Thẩm mỹ độc đáo của Bovet thể hiện qua chiếc đồng hồ sở hữu cỗ máy flying Tourbillon đặt trong bộ vỏ sapphire khác biệt.
Nổi tiếng bởi những cỗ máy thời gian gây ấn tượng cả về khía cạnh thẩm mỹ lẫn kỹ thuật, thương hiệu Thụy Sĩ Bovet 1822 đã dành chiến thắng lớn tại Grand Prix d’Horlogerie de Genève diễn ra vào năm ngoái với chiếc Recital 22 Grand Recital lấy cảm hứng từ chủ đề thiên văn.
Năm nay, hãng tiếp tục thu hút sự chú ý của giới mộ điệu tại SIHH 2019 (Geneva) bằng mẫu Recital 26 Brainstorm Chapter One mới, có thiết kế bộ vỏ mặt nghiêng được chế tác từ sapphire trong suốt chứa cỗ máy flying Tourbillon cấu tạo nhiều tầng.

Được giới thiệu lần đầu tiên trên mẫu đồng hồ Shooting Star Tourbillon vào năm 2016, bộ vỏ có mặt nghiêng này được lấy cảm hứng từ chiếc bàn làm việc từng thuộc về người ông của vị CEO đương nhiệm Pascal Raffy. Chế tác vỏ đồng hồ hoàn toàn bằng sapphire là một thử thách vô cùng khó khăn, khởi đầu từ bộ khung titan chỉ đính duy nhất một vòng bezel có 4 chiếc quai đeo, sau đó bộ vỏ và cỗ máy được gắn vào khung và vặn vít từ phía sau còn cầu nối được lắp lần lượt vào các mặt đế nghiêng.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2015, song cỗ máy flying Tourbillon lên dây cót bằng tay trên chiếc đồng hồ này đã có một số cải tiến, bao gồm bánh xe cân bằng biến đổi quán tính nhằm tăng cường độ chính xác và thiết kế phù hợp hơn với bộ vỏ đặc biệt. Các bộ phận đều được sắp xếp theo từng bậc liên hoàn vừa vặn theo thiết kế mặt nghiêng của vỏ đồng hồ.

Giới mộ điệu có thể chiêm ngưỡng hầu hết các bánh răng từ mọi góc độ, qua đường viền bên ngoài hoặc thiết kế mở của mặt số. Bên cạnh mặt số bằng nhôm có thể tùy biến màu sắc, ở vị trí 12 giờ là một lịch mặt trăng đối xứng với cỗ Tourbillon ở hướng 6 giờ, tất cả đều được đặt nghiêng vừa vặn theo thiết kế của bộ vỏ.
Mặc dù chỉ ra mắt phiên bản giới hạn gồm 26 chiếc, song mẫu đồng hồ (316.000 USD) này lại có hậu tố “Chapter One” (Chương Một) trong tên gọi, gợi mở khả năng xuất hiện các “Chapter” khác sử dụng công nghệ tương tự trong tương lai không xa.