Theo thống kê thì chỉ chừng mươi năm nữa thôi, người Việt sẽ phải đối diện với tình trạng lão hóa dân số. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như ở mọi con phố Hà Nội hôm nay, luôn đông đúc các cụ có tuổi. Thường lúc đấy là buổi sáng tinh mơ sớm, các cụ khoan thai vui tươi quây quần thành từng đám nhỏ, thong thả tập thể dục. Có cụ thoạt nhìn, nhất là mấy cụ ông, nếu phải so với tuổi thì thật quá trẻ. Đấy là do cái kiểu cách quần áo mà cụ đó đang mặc. Hoặc là sơ mi “chim cò”, hoặc quần “soóc” lửng kaki mầu khá chói. Chắc hẳn là do bọn con cái vô tâm khi mua biếu bố mẹ. Hoặc do tiện hơn, chúng nó mua không dùng thì các cụ dùng. Nhìn mấy cụ bà đã ngoại thất tuần mà vẫn mặc bộ đồ thể thao “bo đì” rực rỡ đỏ, chợt thấy cuộc đời bỗng dưng thêm đôi phần nhẹ nhõm. Duỗi chân duỗi tay xong xuôi, vẫn theo từng nhóm, các cụ ngồi tán chuyện nổ như bắp rang bơ. Nhiều lúc tranh luận bí, các cụ cũng rút Smartphone ra, vào mạng vừa lướt “phây” vừa tra “gúc gồ”. Ai dám bảo người cao tuổi ở ta là không thời thượng.
Nước Việt thời phong kiến có hẳn những tiêu chí để cụ thể định nghĩa thế nào là người già. Đầu tiên phải là chuyện niên kỷ. Đại loại, cứ đến sáu mươi tuổi là lên lão. Lệ này có từ đời Hồ Hán Thương (1401-1407). Từ sáu mươi trở lên được tha tiền thuế và các dao dịch sưu sai. Có điều, trước khi “thật lão”, thì theo phong tục dân gian, bắt buộc phải trải qua hai lần “test” tuổi. “Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”. Đại loại phải vượt hai ngưỡng đó mới chính thức được coi là sơ thọ.
Người Việt nói chung, nhất là các làng còn giữ được nhiều tục cổ, luôn có nếp tôn kính người già (trọng xỉ). Hà Nội cách đây chưa quá lâu thì cũng như vậy thôi. Bởi đa phần các phố nghề cũ kỹ ở đất Kẻ Chợ, ví như Hàng Bạc, Lò Rèn…hoặc như nghề làm giò chả ở lấm tấm”xôi đỗ” khắp nội ngoại thành, thì cũng đều xuất xứ từ các vùng quê. Tất nhiên cũng có nhiều vùng thiên về trọng Khoa (đỗ đạt lớn) hay trọng Hoạn (quan chức cao). Có điều, ngày xưa chưa có chương trình đào tạo văn minh “tại chức”, nên hầu hết quan lại được chọn qua chính danh thi cử cồng kềnh tốn kém thời gian. Thường khi có đôi chút thành đạt thì tuổi cũng không còn trẻ. Vì thế ở những vùng đất nổi tiếng hiếu học, việc có các cụ “ba trong một”, vừa “xỉ” vừa “khoa” vừa “hoạn” là vô cùng đông đảo. Trường hợp như danh nhân Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là không hề hiếm. Làng hoặc phường phố có việc hay soạn cỗ, đương nhiên các cụ như vậy sẽ trân trọng được xếp ngồi chiếu cao. Tính cụ Nguyễn thích đùa, nên trong bài “tự trào” có câu “thủ lợn nhìn ông đà nhẵn mặt”. Phải là người già cực kỳ lịch duyệt lão thực mới dám “hỗn” như cụ.
Nước Việt có truyền thống tôn trọng người cao tuổi, phần lớn là nhờ những ảnh hưởng tích cực từ “chữ Hiếu” của Nho giáo. Minh quân của Đại Việt là Trần Nhân Tông tự hào lấy thụy hiệu là “Hiếu Hoàng”. Cổ nhân bảo, tuổi tác của cha mẹ không thể không biết. Một là để mừng, hai là để lo. Người già ở phố hay ở đâu cũng vậy, luôn cần một sự quan tâm chân thành của cả xã hội, đặc biệt là từ đám con cái đang văn minh dư dật. Đừng để bao giờ xảy ra cái cảnh, “trẻ thì cậy cha nhưng già thì cậy tủ”. Bởi Hiếu là Thiên Lương, nó không phải là sự báo đáp. Nó giống hệt như niềm vui nỗi buồn của lòng nhân từ bố mẹ nuôi con lúc nhỏ.