Tại buổi đấu giá đầu tháng 3 vừa qua tại Luân Đôn, 36 trong tổng số 41 tác phẩm nghệ thuật đã được trao tay, giúp tỷ lệ bán đạt mức cao nhất đến 95% của nhà đấu giá Phillips.

Trong bối cảnh u ám khi cuộc chiến đang dần leo thang tại Ukraine, Phillips đã tiếp bước theo các đối thủ cạnh tranh của mình là Sotheby’s và Christie’s, tổ chức một buổi tối đấu giá dành riêng cho những tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại tại trụ sở chính ở London và mang về số tiền 29,9 triệu bảng Anh (40 triệu USD) vào đầu tháng qua. Tổng số tiền thu được đã vượt qua con số 24,8 triệu bảng Anh kèm theo phí bảo hiểm (34,2 triệu USD) của đợt giao dịch tương tự vào tháng 4 năm ngoái trên tổng số 30 lô đấu giá.

Ở lần giao dịch này, 36 trong tổng số 41 lô được Phillips bán ra thành công, giúp tỷ lệ bán đạt mức cao nhất là 95%. Tám tác phẩm, bao gồm những tác phẩm của David Hockney, Günther Förg và Henry Moore, đã được bảo vệ tuyệt mật với sự hỗ trợ của đơn vị thứ ba trước khi đem chào bán. Vì có đến bốn lô được thu hồi trước khi sự kiện diễn ra, cuộc đấu giá ​​ban đầu được dự kiến chạm mức 24,7 triệu – 36 triệu bảng Anh (33 triệu – 48 triệu USD). Số tiền thu về sau cùng là 40 triệu USD (29,9 triệu bảng Anh) bao gồm cả phí bảo hiểm.

Henry Highly, người đấu giá của Phillips, đã dẫn dắt phiên đấu đặc biệt này trong bầu không khí ảm đạm bao trùm gian phòng khi những báo cáo về các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào các tổ chức tài chính chủ chốt của Nga và các đồng minh có giá trị ròng cao của Putin, sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào cuối tháng 2, tiếp tục leo thang.

Sau một thông báo vào đầu tháng này về việc lên kế hoạch bán bức tranh của Basquiat với giá trị 70 triệu USD vào tháng 5 – đánh dấu một cột mốc giá cho nhà đấu giá, Phillips hiện đang được chú ý với vị thế là một công ty thuộc sở hữu của Nga khi xung đột vũ trang trở nên căng thẳng hơn. Trong bối cảnh tập đoàn Mercury cao cấp có trụ sở tại Moscow phải chịu một số giám sát về quyền sở hữu nhà đấu giá, Phillips đã cam kết sẽ quyên góp số tiền thu được từ phí bảo hiểm của người mua và hoa hồng của nhà cung cấp từ sự kiện lần này cho một quỹ cứu trợ Ukraine. Sau phiên đấu giá, số tiền thu thu về cho mục đích thiện nguyện là 5,8 triệu bảng Anh (7,7 triệu USD).

“Tất nhiên không có khoản tài trợ tài chính nào có thể khắc phục được hết tình trạng tồi tệ này”, người phát ngôn của Phillips chia sẻ với ARTnews trong một thông cáo chung.  “Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận rằng mình đang có vai trò chính trong việc dẫn dắt thị trường nghệ thuật tham gia vào công tác đóng góp cứu trợ, thông qua đó thể hiện tình đoàn kết của chúng tôi với người dân Ukraine theo cách có ý nghĩa và thiết thực nhất”.

Bức tranh của David Hockney có tựa đề Self-Portrait on the Terrace (năm 1984) là tác phẩm thu về số tiền cao nhất khi được bán với giá cuối cùng là 4,9 triệu bảng Anh (6,5 triệu USD). Bức tranh trên vải canvas với sắc đỏ, hồng và trắng ra đời năm 2016 của Cecily Brown – When Time Ran Out là tác phẩm bán chạy thứ hai, với mức giá cuối cùng là 3,7 triệu bảng Anh (4,2 triệu USD), so với ước tính ban đầu là 2 triệu bảng Anh (2,7 triệu USD).

Một bức tranh vẽ năm 2015 của Nicolas Party có tựa đề Houses, với điểm nhấn là năm cấu trúc rực sắc cùng nhiều độ cao khác nhau, đã thu hút nhiều nhà đấu giá từ London. Cuối cùng, tác phẩm đã về tay một người đấu giá qua điện thoại sau khi họ thảo luận với chuyên gia nghệ thuật đương đại Charlotte Gibbs tại chi nhánh Phillips ở Anh, với giá cuối cùng là 1,5 triệu bảng Anh (1,9 triệu USD).

Một tác phẩm của họa sĩ người Anh – Jadé Fadojutimi, người sở hữu những tác phẩm có giá tăng nhanh chóng mặt trong những phiên đấu giá suốt năm qua, đã nhận được sự chú ý từ người mua châu Á. Bức tranh vẽ năm 2020 của bà –A Cropped Perspective of This Whirlwind Effect, một tác phẩm trừu tượng với bảng màu xanh lá cây, đã được Kevie Yang – người đứng đầu bộ phận cố vấn khách hàng của Phillips hiện đang làm việc tại New Yorks, và Kathy Lin, người liên lạc khách hàng tại London cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tranh giành quyết liệt. Tác phẩm được bán cho vị khách hàng của Lin với giá 627.500 bảng Anh (854.000 USD) kèm theo phí bảo hiểm, gấp bốn lần giá ước tính 150.000 bảng Anh (204.000 USD).

Trong lần ra mắt đầu tiên của mình, một tác phẩm của nghệ sĩ Lauren Quin đến từ Los Angeles đã được ​​ba người đấu giá từ Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Hoa đại lục tranh giành quyết liệt. Là lô đầu tiên được đấu giá, tác phẩm trừu tượng, có tựa đề Air Sickness (2021), đã thúc đẩy sự sôi động khi nó được bán với giá cuối cùng là 441.000 bảng Anh (600.000 USD), gấp hơn 10 lần so với ước tính sàn là 30.000 bảng Anh (40.000 USD). Nhưng tốc độ đó đã chững lại khi đợt giao dịch tiếp tục diễn ra.

Chỉ có một kỷ lục được thiết lập trong đợt đấu giá ở London, ngang bằng với thành tích từ vụ bán tại London giữa mùa giải năm 2021; kỷ lục duy nhất được thiết lập tại buổi đấu giá đó được trao cho nghệ sĩ Tunji Adeniyi-Jones. Tác phẩm trên vải canvas – Chalet (năm 2019) của Issy Wood, một bức tranh chân thực mô tả cận cảnh một đôi găng tay da đen, được bán với giá 441.000 bảng Anh (590.499 USD), gấp bốn lần với giá ước tính là 100.000 bảng Anh. Mức giá này đã vượt qua kỷ lục trước đó của Wood là 468.750 USD được thiết lập vào năm 2021.