Cuộc đua sản xuất “rượu từ tàu đắm” thu hút các tên tuổi như Wapisa, Ocean Fathoms và Veuve Clicquot.

Xuất phát từ cảng Santa Barbara vào một sáng thứ Bảy, hai chiếc tàu với công năng khác nhau cùng tiến về một đích đến nằm cách bờ gần 2 cây số. Trong khi chiếc tàu đầu tiên dạng hai thân tùy biến dài 24m phục vụ nhóm khách thượng lưu địa phương và giới sành điệu từ Los Angeles thì con tàu đánh cá cạnh bên lại chất đầy thiết bị cùng một đội thợ lặn với trang phục chuyên dụng. Đó là nhóm của Emanuele Azzaretto, nhà sáng lập Ocean Fathoms có trụ sở tại California cùng các cộng sự Jordane Andrieu và Todd Hahn. Bộ ba sẽ lặn xuống độ sâu 21m và kéo lên 1.800 chai Santa Ynez Sangiovese 2016, được “chôn” dưới đáy đại dương năm ngoái. Theo đó, các vị khách trên tàu có dịp thưởng thức vị vang “lạ” miệng. Không theo cách thức bảo quản truyền thống, những chai rượu của Ocean Fathoms được các nghệ nhân làm rượu “chôn” kỹ dưới “hầm rượu hoàn hảo từ thiên nhiên”.

Phải chăng đây là ý tưởng mới? Dĩ nhiên câu trả lời là không. Trước đó, hàng trăm chai sâm-banh được tìm thấy trong xác tàu gần 200 tuổi ở biển Baltic. Một số được đem đi đấu giá với mức giá kỷ lục. Đơn cử là một chai của Veuve Clicquot có giá 43.630 USD. Năm 2014, chương trình “Hầm rượu dưới đáy biển” của nhà Veuve Clicquot ra đời với cảm hứng từ vị vang của những con tàu đắm. Họ chuyển nhiều loại sâm-banh xuống biển Baltic vốn ở độ sâu hơn 39,5m bằng một thùng chuyên dụng, gọi là Aland Vault.

Dưới nước, rượu không chịu tác động của oxy, trong khi sự lên xuống của thủy triều giúp rượu trở nên ngon hơn.

Vậy loại vang dưới biển sẽ có mùi vị ra sao? Chủ nhân chai Wapisa, bà Patricia Ortiz, mô tả vị vang rất thanh, không quá chát và dậy mùi trái cây. Chuyên viên nếm rượu kiêm nhà sản xuất Rajat Parr hồi tưởng lại vị vang Monopole Gout Americain 1907 (4.700 USD) có độ chua rất ổn và mùi vị vang đầy sống động. Hay như chuyên gia rượu/tác giả Mark Oldman khi dùng thử rượu của Leclerc Briant tại Épernay (Pháp) lại tin rằng hương vị rượu biển rất khác, đặc biệt là độ đậm trong hương thơm và sự tươi mát của rượu.

Có thể nói việc thưởng vang “ủ” dưới đáy biển là một trải nghiệm đáng nhớ cho bất kỳ ai, ngoài mùi vị đặc biệt còn là quy trình tốn kém và đầy thử thách.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Năm mang chủ đề “The Symphony Of Time”)