dễ dàng?
Quả thật khi mới thành lập văn phòng ở Việt Nam vào năm 2008, dù hầu như không có đối thủ, song R-Keeper rất khó khăn trong việc tìm khách hàng, bởi thị trường ở ta khi ấy chưa sẵn sàng để sử dụng công nghệ cao. Tốc độ phát triển của chúng tôi rất chậm, năm đầu chỉ bán được cho 10 khách hàng, dẫn đến những hoài nghi nhất định. Thậm chí đến năm 2012 vẫn rất ít khách, không có được một sức bật đủ mạnh. Tuy nhiên, R-Keeper là một công ty đa quốc gia khá kiên trì, gần như không từ bỏ thị trường nào, với tiêu chí đầu tư theo hướng chậm và chắc.
Thời gian đầu tiếp cận khách hàng, rất nhiều nơi từ chối R-Keeper, vì họ yêu cầu những giải pháp mà chúng tôi chỉ đáp ứng được 40%, còn 60% kia là những đòi hỏi quá cao, đến mức phi thực tế và không cần thiết. So với các công ty cung cấp phần mềm trong nước, R-Keeper có mức giá cao hơn mà lại không chịu chiều theo ý khách, vì thế việc khách hàng từ chối chúng tôi là điều dễ hiểu.
Sau 3-4 năm, tới giai đoạn khách hàng thấy không hề ổn, đúng như những gì chúng tôi từng dự đoán, họ hiểu được chia sẻ của R-Keeper là chính xác, chứ không đồng ý bừa để bán hàng. Họ tin R-Keeper, và chúng tôi bắt đầu có những hợp đồng lớn. Mất khoảng 5 năm, R-Keeper mới bước sang thời kỳ ổn định, có nhiều khách hàng quan trọng, được nhìn nhận như một “người lớn” trong ngành.
Lợi thế của một công ty đa quốc gia danh tiếng với mạng lưới chi nhánh ở hơn 50 nước giúp được gì cho R-Keeper trong quá trình khai phá thị trường?
Hầu như không, bởi các công ty fastfood thường gia nhập thị trường Việt qua ngả Singapore, mang theo hệ thống có sẵn. Chúng tôi chỉ hợp tác với không nhiều công ty từ châu Âu và Mỹ. Khách hàng chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư trong nước, chưa có trải nghiệm về công nghệ, nên toàn đưa ra một bức tranh màu hồng kiểu “tôi muốn mọi thứ phải như này kia”, mà không hiểu rằng công nghệ có giới hạn riêng, chẳng thể nào giải quyết hết vấn đề ngay lập tức được. Chờ xong một vòng đời công nghệ của một nhóm công ty khác không thành công, họ thấy R-Keeper đúng mới quay sang hợp tác với chúng tôi.
Trong 5 năm chông chênh ấy, có khi nào anh hoang mang với con đường mình đang theo đuổi?
Quả thật, có những lúc tôi tự hỏi mình có đáng để tiếp tục theo đuổi công việc này hay không. Tôi nghĩ, nếu bản thân làm một công việc khác, chuyên gia tài chính chẳng hạn, chắc chắn tôi sẽ dễ dàng thành công hơn với thu nhập chục ngàn đô một tháng, vậy tại sao phải theo đuổi ngành này. Cái giá mình bỏ ra đánh đổi là quá lớn mà tương lai lại mờ mịt. Cũng may tôi là người rất kiên trì với những gì đã chọn.
Sau 10 năm phát triển, liệu có thể nói rằng R-Keeper đã thành công chiếm lĩnh thị trường nhà hàng trong nước?
Về tổng quan, chúng tôi hiện đang dẫn đầu thị trường nội địa ở phân khúc trung & cao cấp, chiếm 50-60% thị phần với các khách hàng F&B lớn hàng đầu Việt Nam như Golden Gate, Redsun, Vin Group…, hợp tác với gần 2000 nhà hàng tầm trung & cao. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của R-Keeper vào khoảng 50%. Quan trọng là chúng tôi nhận được sự tôn trọng từ các đối thủ dù cùng hay khác phân khúc.
Có chăng tham vọng bành trướng đến 80-90% thị phần?
Chúng tôi luôn mong muốn nâng lên mức 70-80%, và có cơ sở để tin rằng sẽ đạt được, vì R-Keeper có giải pháp tầm quốc tế, đội ngũ nhân sự mạnh và hầu như không có đối thủ. Hàng chục công ty nước ngoài có công nghệ không kém gì R-Keeper, song vào Việt Nam 1-2 năm thì thất bại, phải rút lui. Lý do là giá cả chưa phù hợp và đội ngũ không ổn định. Các công ty nội địa ở phân khúc vừa & nhỏ khá ổn, nhưng nếu vươn lên phân khúc lớn thì lại yếu sức và công nghệ không đủ mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi không đặt mốc cụ thể cho việc mở rộng thị phần, do hiện tại công suất hoạt động của R-Keeper đang quá tải, nên tiến độ còn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng mở rộng kịp thời bộ máy công ty.
Theo tôi thấy, phân khúc dưới – nhà hàng nhỏ & vừa – mới chính là “mỏ vàng” đầy tiềm năng. R-Keeper có chiến lược gì cho thị trường rộng mênh mông đầy tiềm năng này?
Vẫn biết nó là “mỏ vàng” đấy, tuy nhiên, chúng tôi chủ trương đi theo chiến lược mở rộng một cách từ từ, thâm nhập phân khúc dưới bằng những chính sách khác nhau chứ không làm ồ ạt. Dù sao phân khúc này đã có những “người chơi” nhất định. Tuy có lợi thế về tiếng tăm và công nghệ, song nếu chúng tôi “tấn công” quá nhanh và sâu thì đó lại là một câu chuyện khác rất lớn về việc thay đổi chiến lược kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, dẫn đến thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh, trong khi rõ ràng R-Keeper không phát triển theo chiều hướng ấy.
Với tư cách là Tổng Giám đốc chi nhánh Dcorp R-Keeper Việt Nam kiêm Giám đốc Phát triển Thị trường Đông Nam Á, cá nhân anh đã có đóng góp/quyết định gì mang tính bước ngoặt cho R-Keeper?
Tôi là người đại diện của R-Keeper ở Việt Nam, thành quả đạt được có sự đóng góp của rất nhiều cá nhân. Riêng tôi thì thấy mình thuộc loại “lì” nhất, dù có lúc không như ý, nhưng tôi kiên định với con đường đã chọn, vì thế mới tạo ra được một R-Keeper mạnh mẽ như hôm nay.
Trong kinh doanh, đức tính mà tôi tự hào là sự tử tế, không bao giờ bán hàng bằng mọi giá, luôn chia sẻ với khách hàng tất cả sự thật. Có những khách hàng lớn đến với R-Keeper vì họ nhìn vào tập thể lẫn cá nhân tôi và thấy rằng đây là một đội ngũ đáng tin cậy.
Quyết định mang tính bước ngoặt lớn nhất của tôi đến ngay từ khởi điểm. Lúc đầu tổng công ty muốn tổ chức theo hướng một văn phòng đại diện quy mô nhỏ 5-10 người, ngân sách vừa đủ, luôn ở trạng thái tiết kiệm. Tôi phải đấu tranh, thuyết phục thay đổi cách tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô. Nếu vẫn giữ kiểu văn phòng đại diện nhỏ thì chắc chắn R-Keeper Việt Nam không thể đạt được thành tựu như ngày hôm nay.
Cảm ơn anh và chúc R-Keeper ngày càng lớn mạnh!