“Thiết kế là một lĩnh vực rất đặc biệt…” – Đó là chia sẻ của Toan Nguyen – nhà thiết kế nổi tiếng thế giới, tác giả của nhiều dòng sản phẩm hợp tác với các thương hiệu trứ danh như Dedon, Laufen, Fendi Casa, Vibia, Viccarbe, Walter Knoll…
Ông có thể chia sẻ về hành trình sự nghiệp của mình? Đâu là cơ duyên dẫn ông đến với lĩnh vực thiết kế?
Tôi là người Pháp gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Paris, nhưng hiện sống và làm việc tại Ý. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia cao cấp về Sáng tạo công nghiệp ENSCI (Paris) chuyên ngành thiết kế vào năm 1995, tôi sang Barcelona học việc tại studio của nhà thiết kế Alberto Lievore, sau đó chuyển đến Milan vào năm 1998, và sau một thời gian ngắn thì được bổ nhiệm vào vị trí phụ trách bộ phận thiết kế tại studio của Antonio Citterio. Sau hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực thiết kế, năm 2008, tôi mở studio mang tên mình tại thành phố này.
Vì sao là Milan chứ không phải Barcelona hay Paris?
Tôi đã từng phân vân nên theo đuổi lĩnh vực thiết kế công nghệ cao ở thị trường Mỹ hay chọn công việc thiết kế tại Ý. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là mình đến Ý để có thêm kinh nghiệm sau thời gian thử sức ở Barcelona. Nhưng rồi cuối cùng tôi lại quyết định chọn Ý để phát triển sự nghiệp vì trong lĩnh vực thiết kế, Milan vẫn luôn được xem là thánh địa đối với bất cứ nhà thiết kế nào muốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và thiết lập mối quan hệ với các đối tác và khách hàng trên toàn cầu. Có nét tương đồng với Barcelona ở một số khía cạnh, nhưng Milan có sức hút mạnh mẽ hơn đối với những người trẻ muốn khám phá bí mật của ngành thiết kế nước này. Ngành thiết kế của Ý vang danh thế giới nhờ lịch sử di sản, truyền thống tay nghề thủ công đỉnh cao, sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Chính vì thế, tôi muốn đem trải nghiệm, kinh nghiệm mà mình có được tại Ý để chia sẻ với các đối tác trên toàn cầu.
Ông có thể chia sẻ thêm về studio của mình? Đối tác và khách hàng của studio chủ yếu đến từ thị trường nào?
Với chỉ 7-8 nhân sự, studio của chúng tôi tập trung vào human scale, cho phép mọi người tương tác và tạo ra những thiết kế độc đáo. Phát triển thiết kế trong nhiều mảng, từ các sản phẩm nội thất, đèn, các sản phẩm sứ và công nghệ, chúng tôi hợp tác với các thương hiệu hàng đầu thế giới ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á như Dedon, Laufen, Fendi Casa, Coalesse, Teknion, Studio TK, Vibia, Viccarbe, Walter Knoll, Lema, Busnelli, RH…
Gắn với nhiều sản phẩm nổi tiếng, ông có thể cho biết phong cách thiết kế của mình là gì?
Với tôi, thiết kế là một lĩnh vực đặc biệt, luôn có mối liên kết và ràng buộc với món đồ mà bạn muốn tạo ra cũng như đối tượng sử dụng nó. Đó là mối liên hệ vật lý với người sử dụng, dù đó là mục đích tạo ra chiếc ghế, mẫu đèn, hay bồn rửa cho họ. Khi thiết kế, tôi luôn nghĩ đến người sử dụng sản phẩm, và đặt mình vào vị trí của họ. Tôi cho rằng, sản phẩm phải tiện lợi về tính năng, nhưng đồng thời phải sở hữu vẻ duy mỹ để mang đến cảm xúc cho người sử dụng, khiến họ cảm nhận được giá trị gia tăng ẩn chứa đằng sau sản phẩm. Với tôi, đó là tiêu chí để hướng đến nhằm mang đến những sản phẩm chinh phục khách hàng chứ tôi không quan niệm sản phẩm của mình phải mang phong cách nào và do vậy, tôi không đi tìm nó.
Dự án nào được xem là thách thức nhất đối với ông và điều gì khiến ông hài lòng nhất với nó?
Dự án thách thức nhất ư? Có khi chính là quyết định mở Toan Nguyen studio đó (cười). Vì 2008-2009 là thời điểm khủng hoảng kinh tế ở châu Âu nên hầu như doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng gặp khó khăn trong kinh doanh. Bởi thế, khi biết tôi mở công ty, bạn bè ai cũng cản. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác mà chỉ làm theo sự mách bảo của lý trí và con tim.
Còn nếu xét về khía cạnh kỹ thuật, có lẽ Ino – dự án thiết kế cho Laufen – là thách thức nhất. Đó là bộ sưu tập thiết bị nhà tắm, bao gồm chiếc bồn rửa và kệ siêu mảnh được làm từ SaphirKeramik, một loại vật liệu sứ siêu bền và dễ uốn hơn so với sứ thủy tinh hoặc sứ thường. SaphirKeramik có thể biến đổi vật liệu cũ thành các hình dạng hoàn toàn mới với bán kính và các gờ cạnh được xác định kỹ lưỡng. Loại vật liệu mới này quả là một thách thức lớn đối với các nhà thiết kế như tôi, tuy nhiên, chính điều đó cũng tạo ra hưng phấn để tôi theo đuổi và hoàn thành dự án. Ino đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế danh giá.
Đâu là thách thức nói chung đối với ngành thiết kế, thưa ông?
Thách thức nói chung trong ngành này là người tiêu dùng không tìm thấy lý do thực sự thuyết phục để móc hầu bao tậu một mẫu sô-pha mới, một chiếc đèn mới hay một bồn rửa mới nếu nó không có gì vượt trội. Vì thế, nhà thiết kế phải không ngừng sáng tạo để đảm bảo rằng sản phẩm của mình không phải là bản sao của những mẫu trước đó.
Nhận định của ông về xu hướng thiết kế nội thất trong những năm gần đây?
Tôi cho rằng, trong kỷ nguyên số, nơi con người phải gồng mình với nhiều áp lực cuộc sống, căn nhà là nơi trú ngụ an bình nhất. Vì thế, nơi chúng ta quây quần cùng nhau nhiều hơn cả là gian bếp, chứ chưa hẳn là phòng ngủ hay phòng khách. Do đó, các căn bếp có diện tích rộng rãi, thông thoáng, hiện đại sẽ được ưa chuộng hơn. Bên cạnh đó, wellness là một xu hướng mới trong không gian sống, đặc biệt là với thế hệ millennial, vì thế, sauna, phòng tắm đang được đầu tư mạnh tay hơn. Xu hướng tích hợp không gian bên ngoài cũng được chú trọng hơn. Con người đang muốn tạo ra nhiều mảng xanh hơn cho không gian sống.
Ông nghĩ gì về thị trường Việt Nam? Trong tương lai ông có kế hoạch mở văn phòng tại đây không?
Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng với nhiều dự án bất động sản quy mô, kéo theo nhu cầu thiết kế các sản phẩm và thiết bị nội thất. Nếu có cơ hội, tôi muốn thử sức mình để đóng góp nhiều hơn cho thị trường tiềm năng này.
Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công hơn nữa!