Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á – Đông Bắc Á và Maldives của tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế Accor Hotels đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với Robb Report.

AccorHotels vừa tổ chức thành công Tuần lễ Ẩm thực Sài Gòn 2019 tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon, quy tụ 9 nữ đầu bếp đạt sao Michelin danh tiếng từ khắp nơi trên thế giới, ông có thể chia sẻ lý do tập đoàn ông thực hiện sự kiện này?

Thực sự tôi đã rất phấn khích vì đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một sự kiện ẩm thực lớn mà những nhân vật chính là các nữ đầu bếp, và có đến 9 tên tuổi sao Michelin đồng ý tham gia. Thật vui mừng khi Tuần lễ Ẩm thực Sài Gòn 2019 đã diễn ra thành công, tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với những tín đồ yêu ẩm thực. Hẳn nhiên, mục đích đầu tiên của chúng tôi là nhằm tôn vinh phụ nữ cũng như tài năng vượt trội của họ trong thế giới ẩm thực, tiếp đến là để nâng cao nhận thức về các cơ hội nghề nghiệp dành cho phụ nữ trong ngành ẩm thực nói riêng và ngành dịch vụ nói chung, ngay trong chính hệ thống khách sạn rộng lớn mang quy mô toàn cầu của AccorHotels.

Tại tập đoàn AccorHotels, phụ nữ có giữ nhiều vị trí quan trọng không, thưa ông?

Phải khẳng định rằng, tôi có rất nhiều đồng nghiệp nữ đã và đang nắm giữ những vị trí chủ chốt, thậm chí cao hơn tôi, có nhiều đóng góp, cống hiến lớn cho tập đoàn. Chúng tôi cũng đang nỗ lực xây dựng nên hai chương trình mang tên Riise và WILD F&B (Women in Leadership Disrupting Food and Beverage – Nữ giới trong vai trò quản lý ngành F&B) nhằm thúc đẩy sự phát triển của thế hệ nữ lãnh đạo mới, khuyến khích tính đa dạng trong quản lý. AccorHotels đặt mục tiêu đạt tỷ lệ trên 35% nhân sự nữ đảm nhiệm các vị trí quản lý cao cấp vào năm 2020 trong mạng lưới hơn 4.600 khách sạn trên toàn cầu.

Bạn có thể kiểm chứng: Hai vị giám đốc truyền thông và giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á – Đông Bắc Á và Maldives, hai cánh tay đắc lực của tôi, hiện đều là phái đẹp (cười).

Được biết ông đã gắn bó với AccorHotels suốt 36 năm cho tới thời điểm này. Điều gì khiến ông “chung thủy” với tập đoàn này đến vậy?

Tôi từng làm việc cho nhiều công ty trước khi gia nhập AccorHotels. Lúc tôi tham gia, tập đoàn chỉ mới quản lý khoảng 300 khách sạn trên toàn cầu, trong đó có 100 khách sạn ở châu Á, còn bây giờ là 5.000 trên toàn cầu và ở châu Á là 1.200, một bước tiến lớn lao mà tôi luôn cảm thấy kinh ngạc khi nhìn lại.

Tôi thấy mình quá may mắn khi được trở thành một phần trong hành trình phát triển vĩ đại của tập đoàn. Tôi nhớ mãi câu nói của vị Chủ tịch Tập đoàn vào thời điểm đó: “Khi làm việc tại Accor, bạn có thể mắc sai lầm, nhưng phải học được nhiều điều từ sai lầm đó để không mắc phải lần nữa”. Ngoài ra, vì rất yêu châu Á, nơi có nền văn hóa và ẩm thực đặc biệt, tôi rất hạnh phúc khi được sống và làm việc ở châu lục này lâu dài cùng AccorHotels.

Trong những năm gần đây, hệ thống khách sạn do AccorHotels quản lý đã phát triển mạnh ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam với gần 30 khách sạn & khu nghỉ dưỡng trên toàn quốc. Điều gì khiến tập đoàn của ông phát triển rất nhanh ở dải đất hình chữ S này?

Với hơn 3.000 km bờ biển và nhiều bãi biển tuyệt đẹp, những thành phố trẻ và năng động, nhiều vùng núi cao hoang sơ cùng các di sản văn hóa – lịch sử đa dạng, trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam liên tục được xếp hạng cao trong số các điểm du lịch phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, sự xuất sắc về dịch vụ của AccorHotels trên toàn cầu từ lâu đã được công nhận và chiếm được lòng tin của các chủ sở hữu, đó là lý do tại sao chúng tôi có thể hợp tác với rất nhiều khách sạn 5 sao mang sứ mệnh tôn vinh văn hóa & nét đẹp bản xứ tại Việt Nam.

Theo ông, đang tồn tại những khó khăn, thách thức nào cho ngành du lịch ở Việt Nam?

Đầu tiên, đó là cơ sở hạ tầng. Để đảm bảo cho ngành du lịch có được tiềm năng mang tính toàn diện, chúng ta cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả sân bay và địa điểm lưu trú. Bên cạnh đó, nhân sự cũng là vấn đề bức thiết. Ngành du lịch của các bạn đã phát triển quá nhanh trong vài năm qua, đến mức nảy sinh tình trạng thiếu lao động có trình độ, không thể đảm bảo phục vụ số lượng khách du lịch ngày càng tăng. Những hạn chế trên không thể được khắc phục trong một sớm một chiều, mà là vấn đề mang tính chiến lược cần được ưu tiên đầu tư để phát triển.

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch của tập đoàn đối với Việt Nam trong thời gian tới?

Theo tiến trình, bên cạnh 30 khách sạn đã hợp tác trước đây, trong năm 2019 và 2020, chúng tôi đang và sẽ tiếp nhận quản lý thêm 13 khách sạn 4 sao và 5 sao tại Việt Nam, nằm ở những vị trí lý tưởng nhất, chẳng hạn như hai khách sạn Mövenpick tại Cam Ranh và Phú Quốc; hai khách sạn MGallery gồm Perle d’Orient Cát Bà và Bà Nà Hills; ba khách sạn Pullman ở Quảng Bình, Ninh Bình và Phú Quốc; hai khách sạn Novotel ở Hà Nội, Quy Nhơn cùng khu nghỉ dưỡng Novotel Suites Cam Ranh; khách sạn Mercure Hà Nội Hado và Mercure Sapa; Ibis Styles Vũng Tàu Festival… Đây có thể xem là một chặng đường mới tươi sáng của tập đoàn AccorHotels tại Việt Nam và cũng là nét chấm phá tích cực trên bản đồ du lịch của đất nước hình chữ S.

Được biết ông rất đam mê với các hoạt động ngoài trời, chạy xe mô-tô thể thao và những chuyến phiêu lưu. Ông đã bao giờ rong ruổi bằng xe máy ở Việt Nam?

Tôi vừa tham gia tour đạp xe Amazing Ride chinh phục 300 km trong 3 ngày ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm gây quỹ từ thiện cho người nghèo, một hành trình tuyệt vời và rất ý nghĩa. Ngoài ra, trước đây tôi từng đi phượt bằng xe máy lên các tỉnh vùng Tây Bắc như Sapa, Hà Giang… với các chuyên gia nước ngoài sống ở Hà Nội, một kỷ niệm đẹp không thể quên!

Xin cảm ơn và chúc ông nhiều sức khỏe!