Rượu vang thượng hạng không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn tốt cho danh mục đầu tư của các ông chủ.

Đầu tư vào rượu vang thượng hạng (fine wine) luôn được xem là một hạng mục đầu tư phổ biến đối với các cá nhân giàu có trên thế giới. Ngay cả những tỷ phú như Warren Buffet cũng đã từng nói rằng ít nhất 1% danh mục đầu tư nên dành cho rượu vang. Vì sao?

Kênh trú ẩn an toàn thời đại dịch

Ngay cả khi hầu hết các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán đang bị chao đảo giữa cơn cuồng phong mang tên covid-19, “hầm rượu vang” vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Điều này thể hiện qua “sức khỏe” của Liv-ex Fine Wine 1000, chỉ số đo lường mức tăng trưởng giá trị của 1000 chai vang tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới. Theo đó, vào tháng 4/2020 – thời điểm bùng nổ đại dịch – Liv-ex 1000 chỉ sụt giảm 3% tính từ đầu năm, so với mức âm 2 con số ở hầu hết thị trường chứng khoán. Giá trị của rượu vang thượng hạng sau đó đã phục hồi ấn tượng với mức tổng lợi suất +2.4% ghi nhận trên sàn Liv-ex 1000 trong năm 2020 giữa vô vàn thách thức về tình hình vĩ mô, và tiếp tục đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2021 khi Liv-ex 1000 đạt mốc +4.6% vào cuối tháng Năm.

Ảnh: The Image Factory

Trước rủi ro bong bóng tiền tệ do tác động của các gói kích thích, là một loại tài sản thực và sản phẩm xa xỉ, rượu vang thượng hạng càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bởi khả năng phòng ngừa lạm phát (Inflation Hedge). Nhu cầu thưởng thức rượu vang duy trì sự ổn định trên nhiều thị trường và nền kinh tế – đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như châu Á – đồng nghĩa với giá cả có thể tăng cùng với lạm phát. Cụ thể, trong suốt hơn hai thập kỷ qua, lợi suất bình quân hàng năm đã điều chỉnh theo lạm phát là +6.2%.

Sam Mudie, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Cult Wine (wineinvestment.com), một trong những thương hiệu uy tín hàng đầu châu Á về dịch vụ tư vấn đầu tư rượu vang cao cấp, chia sẻ với Robb Report Việt Nam: “Rượu vang thượng hạng duy trì mức lợi suất dương và ít biến động hơn so với thị trường vàng hay cổ phiếu, với tính cân đối giữa rủi ro và tiềm năng sinh lợi rất đặc biệt”.
Các vùng sản xuất rượu vang “lão thành” vẫn là điểm đến an toàn hàng đầu nhờ mức tăng trưởng ổn định do nhu cầu tiêu thụ phổ biến và ít biến động. Mudie cho rằng, trong ngắn hạn, “Bordeaux và Burgundy có thể là những đại diện được hưởng lợi hơn cả khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và thế giới bắt đầu hồi sinh từ đại dịch. Cả Bordeaux (+3.2%) và Burgundy (+6.62%) đều đã ghi nhận mức lợi suất dương đến cuối tháng 5/2021. Đặc biệt, Burgundy được xếp vào hàng top sinh lợi xuyên suốt các chỉ số vùng của Liv-ex”.

Ảnh: BIVB / Michel Joly

Tính tiêu sản đặc trưng của dòng sản phẩm này cũng là một trong số yếu tố tác động tích cực đến tiềm năng đầu tư. Giới thụ hưởng càng bật nắp thưởng thức bao nhiêu, số lượng chai vang quý càng trở nên hiếm hoi bấy nhiêu, đẩy mức giá của món hàng lên con số ngất ngưởng, mà đỉnh điểm là sức nóng từ những chai vang thượng thặng trên các sàn đấu giá danh tiếng. Tuy nhiên, để duy trì chất lượng cao nhất cũng như sự thuận lợi khi giao dịch, chai vang cần được “nghỉ dưỡng” trong điều kiện bảo quản vô cùng khắt khe, một dịch vụ mà Cult Wine đang cung cấp cho các khách hàng.

Theo đó, rượu vang sẽ được lưu trữ trong môi trường lý tưởng về ánh sáng, độ ẩm và hạn chế mọi khả năng rung động, tại các kho ngoại quan nhằm tránh phát sinh thuế và đảm bảo về chứng thực nguồn gốc xuất xứ, được giám sát nghiêm ngặt bởi hệ thống an ninh ở cấp độ cao nhất.

Đại dương xanh ở đâu?

Một hiện tượng đáng chú ý gần đây là các vùng rượu vang ghi dấu hiệu quả đầu tư ấn tượng lại là những cái tên như Champagne, Ý, và các thị trường mới nổi (Emerging Markets) thay vì “cây đa cây đề” như Bordeaux và Burgundy. Champagne đang vươn lên như một ngôi sao sáng giá. Điều này được thể hiện qua chuỗi thành tích đáng nể khi suốt 16 năm, Champagne liên tiếp giành ngôi vị thứ hai trên bảng xếp hạng Liv-ex 1000, với tổng mức lợi suất là +291.5% hay Tỉ lệ tăng trưởng gộp hàng năm CAGR (Compound Annual Growth Rate) ở con số vô cùng ấn tượng +8.9%, chỉ đứng sau “ông hoàng” Burgundy.

Những dự đoán lạc quan và mức lợi nhuận thu về hấp dẫn biến Champagne trở thành vùng đất thiên đường đối với các nhà đầu tư. (Ảnh: CIVB / Guillaume Bonnaud)

Sản lượng bình quân ở Champagne nhỉnh hơn so với các vùng trồng vang thượng hạng khác nên giá cả của những niên vụ mới khó có khả năng tăng cao do khan hiếm nguồn cung. Vì vậy, sức hút đổ dồn về dòng vang niên vụ lâu năm (back-vintage) chất lượng cao với tiềm năng rất lớn về sau, khiến chúng có xu hướng gia tăng giá trị bất luận khác biệt về niên vụ hay chất lượng. “Champagne back-vintage sẽ tăng giá theo thời gian khi số lượng giảm do nhu cầu thưởng thức, tạo nên tính khan hiếm. Một số chai Champagne niên vụ từ đầu những năm 2000 đã cho thấy sự tăng giá trở lại vào tháng 11 năm ngoái,” Sam cho biết.

Một “đại dương xanh” khác là các chai vang Tân Thế giới (New World wine) có chất lượng ngày càng cải thiện, song hành cùng các danh mục có giá trị đầu tư đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà phê bình vang. Hiệu suất đầu tư tính từ đầu năm đến cuối tháng 5/2021 của danh mục này theo chỉ số Liv-ex Rest of World cho thấy kết quả vô cùng ấn tượng với mức tăng trưởng +6.47%. Theo Liv-ex, tháng 3/2021 ghi nhận con số kỷ lục với 1440 chai được giao dịch, đánh bại kỷ lục từng được thiết lập trước đó vào tháng 11/2020, cho thấy sức hút khó cưỡng của thị trường rượu vang thượng hạng toàn cầu.

Có nên đầu tư rượu vang trong năm 2021?

Tính đến cuối tháng 5/2021, Liv-ex 1000 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng lợi suất 4.58% nhờ môi trường vĩ mô được cải thiện với các chiến dịch triển khai vắc-xin mạnh mẽ và sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế. Bên cạnh đó, các gói kích thích tài khóa và tiền tệ đang “bơm” một lượng tiền cần thiết vào hệ thống tài chính, vốn đang tìm đến các tài sản thực (real assets), bao gồm cả rượu vang thượng hạng.

Ảnh: BIVB / Image & Associés

Tuy nhiên, rủi ro của hoạt động đầu tư rượu vang thượng hạng trong giai đoạn hiện tại vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch và sự chuyển biến bất thường trong các chính sách vĩ mô. “Rượu vang có thể duy trì tính ổn định tương đối qua những đợt suy thoái, tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế sẽ tác động đến tiềm năng tăng trưởng trong tương lai gần”, Sam nhận định.

Các nền kinh tế phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp định hình tương lai thị trường rượu vang và các loại tài sản mang tính “thú chơi” khác. Với số lượng người giàu đang gia tăng mạnh mẽ có khả năng chi bạo cho xa xỉ phẩm nhằm nâng cao chuẩn sống thượng lưu, Việt Nam đang trở thành điểm đến của các thương hiệu vang tên tuổi.

Sam Mudie, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Cult Wine, một trong những thương hiệu uy tín hàng đầu châu Á về dịch vụ tư vấn đầu tư rượu vang cao cấp. (Ảnh: BIVB / Image & Associés)

Với những người chập chững đầu tư vang, theo kinh nghiệm của Sam, những tên tuổi cần đặc biệt chú ý trong giai đoạn khởi đầu phải kể đến vang Bordeaux, Burgundy và Champagne của Pháp cũng như Tuscany và Piedmont của Ý bởi chúng cho thấy tốc độ tăng trưởng ổn định cùng tính thanh khoản cao.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng 7&8 mang chủ đề “Health Or Wealth”)