Công nghệ laser Femtosecond được sử dụng để tạo ra thiết kế dạng khắc cho Datejust mới với độ sâu chỉ vài phần mười micrômet.

Không khó để nhận ra điều gì làm nên vẻ nổi bật cho phiên bản Rolex Datejust 36 mới với kỹ thuật “ngụy trang” ấn tượng.

Tâm điểm của phiên bản Datejust cổ điển được “hồi sinh” chính là mặt số lấp lánh được trang trí bằng họa tiết lá cọ độc đáo. Tuy nhiên, kỹ thuật laser được sử dụng để tạo ra họa tiết này mới là điều gây chú ý khi sử dụng kỹ thuật trong y khoa để giúp loại bỏ đục thủy tinh thể.

Cận cảnh mặt số khắc laser của mẫu Datejust 36

Được giới thiệu vào mùa xuân năm nay, mẫu Datejust mới là một phần trong quá trình phát triển của một trong những mẫu đồng hồ nổi tiếng nhất của Rolex, vốn được sản xuất trong 76 năm qua. Ba phiên bản đồng hồ mô tả vẻ đẹp cách điệu của hệ thực vật vùng nhiệt đới, gồm: mặt lá cọ xanh trên dây đeo Oyster bằng thép; mặt lá cọ vàng trên dây đeo Oyster bằng vàng và thép có gờ nổi; mặt lá cọ bạc trên dây đeo thép và Everose Oyster có gờ rãnh. Phiên bản thứ tư sở hữu mặt số có rãnh bằng vàng hài hòa với vòng bezel đồng dạng và dây đeo Jubilee bằng vàng và thép.

Bốn mẫu Rolex Datejust mới nhất

Các bản khắc này (bao gồm cả thiết kế dạng rãnh) đều được thực hiện bằng công nghệ laser “nhanh như chớp”, dẫn lời Wired. Được phát triển trong những năm 1990, kỹ thuật này sử dụng các xung laser cực ngắn — một femto giây bằng một phần triệu của một phần tỷ giây — không tạo ra nhiệt để cắt vào bề mặt của một vật thể. Trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, tia laser được sử dụng để cắt vào bề mặt của mắt chính xác hơn cả bàn tay của bác sĩ phẫu thuật vững vàng nhất và sau đó vật cản sẽ được loại bỏ.

Đối với mẫu Datejust mới, những xung laser này hướng vào mặt số đồng thau, tạo ra một thiết kế phức tạp chỉ sâu vài phần mười micrômet. Và bởi vì đây là Rolex, một công ty nổi tiếng về việc giữ gìn các “bí thuật”, công đoạn khắc này được xử lý bởi một kỹ thuật viên tại xưởng sản xuất, không phải một chuyên gia bên ngoài.