Với không gian đủ cho 160 nhà khoa học, con tàu còn được trang bị 22 phòng thí nghiệm tối tân, phục vụ quá trình nghiên cứu đại dương.

Khái niệm phòng thí nghiệm nghiên cứu đã không còn quá xa lạ với những con tàu thám hiểm thông thường, nhưng tại Iddes Yachts – công ty thiết kế quốc tế do kiến ​​trúc sư hải quân Iván Salas Jefferson đứng đầu – “phi thường” mới là điều họ nhắm đến. Theo đó, một con tàu “ngoài hành tinh” khám phá “vũ trụ” đại dương sẽ sớm được ra mắt.

Đúng với cái tên Earth 300‚ con tàu mang sứ mệnh thực hiện các cuộc thám hiểm nghiên cứu để “đương đầu với những thách thức lớn nhất của hành tinh”. Với kỹ thuật đóng tàu của NED, Earth 300 có độ dài 300 mét, thậm chí còn dài hơn RMS Titanic (270m). Phần lớn diện tích được dành cho các thiết bị khoa học và công nghệ từ Thung lũng Silicon.

Trên thực tế, Earth 300 có không dưới 22 phòng thí nghiệm tối tân. Tuy nhiên, chi tiết đáng chú ý nhất của con tàu là “quả cầu khoa học” đầy ấn tượng nằm trên boong phía sau. Iddes cho biết quả cầu đen tuyền chứa đựng cả một “thành phố khoa học” – một khu vực rộng lớn dành riêng cho nghiên cứu đại dương, với vẻ ngoài tham vọng không kém gì những mục tiêu của nó.

Earth 300 Science Sphere
Quả cầu đen tuyền chứa đựng cả một “thành phố khoa học” – một khu vực rộng lớn dành riêng cho nghiên cứu đại dương,

Con tàu còn được trang bị hệ thống Robotics và AI mới nhất, cùng với một đội tàu ngầm tiên tiến để hỗ trợ các nghiên cứu dưới biển sâu.

Jefferson chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo ra một vật thể đầy cảm hứng. Bất cứ ai khi nhìn vào khối cầu sẽ được gợi nhắc về trách nhiệm bảo vệ Trái Đất. Đối với những người đặt chân vào bên trong khối cầu và chứng kiến những nỗ lực đang diễn ra tại ’thành phố khoa khoa học’ này, chúng tôi muốn họ được truyền cảm hứng để ’kiến tạo’ nên giải pháp cho những vấn đề toàn cầu.”

Ngoài “quả cầu khoa học”, Earth 300 còn có một đài quan sát nổi bật không kém, cung cấp tầm nhìn tuyệt vời về cảnh quan xung quanh. Boong trước của tàu còn được trang bị một sàn đáp dành cho trực thăng để hỗ trợ việc thăm dò trên không, đồng thời cung cấp phương tiện vận chuyển đến và đi từ tàu khi cần thiết.

Earth 300 còn có một đài quan sát nổi bật không kém, cung cấp tầm nhìn tuyệt vời về cảnh quan xung quanh.

“Pháo đài nổi” này có sức chứa hơn 400 người, bao gồm 160 nhà khoa học, 20 chuyên gia lưu trú, 20 sinh viên, 40 khách VIP và khoảng 165 phi hành đoàn.

“Con tàu sẽ sở hữu các đặc điểm của một chiếc tàu thám hiểm, tàu nghiên cứu, và du thuyền hạng sang, nhưng nó lại không phải là bất cứ thứ gì kể trên”, Giám đốc điều hành của Earth 300, Aaron Olivera cho biết

Boong trước của tàu còn được trang bị một sàn đáp dành cho trực thăng để hỗ trợ việc thăm dò trên không

Không nằm ngoài mong đợi từ một con tàu nghiên cứu đại dương, Earth 300 được thiết kế để hoạt động không phát thải nhờ lò phản ứng muối nóng chảy (MSR). Công nghệ hạt nhân này được cho là cung cấp năng lượng sạch, bền vững và rẻ hơn các loại động cơ đẩy khác. Nghiên cứu về MSR tuy bị đình trệ trong thập niên 1970, nhưng đã có sự trở lại trong những năm gần đây. Trên thực tế, một startup mang tên Seaborg Technologies của Đan Mạch vừa huy động thành công 24 triệu USD để phát triển công nghệ này.

Dự án phát triển Earth 300 đã hoàn thành xong khâu thiết kế sơ bộ và kỹ thuật đóng tàu, cũng như thu hút được một số đối tác tiềm năng, bao gồm IBM, RINA, Triton Submarines và EYOS Expeditions. Iddes dự kiến Earth 300 sẽ được hạ thủy vào năm 2025, vừa đủ thời gian để tuyển dụng thêm phi hành đoàn.