Các thương nhân trên Con đường Tơ lụa cổ đại tin rằng những viên ruby (còn gọi là hồng ngọc hay ngọc đỏ) mang trong mình quyền năng huyền bí và có thể bảo vệ chủ nhân khỏi thế lực tà ác. Được phát hiện đầu tiên ở Myanmar vào đầu những năm 600 sau công nguyên, ruby mang màu đỏ đậm được xem là loại đá quý có giá trị nhất bởi gợi nhớ đến dòng máu của loài chim bồ câu.
Tuy nhiên, từ khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar cộng với sự trỗi dậy của kim cương, sức hút của ruby giảm sút nghiêm trọng. Giờ đây, sự xuất hiện của vùng mỏ ở Montepuez, miền bắc Mozambique đang thổi sống một sức sống mới vào thị trường đá màu này. “Đây là những viên đá tuyệt vời và mang tính thời đại, bởi cả thế giới lại một lần nữa say mê với vẻ đẹp, màu sắc độc đáo và sự hiếm hoi của ruby”, Ian Harebottle, Giám đốc điều hành của Gemstones, nhà khai thác đá quý lớn nhất thuộc tập đoàn Gemfields, cho biết.

Ruby đang trên đà hồi sinh

Theo Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA), việc phát hiện ra vùng mỏ trải rộng trên 500 km ở Montepuez vào năm 2009 đã nhanh chóng biến nơi đây trở thành nguồn cung ruby lớn nhất thế giới, chiếm 50% sản lượng toàn cầu. Trong lĩnh vực đá quý màu, nguồn cung quyết định tất cả mọi thứ. “Để đẩy mạnh quảng cáo và tiếp thị, bạn cần nguồn cung ổn định; và bạn cũng không thể trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành này nếu thiếu nguồn cung”, Harebottle nhận định. Đây chắc chắn là “liều thuốc kích thích mạnh mẽ” mà ngành ruby đang chờ đợi.
Doanh thu kỷ lục
Phiên đấu giá ruby Mozambique đầu tiên thực hiện tại Singapore vào tháng 6 năm 2014 đã thu về tổng cộng 33,5 triệu USD cùng mức giá trung bình 18,43 USD/carat – đơn vị trọng lượng cho đá quý, tương đương với 200 miligam. Theo Gemfields, giá bán trên mỗi carat ruby đang ngày một tăng cao. Cuộc đấu giá mùa hè năm nay đã thu về tới 44,3 triệu USD với mức giá trung bình 29,21 USD/carat.

Giá trị của Ruby ngày một gia tăng

Theo ước tính, đã có khoảng 31,6 triệu carat ruby được sản xuất từ hoạt động của vùng mỏ ở Mozambique, trong đó có 7,5 triệu carat được bán đấu giá thu về tổng cộng 195,1 triệu USD. Tuy nhiên, chất lượng của ruby thường không đồng đều, những viên đá ở dạng thô hoặc corundum đều được đưa vào nhóm chất lượng thấp nên giá bán không cao.
Những viên đá quý đi về đâu?
Richard Hughes, một chuyên gia trong ngành đá quý thuộc công ty Lotus Gemology, cho biết các thị trường ruby lớn nhất là Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ – những quốc gia chuyên về mảng chế tác và kinh doanh; cùng với đó là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ trong vị trí thị trường tiêu dùng.

Ruby châu Phi được đánh giá cao về chất lượng

“Sự thay đổi lớn nhất của ngành ruby trong vài thập kỷ qua là hiện nay có nhiều nguồn cung quan trọng ở Đông Phi – Mozambique, Madagascar, Tanzania; trong khi 40 năm trước hầu hết đến từ Thái Lan và Myanmar”, Hughes cho biết. Ước tính giá trị thương mại toàn cầu hàng năm của ruby đạt từ 500 đến 800 triệu USD.
Dù vậy, so với kim cương, ruby vẫn là ngành có quy mô tương đối nhỏ. Có tới 50 triệu carat kim cương được sản xuất mỗi năm, trong khi có khoảng 5 triệu carat ngọc lục bảo và chỉ chưa đầy 2 triệu carat ruby.
Dù rất khó để cạnh tranh về yếu tố huyền bí và lịch sử của ruby đến từ vùng Viễn Đông, trong khi xuất xứ chính là lợi điểm bán hàng chính trong ngành này. Thế nhưng, ruby Mozambique vẫn đang trên đà thành công bởi phần lớn ruby khai thác ở đây thường có chất lượng cao so với loại đá Mogok nổi tiếng ở Myanmar.

So với kim cương, ruby và các loại đá màu đa dạng sắc thái hơn

Lựa chọn mới đầy màu sắc
Kể từ những năm 1950, các loại đá quý màu đã bị “ánh hào quang” của những viên kim cương làm lu mờ bởi chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ từ De Beers. Trong thời gian gần đây, trước sự thay đổi về nguồn cung lẫn thị hiếu, các nhà sản xuất hy vọng những viên đá màu sẽ lấy lại được vị thế của mình.
“Thời đại của đá màu đã đến. Một viên đá quý với màu sắc rực rỡ là cách hoàn hảo để thể hiện cá tính bản thân thay vì một viên kim cương nhàm chán”, Christian Jordaan, Giám đốc điều hành công ty khai khoáng Mustang Resources, tin tưởng.

Chiếc vòng cổ của Cartier nổi bật nhờ các viên ruby

Đá ruby Mozambique và các loại đá quý có nguồn gốc châu Phi khác như ngọc bích từ Nigeria, tanzanite từ Tanzania, ngọc lục bảo từ Zambia và các mỏ mới được phát hiện ở Ethiopia… đang hiện diện ngày một nhiều trên đồ trang sức cao cấp Cartier hay Fabergé – các thương hiệu yêu thích của nhiều ngôi sao thích đeo trang sức làm từ đá quý.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự hồi sinh đáng kinh ngạc về mối quan tâm đối với đa màu. Thế hệ millennials đặc biệt yêu thích màu sắc”, Harebottle nói. “Sở thích mua sắm của họ rất khác với thế hệ cha mẹ, và quyết định của họ ít khi bị ảnh hưởng bởi tiếp thị”. Chúng ta sẽ thấy được nhiều viên ngọc châu Phi xuất hiện trong tương lai, và lục địa này đang được xem là “vườn Eden” cho những viên đá quý.