Dù đối mặt với vô vàn thách thức thời hậu đại dịch, nhưng Savile Row vẫn lạc quan về tương lai của mình.

Có lẽ ai cũng hiểu rằng trong vài năm gần đây, Savile Row đang đối mặt với tình trạng kinh doanh bấp bênh. Sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng và giá thuê mặt bằng tăng cao đã tạo nên những vết nứt loang lổ trên bức tường huyền thoại của pháo đài may đo xứ sương mù. Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 đang càn quét và định hình lại thế giới, ai cũng nghĩ rằng những vết nứt này sẽ nhanh chóng khiến cả pháo đài mang tên Savile Row sụp đổ. Vậy nhưng, thật khó tin là ngành may đo tùy biến trên con phố cổ kính này vẫn cho thấy tinh thần lạc quan cùng sự ngạo nghễ đúng chất của người Anh. Các tiệm may đo vẫn sáng đèn, các nghệ nhân vẫn cặm cụi bên những sớ vải với khả năng tốt nhất của mình, bất chấp khó khăn và nghịch cảnh.

Vấn đề gây ám ảnh nhất đối với các thương hiệu may đo ở Savile Row luôn là mức thuế tài sản và tiền thuê nhà do một số ít chủ nhà áp đặt cho người thuê. Theo Anda Rowland, Giám đốc điều hành thương hiệu Anderson & Sheppard, các chủ bất động sản cho thuê “không quan tâm đến đặc thù của ngành may đo bespoke – một lĩnh vực có lợi nhuận tương đối thấp”. Simon Cundey, Giám đốc điều hành của Henry Poole, cho rằng mức giá thuê mặt bằng tại đây quả là đáng sợ. “Ngay cả trước dịch bệnh, mức thuế này đã cao khủng khiếp và khiến nhiều thương hiệu đã phải trả mặt bằng”.

Colin Heywood, Giám đốc kinh doanh của Anderson & Sheppard

Năm ngoái quả là một khoảng thời gian đầy thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp Anh khi Hoa Kỳ tăng thuế xuất khẩu lên 25%. Hơn nữa, việc nới lỏng các quy tắc ăn mặc nơi công sở (Goldman Sachs gửi thư cho 36.000 nhân viên của mình để thông báo rằng họ sẽ được ăn mặc thoải mái hơn nơi công sở) sẽ khiến nhu cầu sở hữu tủ trang phục “nghiêm trang” giảm xuống. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp may đo phải phát triển và thích nghi với nhu cầu thay đổi nếu không muốn bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.

Năm ngoái, Hardy Amies và Chester Barrie ở Savile Row đã phải đóng cửa vì nhiều lý do, bao gồm khó khăn tài chính, sự khác biệt về sáng tạo và không thể bắt kịp nhu cầu thay đổi của thời cuộc. Vào đầu năm nay, con phố Savile Row dài hơn 150 m đã gần như quỵ xuống khi đón nhận thông tin đóng cửa của Kilgour – một thương hiệu may đo danh tiếng với bề dày lịch sử hơn 140 năm đã góp phần mang lại danh tiếng cho Savile Row kể từ năm 1880.

Đại dịch đã buộc các cửa hiệu tại Savile Row phải đóng cửa, đồng thời hủy bỏ hoặc trì hoãn nhiều chương trình hay sự kiện trunk show. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, khí chất và niềm kiêu hãnh của người Anh được thể hiện một cách rõ nét nhất. Các nghệ nhân may đo ở Savile Row vẫn đang không ngừng sáng tạo để hoàn thành các đơn đặt hàng. Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, cửa hiệu của Norton & Sons cũng đã bị đóng cửa, nhưng “các thợ may của chúng tôi vẫn hăng say làm việc tại nhà” – Patrick Grant, Giám đốc thương hiệu, chia sẻ. Hẳn nhiên, giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến kết quả công việc của các nghệ nhân do đặc thù của công việc này. Vì mỗi nhóm chỉ có thể làm việc với một công đoạn nhất định nên sản phẩm cuối cùng sẽ vẫn phải đợi cho đến khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Cad & The Dandy và Huntsman là những tình huống khác bởi cả hai đã nỗ lực đóng góp cho chiến dịch chống Covid-19 bằng cách sản xuất thiết bị PPE. James Sleater, chủ nhân thương hiệu Cad, chia sẻ với Robb Report rằng họ đã nhận được nhiều yêu cầu về khẩu trang và trang phục y tế cho các viện dưỡng lão, phòng chăm sóc đặc biệt hay các bệnh viện.

Với các chủ doanh nghiệp Savile Row hiện đang làm việc tại nhà, áp lực có thể được giảm bớt để có thể hoạch định cho tương lai. Henry Poole đang ấp ủ một concept hoàn toàn mới để đa dạng hóa bộ sưu tập của mình với những món đồ độc đáo và hoàn toàn khác biệt so với những gì họ đã làm trong lịch sử hơn 200 năm. “Chúng tôi đang mở rộng khả năng cung cấp với các loại vải canvas mềm khác nhau gợi nhớ vùng Naples. Chiếc áo của bạn vẫn có được phom dáng của Poole mà vẫn rất nhẹ.” – Cundey chia sẻ. Trong khi đó, Richard Anderson cho biết rằng, “giai đoạn này đã cho chúng ta thời gian để suy nghĩ về các thiết kế mới cho mùa thu, khi mà mẫu áo khoác safari đặc trưng của chúng tôi đã được làm mới từ loại vải kẻ sọc Glen Plaid chưa từng xuất hiện”.

Năm ngoái, Drake Drake đã mở một cửa hàng mới ở Savile Row và J.P. Hackett chuyển đến tòa nhà Hardy Amies cổ kính. Ciffonelli cũng đã dọn đến Savile Row, và Thom Sweeney đang dự định mở một cửa hiệu bespoke rộng 288m2 và một cửa hiệu RTW vào mùa thu, một cửa hiệu tóc cùng một quán bar cocktail. Tất cả những cái tên này đều sở hữu một lượng khách hàng tinh tế với gu thẩm mỹ tốt, và điều này chắc chắn sẽ giúp thu hút mọi người đến với Savile Row hơn nữa.

Nhà tạo mẫu thời trang nam Tom Stubbs gần đây đã được The Pollen Estate – chủ sở hữu bất động sản cho thuê lớn nhất tại con phố này – mời làm đại diện cho Savile Row, theo đó, Tom sẽ có nhiệm vụ truyền tải nguồn năng lượng mới cho con phố bằng các triển lãm, pop-up, sự kiện…. đồng thời lên kế hoạch phục hồi Kilgour. Tom cũng sẽ gõ cửa Dobrik & Lawton, thương hiệu được yêu thích bởi đường may sắc sảo cùng triết lý kinh doanh lành mạnh; thảo luận với Bianca Saunders, một ngôi sao đang lên trong thế hệ tiếp theo của các nhà thiết kế trẻ người Anh. Với tổng cộng 25 thương hiệu trong danh sách của mình, Tom luôn mong muốn giữ được phong cách truyền thống của Savile Row nhưng với cách tiếp cận hiện đại hơn.

Đại dịch đã buộc các cửa hiệu ở Savile Row đóng cửa, nhưng không làm mất đi khí chất và niềm kiêu hãnh của người Anh. Trong hình là một nghệ nhân của cửa hiệu Norton & Sons

Công cuộc tái tạo Savile Row không chỉ liên quan đến các nghệ nhân may đo hay các thương hiệu mới. Tom đang lên kế hoạch thổi một luồng gió mới vào con phố mang đầy khí chất của người Anh bằng cách kết hợp nhà hàng và quán bar vào không gian may đo bespoke truyền thống. “Savile Row cần một dịch vụ giải trí chuyên về phong cách sống”, James Sleater nói và nhấn mạnh sự thành công của Mount Street, một con phố gần đó trong việc tiếp thị khu vực này, nơi có các quán bar với chỗ ngồi ngoài trời cùng các kiểu trang trí bằng hoa.

Đại dịch Covid đã làm thay đổi thái độ và hành vi của chúng ta đối với mọi thứ – từ cách thức cho đến đối tượng tiêu thụ. “Trong một thế giới hậu Covid, hơn bao giờ hết, tôi nghĩ mọi người sẽ coi trọng những gì thuộc về tay nghề thủ công và chủ nghĩa địa phương”, Grant bộc bạch. Tình hình hiện tại đang khiến chúng ta phải coi trọng và trân trọng những điều mà trước đây có thể được coi là điều hiển nhiên. Và tất cả những gì chúng ta cần làm là thể hiện chúng bằng mọi nỗ lực.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Tám mang chủ đề “New Era of Personalization”)