Hình thức kinh doanh đồng hồ cao cấp xách tay, với đà bành trướng ồ ạt, đang là mối nguy lớn đối với bước phát triển của thị trường đồng hồ chính hãng trong nước.
Cùng sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt thương hiệu đồng hồ cao cấp lừng danh vào Việt Nam vài năm gần đây qua nhiều nhà phân phối, thị trường mới này ở ta có bước chuyển mình rõ rệt. Các công ty phân phối đồng hồ hàng đầu có thể kể đến Tam Sơn (Patek Philippe, Vacheron Contanstin, Piaget, Chopard), Duy Anh (Cartier, Rolex), S&S Knightsbridge (MB&F, Jaquet Droz, L’epee…), The Hourglass S&S (Hublot, Frank Muller), S&S Timer (Richard Mille), Indosuisse Group (TAG Heuer, Blancpain, Breguet, Raymond Weil) và Miluxe (Speake-Marin, H. Moser & Cie, HYT, Bell & Ross, Fendi…).
Xu hướng kinh doanh, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội trở nên phổ cập cũng góp phần thúc đẩy thú chơi đồng hồ cao cấp ngày càng nở rộ ở hai thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM. Nhìn chung, thị trường đồng hồ cao cấp có vẻ đang tăng trưởng rất tốt.
Tuy nhiên, trông vậy mà không phải vậy, các nhà phân phối đang rất đau đầu với tình trạng kinh doanh đồng hồ cao cấp xách tay hoặc qua các shop online, thường được gọi là grey market – thị trường xám, một vấn nạn trầm trọng.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của thị trường xám, đơn giản bởi mức giá chênh lệnh đáng kể so với hàng chính hãng, do chiết khấu cao nhờ không phải chịu bất kỳ loại thuế gì. Thiệt hại mà thị trường xám tạo ra thực sự rất lớn, gây tác động xấu từ thương hiệu, công ty phân phối, đến cả khách hàng lẫn nhà nước.
Với nhà phân phối, rất không công bằng khi họ phải đầu tư khủng để mở showroom, chạy chiến dịch quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện giúp khách hàng hiểu được thông tin và giá trị của thương hiệu/sản phẩm…, để rồi khách đến các showroom chính thống xem và trải nghiệm nhưng không chốt hàng mà lại qua chốt bên xách tay vì giá rẻ hơn, biến các cửa hàng chính thống thành “bảo tàng” chỉ triển lãm chứ không bán được, trong khi các “tay buôn xám” kia trắng trợn mở của hàng chui, trắng trợn giành giật khách hàng nhờ chiết khấu cao, nhởn nhơ khoe khoang thành quả ăn sẵn nhờ công sức tiền bạc của nhà phân phối. Khó đong đếm được các nhà phân phối phải chịu tổn thất như thế nào bởi thị trường xám.

Với người mua, họ sẽ không thể kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm bởi có thể bị trà trộn hàng cũ độ lại, hàng lên kiểu vỏ chính hãng nhưng máy Hồng Kông, Đài Loan “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, rẻ hơn vài % song kèm theo đó là mối nghi ngại lớn. Chưa kể khâu bảo hành gặp nhiều khó khăn do nếu gửi ra nước ngoài sửa chữa sẽ phải giải trình về chứng nhận xuất xứ hàng hóa và giấy nhập khẩu ở cửa hải quan. Các thương hiệu rõ ràng cũng chịu ảnh hưởng xấu, mất uy tín bởi chất lượng không đảm bảo của nguồn hàng trôi nổi trên thị trường xám.
Chưa hề có biện pháp nào thực sự hiệu quả nhằm giải quyết vấn nạn thị trường xám đang lũng đoạn mọi ngành nghề kinh doanh chính hãng, trong đó có mảng đồng hồ cao cấp, một phần có thể do những khó khăn về công tác quản lý, dù nhà nước đã ban hành một số quy chế nhất định nhằm “siết chặt” hàng xách tay. Trong khi “sống chung với lũ”, vẫn trông chờ vào cơ chế quản lý chặt chẽ và hành động kiểm soát quyết liệt hơn của nhà nước, các nhà phân phối cũng đưa ra những “chiêu” riêng để tự cứu bản thân. Đó có thể là chế độ chăm sóc khách hàng hoàn hảo với quà tặng hay những chuyến đi được tài trợ sang nhà máy ở nước ngoài từ hãng, những sự kiện độc quyền cho khách mua sản phẩm…
Ông Lê Tú, Chủ tịch Miluxe, chia sẻ: “Các vị khách nên mua đồng hồ chính hãng, dù ở Miluxe hay những showroom chính hãng khác, khách hàng đều có thể mặc cả, chi phí sản phẩm chỉ cao hơn từ 5-10% nhưng rất xứng đáng vì sản phẩm đồng hồ chính hãng tuyệt đối đáng tin cậy, chúng tôi cung cấp chế độ bảo hành trọn vẹn cùng các chính sách ưu đãi đặc biệt cho khách hàng của hãng. Ngoài ra, nếu không mua đồng hồ chính hãng, khách sẽ khó có cơ hội mua được các phiên bản hiếm”.